Bài toán tài chính cho kế hoạch về hưu sớm của người Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn 52% số người thành thị có ý định về hưu sớm ở độ tuổi 45 đến 55 tuổi, áp lực từ bài toán thu nhập, tiết kiệm và đầu tư đang ngày càng ngày càng tăng cao.

Nhiều người muốn về hưu sớm

Nghiên cứu “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già”, khảo sát nhóm dân số trong độ tuổi 30-44 ở Việt Nam về việc họ chuẩn bị cho tuổi già độc lập như thế nào. Nghiên cứu được thực hiện trên 2.019 đối tượng từ 30 đến đủ 44 tuổi, tại 6 tỉnh thành phố thuộc các vùng kinh tế đại diện phạm vi quốc gia do Viện Khoa học lao động và xã hội và Viện nghiên cứu Y – Xã hội học phối hợp thực hiện với sự hỗ trợ của Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam thực hiện mới đây cho thấy có đến hơn một nửa số người ở thành thị có dự định nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 45-55 tuổi (với 52,6%), và khoảng 38,93% dự kiến nghỉ hưu ở độ tuổi từ 55 đến dưới tuổi quy định.

Tuổi nghỉ hưu theo từng độ tuổi, giới tính và khu vực, trong số những người dự kiến nghỉ hưu sớm

Tuổi nghỉ hưu theo từng độ tuổi, giới tính và khu vực, trong số những người dự kiến nghỉ hưu sớm

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của nhóm được khảo sát, hơn 80% người được khảo sát nói rằng thu nhập của họ bị giảm và có đến 65% người nói thu nhập giảm trên 20%.

Mặc dù có rất nhiều người suy nghĩ đến việc về hưu sớm. Tuy nhiên, đi kèm theo mong muốn này là áp lực từ bài toán thu nhập, tiết kiệm và đầu tư trong hiện tại và tương lai.

Theo PGS.TS. Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân, chuyên gia nghiên cứu cao cấp Viện nghiên cứu Y - Xã hội học, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết nhóm tuổi 30-44 được xem là nhóm tuổi quan trọng. Không chỉ là nhóm độ tuổi đang tăng về số lượng và tỷ lệ trong tổng dân số, đây cũng là nhóm dân số có thu nhập bình quân đầu người cao nhất. Dự kiến nhóm tuổi này sẽ đạt mức cao nhất vào 2025, chiếm khoảng 24,02% tổng dân số.

Điều đáng chú ý là nhóm tuổi này sẽ bước sang độ tuổi "về già'' trong khoảng 15 năm nữa, đây cũng là khoảng thời gian mà Việt Nam chính thức từ thời kỳ “dân số vàng” bước sang thời kỳ “dân số già”, đồng nghĩa với gánh nặng an sinh xã hội sẽ cao hơn. Sự gia tăng trong ý định về hưu sớm không chỉ là áp lực đối với mỗi cá nhân, mà còn là thách thức cho xã hội.

PGS-TS. Giang Thanh Long (thứ 2 bên trái sang) chia sẻ, mức độ tự tin về chuẩn bị cho cuộc sống tuổi già theo cả độ tuổi, giới tính và khu vực còn chưa cao

PGS-TS. Giang Thanh Long (thứ 2 bên trái sang) chia sẻ, mức độ tự tin về chuẩn bị cho cuộc sống tuổi già theo cả độ tuổi, giới tính và khu vực còn chưa cao

Đáng chú ý hơn, đánh giá về triển vọng cuộc sống hưu trí và cuộc sống khi về già, PGS-TS. Giang Thanh Long chia sẻ, mức độ tự tin về chuẩn bị cho cuộc sống tuổi già theo cả độ tuổi, giới tính và khu vực còn chưa cao, đặc biệt về mặt tài chính (điểm trung bình về yếu tố tài chính chỉ đạt trên 5 theo thang đo từ 0-10). Khảo sát cho thấy nguồn tài chính để về hưu phần lớn đến từ các khoản lương hưu hoặc các khoản tiết kiệm. Dù vậy, tỷ lệ dự kiến có nguồn thu nhập từ lương hưu còn chưa cao, chỉ chiếm 32,43%, đi cùng đó là tỷ lệ người tham gia BHXH và kỳ vọng về thu nhập đủ sống từ hưu trí còn khá thấp. Thậm chí có gần 5% người tham gia khảo sát chia sẻ rằng “không biết hoặc sẽ không có nguồn thu nhập nào khi về già”.

Khảo sát cũng cho thấy được mặc dù tỷ lệ mong muốn độc lập khi về già ở mức khá cao, nhưng tỷ lệ lên kế hoạch chỉ ở mức 28,4%. Từ đó có thể thấy được việc lên kế hoạch cho một cuộc sống hưu trí viên mãn dường như chưa đi sát với ý định về hưu sớm.

Nâng cao nhận thức về thu nhập, tiết kiệm và đầu tư

Theo bà Trần Bích Thủy, Giám đốc quốc gia - Tổ chức hỗ trợ người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam (HelpAge International), để chuẩn bị cho cuộc sống về hưu như mong đợi, ngoài việc chuẩn bị cho một sức khỏe tốt, còn cần phải nâng cao mức thu nhập từ việc làm.

Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc quốc gia - Tổ chức hỗ trợ người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam (HelpAge International)

Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc quốc gia - Tổ chức hỗ trợ người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam (HelpAge International)

Về lý thuyết là vậy, nhưng thách thức ở đây là phần lớn những người trẻ còn đang có mức thu nhập thấp, thậm chí chưa đủ lo cho cuộc sống hiện tại. “Xuyên suốt vấn đề vẫn là thu nhập. Bản thân cá nhân phải ý thức cho việc về già khi còn trẻ”, bà Thủy chia sẻ tại hội thảo kỹ thuật “Cuộc sống độc lập khi về già và an sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam” vào ngày 14/12 mới đây.

Ở góc độ vĩ mô, một thách thức khác nữa mà TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội lưu ý đó là khả năng tích lũy về thu nhập của hai nhóm người trẻ và già, khả năng tạo thu nhập sau khi nghỉ hưu của mỗi người là khác nhau. Thêm nữa, bức tranh về gánh nặng thu nhập cần làm rõ hơn khi hiện nhiều người cao tuổi sau khi nghỉ hưu vẫn là trụ cột thu nhập của cả một gia đình.

Do đó, thách thức của người trẻ được nhiều diễn giả cho rằng không chỉ cần tăng tốc tạo thu nhập, mà cũng phải có kế hoạch cho bài toán tiết kiệm trong dài hạn, để chuẩn bị cho kế hoạch về hưu sớm trong tương lai.

Thực hiện kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm và xây dựng kế hoạch tài chính là 3 việc được ưu tiên để chuẩn bị cho cuộc sống khi về già

Thực hiện kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm và xây dựng kế hoạch tài chính là 3 việc được ưu tiên để chuẩn bị cho cuộc sống khi về già

Ngoài ra, vấn đề tiết kiệm cũng là một thách thức cho người Việt nói chung hiện nay, ông Long cho biết. Thống kê cho thấy ở thời kỳ bùng nổ dân số của Nhật Bản (dân số vàng) thì tỷ lệ tiết kiệm lên đến 53%, con số này được đầu tư lại vào nền kinh tế để tạo thu nhập cho tương lai. Trái lại, tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam ở thời kỳ dân số vàng hiện nay là khá thấp, chỉ khoảng 28%.

Nhưng nhìn về hướng tích cực thì ngày càng có nhiều người trẻ tăng nhận thức của mình về bài toán tiết kiệm. Thống kê trong khảo sát ở trên cũng cho rằng nhận thức của người dân hiện nay về bảo hiểm cũng tốt hơn trước. Có đến hơn một nửa (52,31%) người khảo sát cho rằng bảo hiểm nhân thọ là một phần tiết kiệm, đầu tư nhằm đảm bảo cho cuộc sống khi về già.

Ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho biết số lượng người trẻ mua bảo hiểm đang tăng rất nhanh trong vài năm trở lại đây. Nếu như trước đây đa phần khách hàng tham gia bảo hiểm nằm ở nhóm tuổi trên 45 thì hiện nay có khoảng 25% ở trong độ tuổi 30-44. Ông khẳng định, “Bảo hiểm nhân thọ thực sự không phải là cuộc chơi dành riêng của người giàu có hay thành đạt”.

Trong khoảng 15 năm nữa, các diễn giả đều cho rằng Việt Nam cần gấp rút chuẩn bị cho tương lai dân số già với áp lực an sinh xã hội rất lớn. Bài toán tiết kiệm, trong đó có đầu tư, tham gia bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm nhân thọ, đều là những hướng đi cần thiết để tạo nguồn thu nhập ổn định và bền vững trong tương lai. “Chúng ta dễ bấp bênh về tài chính khi về già nếu không có sự chuẩn bị tốt từ khi còn trẻ”, ông Long nhận định.