Sống trên chung cư cao tầng Hà Nội - bỗng dưng... lộn cổ:
Bài 2: Trách nhiệm không thuộc về ai(?!)
(ANTĐ) - Để tìm câu trả lời cho những tai nạn đáng tiếc câu trả lời chung nhất mà chúng tôi nhận được là “hầu hết các công trình nhà cao tầng đều đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và xác nhận độ an toàn trước khi được đưa vào sử dụng”.
Người dân phải tự bảo vệ
Khi được hỏi về cái chết của cháu bé 4 tuổi tại tòa nhà Artex 172 Ngọc Khánh, ông Nguyễn Thế Anh - đại diện BQL tòa nhà này giải thích: “Tai nạn của cháu bé là sự việc đáng tiếc vì khoảng cách chấn song cửa chỉ là 13cm nên bình thường không thể chui lọt. Độ cao ban công trong các căn hộ thuộc tòa nhà đã được cơ quan chức năng kiểm định xác nhận đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Còn cửa sổ ở khu vực hành lang khi xây dựng cũng đảm bảo an toàn và gần như lúc nào cũng đóng. Trong thời gian tới nếu nhận được phản ánh về sự nguy hiểm các cửa sổ này, chúng tôi sẽ tiến hành họp xin ý kiến của các cơ quan chức năng. Hiện tại tòa nhà này có 80/104 căn hộ đã có người ở”…
Nhiều gia đình phải lắp đặt thêm chấn song tại cửa sổ để đảm bảo an toàn |
Tại một số tòa nhà cao tầng khác ở khu Trung Hòa - Nhân Chính chúng tôi được biết, sau cái chết đau lòng của 2 cháu bé đều có nguồn gốc từ lan can của những căn hộ trên tầng cao, nhiều gia đình đã bịt ban công bằng lồng sắt. Sự xuất hiện các “chuồng cọp” ở nhà cao tầng với đủ kích cỡ và các loại vật liệu khác nhau đã làm xấu cảnh quan của khu vực.
Song, theo bà Nguyễn Thị Thành, ở nhà N6B: “Chúng tôi biết làm “chuồng cọp” sẽ ảnh hưởng đến thiết kế ban đầu song cũng là biện pháp cực chẳng đã. Để làm “chuồng cọp”, người dân phải đục tường, vách, hàn vào cốt thép bê tông của tòa nhà làm hỏng cấu trúc, giảm tuổi thọ công trình, gây mất mỹ quan đô thị, cản trở công tác cấp cứu phòng cháy chữa cháy khi có hỏa hoạn. Nhưng do ban công thấp, lại được thiết kế với những thanh ngang rất dễ trèo, cửa ra vào lại chỉ có một lớp nên để đảm bảo an ninh, an toàn, các gia đình đã nâng chiều cao ban công, làm khung sắt ở ban công và các cửa sổ”…
Cửa sổ tại khu vực hành lang được mở tự do không có chấn song |
Tình trạng thiếu an toàn đối với hệ thống lan can, cửa sổ cũng xảy ra ở những chung cư vẫn được gọi là cao cấp. Hầu hết hệ thống cửa sổ ở các nhà chung cư đều không có song sắt hoặc lưới an toàn bảo vệ. Bên cạnh đó, một số quy định tại Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 05:2008 đang được áp dụng lại không chi tiết, cụ thể nên rất khó thực hiện.
Vi phạm phổ biến
Về vấn đề này, được biết trong đợt điều tra, khảo sát trên 30 công trình đang được sử dụng như nhà chung cư, trường học, trường mẫu giáo, bệnh viện… vừa được Bộ Xây dựng thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố và qua báo cáo của 82 đơn vị thuộc các sở, ngành trong cả nước cho thấy vẫn còn tình trạng các công trình chưa áp dụng đầy đủ các quy định của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 05:2008/BXD "Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe" của Bộ Xây dựng ban hành, đặc biệt là các công trình do UBND cấp huyện và tư nhân làm chủ đầu tư.
Cụ thể là: Việc thiết kế và thi công ban công, lan can thấp; khoảng cách giữa các lan can rộng, sử dụng kính thường ở các vị trí mà theo Quy chuẩn phải sử dụng kính an toàn… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật từ thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu đến quản lý, sử dụng công trình của một bộ phận chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng chưa nghiêm.
Nhằm ngăn ngừa và hạn chế các tai nạn thương tích có thể xảy ra, ngày 12-2-2010, Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD về việc tăng cường thực hiện các nội dung của Quyết định số 09/2008/QĐ-BXD ngày 6-6-2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam “Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe”.
Tại văn bản này, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các nội dung, trình tự đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng theo các quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành: Kiên quyết xử lý và không đưa vào sử dụng các công trình không phù hợp.
Riêng đối với các công trình công cộng đã được xây dựng và sử dụng từ trước ngày Quy chuẩn xây dựng số 05:2008 có hiệu lực phải tổ chức rà soát, kiểm tra những nội dung chưa phù hợp với quy định dễ gây mất an toàn khi sử dụng để sửa chữa, cải tạo; Kiểm tra việc chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng đối với công trình bắt buộc phải chứng nhận theo quy định tại Thông tư số 16/2008/TT-BXD ngày 11-9-2008 của Bộ Xây dựng; Kiên quyết xử lý và không đưa vào sử dụng các công trình không được thiết kế, thi công, nghiệm thu phù hợp với quy chuẩn.
Ông Phạm Hoài Nhân - Giám đốc Trung tâm Thiết kế ứng dụng khoa học kỹ thuật mới - Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng HUD - CIC cho rằng: “Theo quy định tại Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 05:2008 hiện đang được áp dụng thì lan can, lô gia của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học… từ 9 tầng trở lên phải đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4m và không có thanh ngang để trèo lên.
Các chung cư cao tầng mới được xây dựng hiện nay hầu như đều đảm bảo quy chuẩn này. Tuy vậy, hiện chưa có quy định nào về việc thiết kế chấn song sắt cho cửa nhôm kính. Do đó, để đảm bảo an toàn, các gia đình cần hạn chế không mở cửa hoặc khống chế khoảng cách mở, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc”…
Huệ Linh - Ngọc Bảo