Băn khoăn khi bỏ điểm sàn

ANTĐ - Trước những thay đổi trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét tuyển sinh thời gian qua rất nóng, đặc biệt là vấn đề điểm sàn. Việc bỏ điểm sàn vẫn đang khiến nhiều người băn khoăn về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ 2014.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường không thay đổi lịch đăng ký dự thi

Nhiều điểm không hợp lý

Bày tỏ sự quan tâm tới đổi mới tuyển sinh năm nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra vấn đề nên hay không nên đặt ra điểm sàn. Mặc dù cho rằng vấn đề này cần nhìn nhận một cách đầy đủ nhưng Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những điểm cốt yếu đề xuất bỏ điểm sàn chủ yếu là nguyện vọng của các trường ngoài công lập, đòi hỏi có những tiêu chí linh hoạt  thay thế điểm sàn. “Trước đây có điểm sàn là để đảm bảo chất lượng đầu vào tránh tình trạng các trường tốp  dưới tuyển thí sinh học lực kém. Tuy nhiên, phân tích kỹ thì thấy cũng có điểm không hợp lý. Ví dụ, điểm sàn khối A là 15 điểm. Một thí sinh thi vào lĩnh vực Vật lý được tổng điểm 15 với mức điểm từng môn Lý: 5, Toán: 4,5; Hóa: 5,5 là đủ điểm sàn và được xét tuyển ĐH.

Trong khi đó, một thí sinh cũng thi vào chuyên ngành Vật lý được tổng điểm 14,5 nhưng môn Lý lại được 7 còn Hóa: 4, Toá: 3,5. Như vậy là không đủ điểm sàn và trượt ĐH dù điểm môn chuyên ngành cao hơn thí sinh kia. Vì vậy, bỏ điểm sàn là cần thiết nhưng phải xây dựng các tiêu chí khác để tạo điều kiện cho các thí sinh có chuyên môn nhưng kém một chút may mắn” - Phó Thủ tướng phân tích. Đây cũng là vấn đề mà các trường ĐH, CĐ lớn ở Hà Nội hay TP.HCM không gặp phải nhưng lại khiến các trường địa phương rất khó khăn trong việc tuyển sinh.

PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng: “Bỏ quy định điểm sàn không đồng nghĩa với việc Bộ Giáo dục thả nổi hoàn toàn công tác tuyển sinh cho các trường dẫn tới thả nổi chất lượng nguồn tuyển sinh”.  Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn nhấn mạnh nếu tiêu chí đầu vào của các trường ngoài công lập tự nhận thấp hơn thì phải tìm ra biện pháp bù trừ như quá trình đào tạo phải nghiêm hơn các trường công lập. “Hiện nay, chưa nhiều trường ngoài công lập làm được điều này.

Chỉ đổi mới cách xác định điểm sàn

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết đã quyết định bỏ cách xác định điểm sàn theo kiểu cũ và đổi mới cách xác định điểm sàn cho phù hợp với thực tiễn công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

Phân tích vai trò điểm sàn từ  năm 2013 trở về trước, ông Mai Văn Trinh cho biết, việc xét tuyển chỉ có một giá trị điểm sàn cho bậc ĐH và một giá trị điểm sàn cho bậc CĐ ứng với mỗi khối thi. Điểm sàn này đã góp phần thực hiện chức năng phân luồng học sinh, đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh và chất lượng đầu vào của các trường ĐH, CĐ. “Tuy nhiên, cách xác định điểm sàn như trước đây chưa đáp ứng được tính đa dạng của các ngành đào tạo, cũng như đặc thù của các cơ sở giáo dục đại học. Do vậy, để đổi mới tuyển sinh cần có cách xác định điểm sàn mới linh hoạt, mềm dẻo hơn, phù hợp với các loại hình trường, ngành đào tạo cũng như mục tiêu đào tạo của các trường ĐH, CĐ, giúp các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh nhưng vẫn bảo đảm chất lượng nguồn tuyển” - ông  Mai Văn Trinh khẳng định. 

Được biết, hiện nay Bộ GDĐT đã chủ động đề xuất, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các trường ĐH, CĐ để đưa ra dự thảo phương án cách xác định điểm sàn mới. Theo đó, lãnh đạo các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề xuất về mặt vĩ mô, Bộ chỉ nên quy định “điều kiện cần” để được vào các trường ĐH, CĐ đó là người học có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Còn điều kiện đủ tùy theo từng trường quyết định, phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề nghị Bộ GD-ĐT đảm bảo thật tốt chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay từ năm học này về cả hai mặt: chất lượng đề thi và kỷ cương thi cử. Có làm được hai yêu cầu này thì kỳ thi mới thực sự mang tính chất quốc gia, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. 

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Chánh văn phòng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho biết, khả năng các trường tự đặt ra những tiêu chí đầu vào quá thấp cũng có thể xảy ra nhưng chính điều này sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín lâu dài của các trường. “Đây là điều trường nào cũng phải cân nhắc, vì vậy không ai dại gì mà chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, hạ yêu cầu thật thấp để tuyển sinh” – ông Nguyễn Đăng Khoa khẳng định.