Khi “của trời cho” được thương mại hóa:
Bài 2: Cung luôn lớn hơn cầu
(ANTĐ) - Hiện tại, nhận thức về vấn đề hiến tặng tinh trùng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn chưa được người dân quan tâm. Điều này khiến cho việc mua - bán tinh trùng bên ngoài thị trường tự do có điều kiện phát triển mạnh dẫn tới không thể kiểm soát được.
Tinh trùng của những người hiến tặng |
Không phải ai cũng có thể hiến tặng
Không giống như việc mua bán, trao đổi tinh trùng tự do ngoài thị trường, việc lấy và bảo quản tinh trùng tại ngân hàng tinh trùng trong một số bệnh viện phải tuân theo một quy trình khá chặt chẽ và nghiêm ngặt. Theo bà Hoàng Thị Minh Phương - Nữ hộ sinh trưởng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Phụ sản Trung ương thì một cá nhân muốn hiến tinh trùng tại bệnh viện phải có đơn đăng ký tự nguyện. Sau đó cá nhân này sẽ được đưa đi xét nghiệm HIV, giang mai, viêm gan… đồng thời cung cấp thông tin về tiền sử bệnh của mình và một số người thân trong gia đình.
Nếu các kết quả xét nghiệm đều tốt, người này sẽ được hiến tinh trùng. Sau 3-6 tháng, anh ta phải quay lại để làm xét nghiệm một lần nữa. Tinh trùng sau khi được lấy ra từ cơ thể người đàn ông sẽ được làm loãng, trộn vào môi trường đặc biệt, rồi được đưa vào máy chạy trong nhiệt độ -195 độ C. Cuối cùng, tinh trùng sẽ được đưa vào bình nitơ bảo quản. Số tinh trùng này có thể được bảo quản trong vòng 10 năm. Ngoài lượng tinh trùng nhận được do hiến tặng, trung tâm còn nhận lưu giữ những mẫu tinh trùng do một số người đi công tác, hay bệnh nhân ung thư trước khi bước vào quá trình điều trị hay người nước ngoài có vợ ở Việt Nam gửi về.
Cũng theo bà Phương, ngoài hơn 100 mẫu tinh trùng đang có, hiện trung tâm còn tiến hành lưu giữ phôi. Một số bệnh nhân sau khi thụ tinh trong ống nghiệm, số phôi dư thừa sẽ được đưa vào thiết bị bảo quản để bệnh nhân có thể sử dụng tiếp cho lần sau.
Điều đáng nói là, trong khi nhu cầu nhận tinh trùng ngày càng cao thì số người hiến tinh trùng ngày càng ít đi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhận thức của hầu hết nam giới về vấn đề này còn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, quy trình hiến tặng tinh trùng khá phức tạp, sau khi hiến tặng, người cho tinh trùng lại không được hưởng bất cứ một khoản tiền bồi dưỡng nào để khuyến khích, động viên. Không phải cặp vợ chồng nào lần đầu tiên tiến hành thụ tinh nhân tạo cũng có kết quả ngay mà tỷ lệ thành công chỉ đạt khoảng 20%. Cũng vì vấn đề này mà bệnh viện đang có quy định, người nào muốn đến xin tinh trùng không phải trả tiền mua nhưng phải thanh toán chi phí xét nghiệm cho người hiến tặng, các khoản phí phát sinh từ việc bảo quản tinh trùng.
Bên cạnh đó, họ phải tiến cử một người khác đủ điều kiện về sức khỏe để hiến tặng lại tinh trùng. Đây cũng là biện pháp “cực chẳng đã” của bệnh viện. Để đảm bảo bí mật cho người hiến tặng, các mẫu tinh trùng là vô danh. Một người chỉ được hiến tặng 1 lần khi tinh trùng đó đã cho ra 1 thai nhi. Do cung lớn hơn cầu nên thời gian chờ đợi để được nhận tinh trùng của các cặp vợ chồng thường là khá dài. Do đó khiến nhiều người tỏ ra sốt ruột, chán nản nên đã tiến hành thương lượng, mua bán tinh trùng đối với các đối tượng rao bán trên mạng.
Nghiêm cấm mua bán tinh trùng
Theo Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, việc mua bán tinh trùng bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức. Nếu xin cho thì bên xin sẽ thanh toán mọi chi phí. Mỗi người đều có quyền hiến và nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo nhưng phải đủ điều kiện: Nam giới từ đủ hai mươi tuổi, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo theo quy định của pháp luật.
Điều 11 Luật số 75/2006/QH11 ngày 29-11-2006 về Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm: Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác; Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Nghị định 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học cũng chỉ rõ phương pháp xác định cha, mẹ cho con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: “Con được sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không được quyền yêu cầu quyền thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi”.
Liên quan đến việc mua bán tinh trùng, cách đây không lâu hai đàn ông người Anh là Nigel Woodforth và Ricky Gage đã phải ra tòa án Southwark tại Anh vì kiếm được 250.000 bảng bằng việc môi giới tinh trùng trên mạng internet bất hợp pháp. Tòa đã xem xét danh sách công ty từng giao tinh trùng 792 lần. Hành động này có thể bị quy là buôn bán tinh trùng, vốn bị coi là bất hợp pháp. Nếu bị kết án là có tội họ có thể bị đối mặt với mức án 2 năm tù giam.
Đến thời điểm hiện tại, do hành vi mua, bán tinh trùng tại Việt Nam còn khá mới nên việc quản lý vấn đề này vẫn đang bị xem nhẹ. Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc nhất cho thế hệ tương lai, đề nghị các nhà làm luật và các ban, ngành liên quan cần nhanh chóng kiểm tra, xây dựng hành lang pháp lý đồng thời đề ra các chế tài để xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi mua, bán tinh trùng trước khi quá muộn.
Huệ Anh - Ngọc Hân