“Bài học” điều hành

ANTĐ - Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư trước Chính phủ nhấn mạnh, lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh so với đầu năm, kinh tế vĩ mô từng bước ổn định hơn vào cuối năm, nhưng nền kinh tế có dấu hiệu đình trệ tăng trưởng. Chính phủ nhận định “tình hình còn rất khó khăn” và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới cần tập trung “bảo đảm tăng trưởng, ngăn chặn nguy cơ suy giảm”.

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nghị quyết 11 của Chính phủ không chỉ là nghị quyết để thực hiện cho một vài tháng của năm 2011, mà phải được kiên trì thực hiện trong nhiều năm tới. Nhưng trong ổn định kinh tế vĩ mô, không chỉ nhìn vào lạm phát mà còn phải đảm bảo tăng trưởng hợp lý để đảm bảo cho các chỉ số việc làm, thất nghiệp. So với những năm trước, để đạt được đồng thời GDP tăng trưởng 6-6,5% và kiềm chế CPI dưới 10% là rất khó.

Một ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nền kinh tế năm 2012 tiếp tục phải đối mặt với 3 thách thức được “chuyển giao” từ năm 2011: lạm phát, lãi suất ở mức cao và độ mở của nền kinh tế rất lớn. Mặc dù lần đầu tiên nước ta “kéo” được mức bội chi năm 2011 giảm xuống 5% GDP, nhưng vì bội chi ngân sách đã kéo dài nhiều năm liền nên chưa thể lấy lại thế cân bằng. Năm 2011 đã chi vượt dự toán 9,7% tương đương 70.400 tỷ đồng. Tuy không quá bi quan về tình hình kinh tế năm 2012, song không ít chuyên gia nhận xét rằng, nền kinh tế năm 2011 hầu như chùng xuống do lạm phát “leo” quá cao, chính sự trầm lắng đáng lo ngại này chứng tỏ dấu hiệu của một cuộc suy thoái mới là không thể thoát khỏi trong năm tới.

Nhìn lại diễn biến trong năm qua có thể rút những bài học kinh nghiệm trong điều hành năm 2012. Kể từ năm 2007 đến nay, lạm phát ở nước ta tăng cao và kéo dài suốt 5 năm, bình quân mỗi năm tăng 13%, gấp 3 lần so với các nước trong khu vực. Giá cả tăng cao và nhiều thời điểm có nhiều mặt hàng tăng chi phí, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào sự điều hành của Chính phủ. Theo ý kiến của ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, lạm phát có nguyên nhân từ chính sách tiền tệ, chích sách tài khóa, nhưng yếu tố quan trọng hơn là vấn đề quản lý giá. Lâu nay, người ta thường nói, giá cả biến động theo quy luật cung - cầu, khi nhu cầu tăng thì giá có thể tăng và ngược lại. Thế nhưng trong thời gian qua, lại diễn ra một nghịch lý là không phải thiếu nguồn cung, “đường cung” dịch chuyển theo hướng tăng nhưng giá cả không giảm theo đúng quy luật mà giá cả lại tăng. Nhất là nước ta có lợi thế lớn về nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, vậy mà giá cả các mặt hàng này lại tăng gấp ba lần so với các nước trong khu vực. Cung tăng dồi dào mà giá cả vẫn “sốt cao”, rõ ràng việc quản lý và điều hành giá cả là do thiếu quyết liệt và nhạy bén.

Nhìn thẳng vào những thách thức, Chính phủ đã nhận thấy có 3 nguyên nhân gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Một nguyên nhân thuộc về khách quan, hai nguyên nhân là do yếu kém nội tại của nền kinh tế và do công tác điều hành. Từ 3 nguyên nhân chủ yếu này, Chính phủ đã xác định rõ 3 mũi nhọn đột phá trong tái cấu trúc nền kinh tế. Suy cho cùng, “bài học” điều hành vẫn là quan trọng nhất cần rút ra trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Điều hành tốt thì có thể hạn chế và triệt tiêu được hai nguyên nhân trên.