Bài toán đã có lời giải?

ANTĐ - Trước tình hình bất ổn không ngừng gia tăng tại Syria, những ngày qua, cộng đồng quốc tế liên tục có những động thái nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Trong khi còn quá nhiều khác biệt trong lập trường của hai phe cường quốc - một bên là Mỹ và phương Tây, một bên là Nga và Trung Quốc thì  Syria vẫn là một bài toán khó. 

Các nước phương Tây trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 11-7 đã đệ trình một bản dự thảo nghị quyết yêu cầu trừng phạt Syria vì cuộc xung đột đang diễn ra ngày càng tồi tệ. Điểm đáng chú ý của dự thảo nghị quyết này là việc các nước phương Tây muốn ấn định cho chính quyền của Tổng thống al-Assad thời hạn chót là 10 ngày để chấm dứt việc sử dụng các loại vũ khí hạng nặng, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế theo chương 7 của Hiến chương Liên hợp quốc. 

Giữ vững lập trường “trừng phạt không mang lại hiệu quả”, Nga đã tự mình đề xuất một bản dự thảo nghị quyết riêng, trong đó cũng đề cập tương lai của phái bộ quan sát viên Liên hợp quốc tại Syria và ủng hộ các kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Kofi Annan, tuy nhiên không bao gồm một biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Syria. 

Những bất đồng của các thế lực bên ngoài, bất đồng giữa Chính phủ và phe đối lập, rồi bất đồng trong chính nội bộ phe đối lập đang khiến cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng ngày một đáng lo ngại với số người thiệt mạng được cho là đã lên tới hơn 17.000 người mà tồi tệ nhất nhất trong 16 tháng bất ổn tại Syria là vụ thảm sát 200 dân thường vô tội Syria thuộc cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni xảy ra hôm 12-7 ở tỉnh Hama. 

Trong diễn biến khác, bất chấp việc đang “khua gươm, gióng trống” hiện nay,  phương Tây cùng các thế lực đồng minh ở Trung Đông, đang tìm kiếm một nhân vật thay thế Tổng thống Assad. Từ lâu, hãng phân tích tình báo Stratfor của Mỹ đã cho rằng tất cả các cường quốc nước ngoài can dự vào cuộc khủng hoảng Syria - bao gồm Mỹ, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga - hiện đang tìm kiếm một nhân vật  thích hợp để thay thế Tổng thống Assad. Điều này có thể là sự đồn đoán vào thời điểm hiện tại, nhưng nó không phải là không thể xảy ra, khi sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Nga và Iran ở Syria (chưa kể đến sự tập trung binh lực của phương Tây sát biên giới) sẽ làm tăng áp lực buộc Tổng thống Assad ra đi và thay vào đó là một nhà lãnh đạo mới được các bên chấp nhận.

Hai vụ đào tẩu gần đây nhất - một đại sứ Syria tại Iraq và một vị tướng người Sunni xuất thân từ một gia đình danh giá - có thể là báo hiệu của một cuộc "đảo chính cung đình" có nhiều khả năng sắp xảy ra.

Chuẩn tướng Manaf Tlas, trốn đến Pháp thông qua Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước đã được nhiều phần tử đối lập ca ngợi như một nhà lãnh đạo Syria tiếp theo. Ông này xuất thân từ một gia đình Hồi giáo Sunni có ảnh hưởng nhất trong chế độ hiện nay. Trong nhiều thập kỷ, cha ông từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và đã có công củng cố sự cai trị của gia tộc Assad. Không những thế, Chuẩn tướng Manaf Tlas lại không hề tham gia vụ đàn áp đẫm máu hiện nay và có thể nhận được sự tín nhiệm của quân nổi dậy, đặc biệt là những người Hồi giáo Sunni vốn chiếm đa số ở Syria. Hơn nữa, có vẻ như ông vẫn còn có sự hậu thuẫn của chính quyền hiện hành. Nếu không, làm thế nào mà ông đưa được cả gia đình rời Damascus sang Thổ Nhĩ Kỳ, rồi qua Pháp, một cách bình an vô sự. Sự đào tẩu của Chuẩn tướng Manaf Tlas xem ra khá phù hợp với các giả thiết của giới ngoại giao và quân sự về Syria. Nó cũng làm nổi bật một động lực quan trọng khác trong chế độ Syria, một động lực có thể dẫn đến một cuộc đảo chính cung đình trong tương lai gần.

Về phần mình, Tổng thống Syria Bashar al-Assad có lẽ cũng đã ngộ ra rằng ông ta không thể bám lấy quyền lực mãi mãi.