Thị trường đồ chơi trẻ em:

Bài 2: “Thoát xác” để bứt phá

(ANTĐ) - Trước hàng loạt các thông tin cảnh báo của các cơ quan chức năng Trung Quốc và Việt Nam về việc không ít đồ chơi Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn, chất lượng, thiếu an toàn cho sức khoẻ của trẻ em, người tiêu dùng Việt Nam đang hướng sự lựa chọn sang hàng Việt.
Song để người Việt dùng hàng Việt thì các nhà sản xuất đồ chơi Việt Nam cần có một sự “thoát xác”.

 Đồ chơi truyền thống vẫn hấp dẫn trẻ em
 Đồ chơi truyền thống vẫn hấp dẫn trẻ em

Cơ hội cho đồ chơi Việt Nam
Thảo Linh - chủ một cửa hàng bán đồ chơi trực tuyến cho biết: “Đồ chơi làm bằng chất liệu gỗ của Việt Nam hiện nay đang được các mẹ rất ưa chuộng. Với mức giá từ 150-300 nghìn đồng/sản phẩm, các mẹ có thể sở hữu đồ chơi phát triển trí tuệ, xếp hình, búp bê… Việc mua bán qua mạng nhanh gọn, vận chuyển đến tận nhà cũng tiện dụng hơn”. Theo chủ bán hàng này, màu sắc đồ chơi bằng gỗ của Việt Nam rất phong phú, có xuất xứ rõ ràng nên được khách hàng tin tưởng lựa chọn mua qua mạng.

Chị Hồng Vân - nhân viên văn phòng cho biết: “Vừa rồi đọc được thông tin Trung Quốc kiểm tra đồ chơi trẻ em tại 8 tỉnh của nước họ, có tới 1/10 trong số đồ chơi được kiểm tra không an toàn cho người sử dụng. Tôi đang lo không biết Việt Nam đã có mặt hàng này chưa, cũng không thấy cơ quan chức năng công bố danh sách các loại đồ chơi nguy hại”. Theo chị Vân, mặc dù có quy định dán tem hợp chuẩn các loại đồ chơi từ lâu nhưng trên thị trường chủ yếu là hàng hoá không dán tem. Người tiêu dùng chẳng biết căn cứ vào đâu để lựa chọn đồ chơi an toàn.

Chia sẻ trên diễn đàn mạng, chị Đặng Minh cho hay: “Nên lựa chọn đồ chơi hàng Việt Nam để cổ vũ cho hàng Việt và cũng vì sự an toàn của các con. Đồ chơi Việt Nam luôn có chứng nhận hợp quy và có địa chỉ công ty rõ ràng”.

Theo anh Tuấn Mạnh - nhân viên maketting một công ty đồ chơi trẻ em Việt Nam, thời điểm hiện tại là thời cơ tốt để các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi Việt Nam chiếm lĩnh thị trường, khẳng định niềm tin đối với người tiêu dùng Việt Nam. “Doanh nghiệp Việt Nam cần chớp cơ hội hàng Trung Quốc đang bị người tiêu dùng Việt dè chừng bởi chất lượng để chiếm lĩnh thị trường” - anh Mạnh nói.

Đổi mới ý tưởng

Chị Phương - Nghĩa Đô nhận xét, điểm yếu của đồ chơi Việt Nam chính là do sự đơn điệu trong ý tưởng. Trong khi đồ chơi Trung Quốc kết hợp được nhiều tính năng trong cùng một sản phẩm thì đồ chơi Việt Nam lại cứng nhắc. Chị Phương phân tích: “Chỉ với một đoạn thẳng gồm nhiều hình ghép có 2 màu của Trung Quốc, trẻ em có thể tuỳ ý xếp thành hình chữ nhật, hình vuông, hình chiếc micro hay quả bóng tròn… Nhưng với đồ chơi là tò he, trống bỏi, diều hay đèn ông sao của Việt Nam, người chơi chỉ có thể cầm tay để ngắm và nhanh chóng thấy nhàm chán. Những người bán hàng Việt Nam lại luôn cứng nhắc giới thiệu “đây là những loại đồ chơi truyền thống của Việt Nam mà trẻ em nên biết và tìm lại. Nhưng tính truyền thống quá trừu tượng với trẻ em. Trẻ em thích những đồ chơi màu sắc rực rỡ, có chuyển động nhanh, thay đổi liên tục, âm thanh vui nhộn, sinh động. Đồ chơi Việt Nam cần thay đổi theo hướng này”.

Tương tự, chị Hồng Vân góp ý: “Các nhà sản xuất đồ chơi Việt Nam nên thoát khỏi tư tưởng cứng nhắc như: sản xuất đồ chơi này là để phát triển trí tuệ, đồ chơi này là sự nhạy bén, đồ chơi này là truyền thống… Thay vào đó nên kết hợp ý nghĩa của trò chơi và linh hoạt trong các tính năng để phù hợp với trẻ em. Đôi khi trẻ em chỉ cần một loại đồ chơi hấp dẫn để cho vui, mà không thích bị gò vào việc phải thế này, phải thế khác”.
Đánh giá chung của người tiêu dùng Việt Nam là rất yên tâm về chất lượng đồ chơi Việt Nam. Nhưng bên cạnh việc cần cải tiến về màu sắc, thiết kế, sự cứng nhắc thì các nhà sản xuất đồ chơi Việt Nam cũng cần nhanh nhạy hơn trước yêu cầu của thị trường. Ví như việc phải “chạy đua thần tốc” để đưa ra thị trường  những bộ đồ chơi “ăn theo” các phim hoạt hình được các bé đặc biệt yêu thích thay vì để hàng Trung Quốc nhanh chóng phủ kín.

“Dù hàng Trung Quốc chất lượng không tốt nhưng các con đã thích thì người lớn không thể từ chối không mua. Giá bán thấp, không an toàn thì các em cũng chỉ sử dụng trong thời gian rất ngắn. Hàng Việt Nam nếu có ra sau, chất lượng tốt thì các bé cũng không thích nữa. Lúc ấy, trên truyền hình chiếu bộ phim hoạt hình khác rồi, các bé lại thích mua đồ chơi mới” - chị Mai chia sẻ.