Bái phục cũng chưa đủ

ANTĐ - Ông là người Hà Nội gốc, vậy tôi đố ông, ngày xưa có những việc chướng tai, gai mắt ngoài đường như bây giờ không?

- Những chuyện bức xúc thì thời nào chẳng có, nhưng tôi cam đoan rằng xưa ít hơn nay vì dân ít hơn, người nhập cư có mấy đâu.

- Tôi vừa đọc một cuốn sách mà giật mình, vì thấy như thể cha ông ta tiên đoán được những thói xấu của con cháu nên từ mấy trăm năm trước đã đề ra hương ước, lệ làng rất nghiêm ngặt.

- Thú thật, tôi chỉ biết ngày xưa Hà Nội là “Kẻ Chợ”. Thôn làng, phố phường đan xen nên phải có điều ước, lệ làng để ràng buộc gắn kết mọi người. Ông thử kể một vài lệ làng xem bây giờ có áp dụng được không?

- Khó lắm, vì cha ông ta phạt rất nặng tay. Chẳng hạn, lệ làng Đa Sĩ ghi: “Miếu, đình, chùa phải trồng cây xanh, trâu bò hoặc người xâm phạm phải phạt 300 đồng”.

- Ngày xưa tiêu từng trinh, từng xu, phạt nặng thế thì khuynh gia, bại sản thật.

- Tôi đọc thấy tiền nhân không chỉ có hình phạt nặng mà còn răn đe. Lệ làng Đông Trù ghi rõ: Tang lễ là việc đau buồn, thế mà cứ quen thói làm cỗ bàn mời khách như đám hội, nay phải bỏ thói đó đi.

- Thật bái phục các cụ đã nhìn qua mấy thế kỷ tới tận hôm nay.

- Bái phục cũng chưa đủ đâu ông ơi. Soi vào hôm nay mới thấy người xưa đã để lại cho mai sau nhiều điều răn dạy cốt tử. Từ việc vứt rác ra đường sẽ bị phạt 1 đến 5 hào, rồi cấm người bán tơ lụa tự ý nâng giá lên, hạ giá xuống.

- Quả là bái phục cũng chưa đủ thật! Con cháu mà không học, không làm được như ông cha xưa thì phải thấy có tội rất lớn là hậu sinh bất khả úy.