70 năm truyền thống lực lượng thông tin liên lạc CAND

Bài 2: Chuyên gia phần mềm đầu tiên của Công an Hà Nội

ANTĐ - Trong số những cán bộ hưu trí của Phòng Thông tin liên lạc (tức Phòng Viễn thông tin học ngày nay) có một người lính mà đến tận bây giờ dù đã về hưu từ lâu nhưng vẫn được cánh lính trẻ nhiều lần nhắc đến, đó là Thượng tá Bùi Mạnh Hợp. Ông là tác giả của hàng chục phần mềm ứng dụng, trong đó có những phần mềm mà sau hàng chục năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bài 2: Chuyên gia phần mềm đầu tiên của Công an Hà Nội ảnh 1CATP Hà Nội chủ động ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn

Cha đẻ của các ứng dụng

Thật khó để hình dung ông từng khoác sắc phục công an với quân hàm Thượng tá. Nhiều người dân trong con ngõ nhỏ của phố Trường Lâm (Long Biên) không biết ông già gầy gò, nhỏ bé nói đặc giọng đất Quảng, lúc nào cũng xuề xòa ấy lại là một chuyên gia tin học. 6 năm học (từ 1971-1978) trải qua nhiều giảng đường đại học tại Liên Xô (cũ) với môn Toán cơ, Thượng tá Hợp gắn đời mình với ngành tin học như thể đó là định mệnh. Đến tận bây giờ, dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng ông vẫn sống với những thuật toán, những câu lệnh trong từng miếng ăn giấc ngủ. Thậm chí có những hệ thống phần mềm hiện nay cán bộ sử dụng gặp trục trặc, họ vẫn gọi điện trao đổi kinh nghiệm của ông.

Thượng tá Hợp từng công tác ở Cục Xử lý tin tức (Bộ Công an). Năm 1989, Văn phòng Công an thành phố được trang bị 2 máy vi tính AT chạy trên hệ điều hành MSDOS. Khi đó, ông nhận công tác về đây với nhiệm vụ quản lý và vận hành máy tính. Thượng tá Hợp quý 2 chiếc máy này như thể đó là vàng và ngay lập tức được ông đầu tư để có… lãi. Khoản “lãi” đầu tiên chính là “Phần mềm khởi tố bắt giam giữ” được ông hoàn thành ngay trong năm ấy. Nhờ có phần mềm này, Công an Hà Nội trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng công nghệ thông tin vào nhiệm vụ. 

Sau đó, có nhiều tác giả đã nâng cấp phần mềm này tiện dụng hơn, hiện đại hơn theo bước tiến của công nghệ và đã ứng dụng cho tất cả công an các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhớ đến Thượng tá Hợp như một tác giả đầu tiên đặt viên gạch xây dựng nên sản phẩm này. Đến tận bây giờ, lính trẻ trong phòng vẫn thán phục ông bởi tại thời điểm đó đây là một phần mềm vô cùng phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan như Viện Kiểm sát, Tòa án… Phải là người am hiểu rất sâu về nghiệp vụ công an mới có thể hoàn thành trong thời gian ngắn.

Ít lâu sau một sản phẩm mới khác ra đời, đó là “Phần mềm quản lý xe” ứng dụng cho Phòng CSGT. Nhờ có nó, Phòng CSGT CATP Hà Nội trở thành đơn vị đầu tiên trên cả nước áp dụng CNTT vào quản lý phương tiện và cấp đăng ký bằng máy tính. Hay sau đó là “Phần mềm quản lý vi phạm ATGT” đến nay CATP Hà Nội vẫn đang sử dụng. Sự có mặt của những phần mềm mang tính chuyên môn hóa ấy giúp loại bỏ hoàn toàn việc quản lý hệ thống trước đây bằng phương pháp đánh máy và lưu trữ phổ thông.

Người đi trước thời đại

Trong suốt quá trình công tác, Thượng tá Hợp đã cho ra đời khoảng 30 phần mềm ứng dụng riêng cho lực lượng công an. Nhiều ý tưởng, sản phẩm trong số đó được ông viết trước cả khi cấp trên có yêu cầu thực hiện. Thượng tá Hợp kể, quãng năm 1995 trở về trước, anh em cán bộ Trại tạm giam số 1 vẫn quản lý can phạm, phạm nhân theo mô hình quản lý bệnh nhân của Bộ Y tế. Đây là cách quản lý bằng hệ thống các thẻ giấy đục lỗ, tương đối tiện lợi. Nhưng nhược điểm lớn nhất là vẫn thủ công và phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị cung cấp thẻ. Đến năm 1996, Bộ Y tế ngừng việc quản lý theo cách này và Trại tạm giam số 1 mất nguồn cung cấp thẻ. Sự việc được báo cáo lên Ban Giám đốc CATP. 

“Việc quản lý can phạm, phạm nhân cùng các thông tin liên quan có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thấy vậy, tớ bèn xuống tận nơi tìm hiểu cách thức làm việc của anh em và mấy tháng sau, phần mềm “Hệ thống quản lý can phạm, phạm nhân” đã hoàn thành”, Thượng tá Hợp kể về phần mềm được ông viết trên nền tảng Foxpro, bao gồm hệ quản trị cơ sở dữ liệu Foxpro và ngôn ngữ lập trình Foxpro. 

Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa dừng lại. 5 năm tiếp theo, Thượng tá Hợp gần như sinh hoạt cùng cán bộ trại giam để hoàn thiện, hiệu chỉnh và bổ sung cơ sở dữ liệu cho toàn bộ hệ thống. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận bởi có tới hàng núi thông tin. Đến nay, phần mềm này mặc dù đã được nâng cấp nhiều lần và áp dụng cho cả nước, nhưng cấu trúc cơ sở dữ liệu, các trường thông tin được ông viết ra ngày nào vẫn không hề thay đổi. 

Có một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời công tác của Thượng tá Hợp, đó là năm 2000, khi ông cùng đồng đội phải khắc phục sự cố Y2K.

Bắt đầu từ năm 1998, khi thế giới xôn xao lo lắng những trục trặc ở hệ thống máy tính thì cũng là lúc Thượng tá Hợp và những người lính viễn thông Công an Hà Nội lặng lẽ vào cuộc để xử lý những bất trắc mà các máy tính lưu trữ, quản lý hồ sơ có thể gặp phải. Hàng trăm máy tính, hàng triệu bộ hồ sơ quan trọng có thể bị đảo lộn, nhầm lẫn hoặc không hoạt động. Hàng tháng trời thức trắng, tỉ mẩn dỡ từng phần mềm, sửa từng lỗi, chèn từng câu lệnh, thử nghiệm hàng nghìn thuật toán khác nhau để rồi chọn ra một thuật toán tối ưu nhất và cập nhật lại cho toàn hệ thống của các đơn vị.

Đến gần cuối năm 2000, khi mà các công ty, các cơ quan nháo nhào tìm thuê chuyên gia để khắc phục sự cố cho cơ sở dữ liệu của mình, Thượng tá Hợp cùng đồng đội bắt đầu… ung dung. “Hệ thống phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu của Công an Hà Nội đều là những thứ chuyên ngành và hồ sơ trong đó phải bảo mật tuyệt đối, không thể tùy tiện giao phó cho người ngoài. Phải tự mình xử lý thôi”. Kết quả là vào thời khắc Giao thừa năm 2000, mọi máy tính của Công an Hà Nội vẫn chạy trơn tru như chưa từng biết sự cố Y2K là gì. 

Kết thúc câu chuyện về nghề của mình, Thượng tá Hợp hóm hỉnh: “Thông tin liên lạc là cái nghiệp “thối tai”, “chai mông” (vì nghe nhiều và ngồi nhiều). Sau này có thêm tin học, tớ bổ sung thêm cụm từ “toét mắt” (vì phải thức đêm làm việc trên máy tính). Nhưng đã theo nghề là phải chấp nhận. Đơn giản vì “mình là lính”!