Bài học từ các thành phố lớn châu Á

ANTĐ - Tại Hội nghị toàn thể mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ 21 (ANMC21) lần thứ 12 diễn ra ngày 18-11 tại Hà Nội, đại diện các đô thị lớn của châu Á như Tokyo, Hà Nội, Singapore,  Bangkok, Jakarta đã đưa ra những giải pháp tối ưu trong quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường và chính sách năng lượng đô thị. 

Bài học từ các thành phố lớn châu Á ảnh 1
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (giữa), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo
(thứ 2 từ trái sang), cùng đại diện các thành phố lớn châu Á tại hội nghị

Tạo dựng môi trường tự nhiên

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề cao sáng kiến nội dung của hội nghị năm nay, với những vấn đề nóng bỏng mà các đô thị đang phải đối mặt. Phó Thủ tướng cho rằng, thông qua hai phiên đối thoại chính sách: “Quy hoạch đô thị-Những vấn đề đặt ra trong thực thi quy hoạch đô thị hiện nay” và “Chính sách năng lượng đô thị tại châu Á”, các thành phố thành viên của ANMC21 sẽ tìm ra được những giải pháp tối ưu trong thực thi, quản lý quy hoạch đô thị. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo chia sẻ niềm vinh dự của thành phố Hà Nội lần thứ hai đăng cai tổ chức hội nghị, đồng thời chia sẻ những mất mát mà quốc đảo Philippines phải hứng chịu sau siêu bão Haiyan vừa qua.

Tại hội nghị, ông Mikio Ono, Giám đốc các dự án cảnh quan đô thị - Cục phát triển đô thị thành phố Tokyo, Nhật Bản chia sẻ quan điểm chính của phát triển đô thị ở Tokyo là “Hài hòa với tự nhiên, môi trường, lịch sử, văn hóa, lối sống...”. Theo đó, Tokyo tập trung phát triển đô thị theo hướng “Chọn lựa” và “Trọng tâm”, nghĩa là thúc đẩy hoạt động phát triển ở khu vực lõi trung tâm, nơi có nhiều doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó là sử dụng các tiến bộ của khu vực tư nhân vào phát triển đô thị, đặc biệt khích lệ sự phát triển nhanh và đa dạng bằng việc tạo ra những ngoại lệ liên quan đến quy hoạch. 

Bên cạnh quy hoạch đô thị, Tokyo tập trung giảm khí thải CO2 và tạo dựng môi trường tự nhiên. Để làm được điều này, Tokyo khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường như việc sử dụng hệ thống nước làm mát để thay thế cho điều hòa, sử dụng năng lượng nhiệt mặt trời... Song song với đó là tạo ra khu vực đất xanh (khoảng 3 ha) để góp phần chống lại sự ấm lên toàn cầu. 

Là một nước có diện tích nhỏ nhưng được coi là quốc gia sạch nhất thế giới, Singapore chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch sử dụng đất lâu dài và kế hoạch xanh lá cây và xanh da trời. Theo đại diện Singapore, vì có diện tích đất ít, từng km vuông ở đây đều được sử dụng một cách tối ưu, và nơi đây chủ yếu phát triển không gian ngầm dưới lòng đất, đặc biệt là phát triển bền vững môi trường. Theo đó, trong 50 năm phát triển quy hoạch xanh, màu xanh ở Singapore đã tăng từ 35-50% diện tích đất.

Phát triển giao thông công cộng

Chia sẻ tại Hội nghị về những giải pháp ở thành phố mình, đại diện đến từ Sở quy hoạch thành phố Bangkok cho biết những khó khăn, thách thức trong phát triển đô thị tại Bangkok bao gồm việc mọc lên các tòa nhà phá vỡ tỷ lệ quy hoạch, bên cạnh đó là biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra. Về giao thông, đại diện thành phố Bangkok chia sẻ, định hướng phát triển giao thông ở thành phố này chủ yếu tập trung vào phát triển hệ thống ga tàu điện.

Phó Thống đốc thành phố Jakarta về Quy hoạch không gian và môi trường cũng chia sẻ những chương trình ưu tiên ở đây bao gồm: Phát triển giao thông theo định hướng giao thông công cộng, MRT (tàu điện ngầm), BRT (xe buýt nhanh), bên cạnh đó là chương trình nhà ở giá rẻ, quản lý rác thải rắn và nước thải, quản lý ngập lụt và công trình xanh. Về giao thông, theo đại diện Jakarta, thành phố này tập trung vào hệ thống xe buýt nhanh, hiện tại thành phố đã có 12 tuyến, nhu cầu hành khách năm 2012 (11 tuyến) là khoảng 114 triệu lượt. Về quản lý rác thải rắn và nước thải, Jakarta khuyến khích quản lý rác thải rắn và nước thải theo hướng thân thiện môi trường sử dụng công nghệ cao và hiệu quả. Trong thời gian tới, thành phố này sẽ xây dựng 3 nhà máy xử lý rác thải tại chỗ. Bên cạnh đó, từng bước mở rộng hệ thống cống rãnh xử lý nước thải và tách riêng hệ thống thoát nước. Đặc biệt, khuyến khích phân loại rác để giảm lượng rác thải đến nhà máy xử lý và tận dụng nguồn nước thải để tạo ra nguồn nước sạch thay thế.

Tại hội nghị, TS. KTS Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cũng nêu ra những khó khăn, thách thức cần giải quyết trong quy hoạch đô thị tại Hà Nội, chủ yếu là việc di dời các cơ sở y tế, bộ ngành, các trường đại học, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm; hạn chế trong điều tiết chức năng khu vực nội đô, bên cạnh đó là việc bảo tồn hình thức kiến trúc và bảo tồn các làng nghề. Ông Nguyễn Văn Hải cũng đưa ra giải pháp quy hoạch trong thời gian tới, đó là đổi mới phương pháp quy hoạch, chủ yếu sẽ quy hoạch theo hướng công khai minh bạch, giảm thiểu sự đầu cơ đất, huy động mọi thành phần, quy hoạch có chất lượng, gắn liền cảnh quan, cây xanh.

Trong khuôn khổ Hội nghị, nhiều hoạt động bên lề như Triển lãm về các dự án liên kết; Gian trưng bày của các thành phố thành viên; Triển lãm tranh vẽ thiếu nhi; Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật tại sân khấu ngoài trời; Các gian hàng xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch cũng được diễn ra.