Bắc Kinh sẽ bị cô lập vì lộ mặt hiếu chiến

ANTĐ - Có một điểm khác lạ trong động thái của Trung Quốc trên Biển Đông tuần qua là sự xuất hiện của các tàu quân sự hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Phải chăng Trung Quốc đang từ bỏ chiến thuật cây gậy nhỏ vốn phát huy tác dụng trong những năm gần đây? Chuyên gia hải quân Mỹ James R. Holmes đã chỉ ra thất sách trong đường hướng ngoại giao hiện nay của Bắc Kinh.

Loạt tàu hộ vệ lớp 056 mới thuộc biên chế hải quân Trung Quốc từ năm 2013 nhằm tăng cường tuần tra Biển Đông

Chiến thuật “cây gậy nhỏ”

Giáo sư James R. Holmes – chuyên gia về chiến lược biển thuộc Học viện chiến tranh hải quân Mỹ (Naval War College) từng tổng kết chiến thuật của Trung Quốc trên Biển Đông là “cây gậy nhỏ”. Cây gậy nhỏ của Trung Quốc là lực lượng bảo vệ bờ biển và các phương tiện thực thi pháp luật khác, vốn được đánh giá còn vượt trội hơn quân đội các nước Đông Nam Á về mọi mặt. Vì vậy, Trung Quốc “không tội gì” mà không thực thi quyền lực kiểm soát trên các vùng biển tranh chấp bằng “cây gậy nhỏ” và để dành “cây gậy lớn” – Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), trong trường hợp xảy ra chuyện lớn. 

Theo nhiều nhà phân tích, chiến thuật “cây gậy nhỏ” đã thể hiện rõ nét “chiến lược không nóng vội” của Bắc Kinh. Chiến thuật này vừa thể hiện với bên ngoài rằng Trung Quốc đang duy trì trật tự ở vùng biển mà nước này “nhận vơ” chủ quyền, đồng thời lại tránh bị mang tiếng ỷ mạnh hiếp yếu… Chuyên gia quân sự của tờ Jane’s Defence Weekly của Anh từng nhận định, chiến thuật “cây gậy nhỏ” đối với một số nước Đông Nam Á rất thâm hiểm. Mưu đồ sâu xa của Trung Quốc là nhằm giành lấy thế mạnh địa chính trị ở Biển Đông, đồng thời không để ảnh hưởng đến hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.

Song báo chí nước ngoài thời gian gần đây phát hiện ra rằng, cùng với các tàu chấp pháp dân sự như hải giám, ngư nghiệp, tàu chiến hạng nhẹ của Trung Quốc đang trở thành lực lượng chủ chốt khi tuần tra thường xuyên tại các vùng biển gần. Đặc biệt tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc tung ra một loạt tàu chiến hạng nhẹ ở tuyến đầu để dồn ép nhằm chiếm lấy không gian hoạt động của các nước trong khu vực Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam để thực hiện ý đồ của Bắc Kinh trong khu vực “đường lưỡi bò”. 

Hình ảnh đang thay đổi

Trở lại với diễn biến tình hình tại Biển Đông những ngày gần đây, có một điểm khác lạ trong động thái của Trung Quốc là sự xuất hiện của các tàu quân sự trong đội hình tàu dân sự hộ tống giàn khoan Hải Dương 981. “Phải chăng Trung Quốc đang từ bỏ chiến lược “cây gậy nhỏ”, chuyên gia quân sự  James R. Holmes đặt câu hỏi này trong bài viết cùng tên đăng trên tạp chí The Diplomat của Nhật Bản. 

Tác giả James R. Holmes nhận định, đây không phải là lần đầu tiên giới lãnh đạo Trung Quốc từ bỏ một chiến lược có triển vọng một cách khó hiểu hoặc bỏ lỡ cơ hội cải thiện quan hệ với các nước láng giềng châu Á, rằng trong chiến lược ngoại giao của nước này bao giờ cũng có những điều ngớ ngẩn và tự chuốc lấy thất bại vào mình.

Tuy nhiên, trong trường hợp này có vẻ như Trung Quốc đã vô tình đề cao Việt Nam. Trung Quốc thích hành xử kiểu bá quyền, nhằm đe dọa và kiểm soát các nước láng giềng, khiến các nước này có lý do chung để chống lại Trung Quốc. Nhưng trong lịch sử các cuộc đụng độ Trung – Việt trên đất liền và trên biển, Trung Quốc không thể quên những điều tồi tệ nhất, khi đương đầu với một đối thủ cứng rắn và đầy quyết tâm như Việt Nam.

Theo James R. Holmes, chính quyền Trung Quốc có lẽ tính toán rằng họ không thể áp đảo Việt Nam với riêng lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc trên những con tàu sơn màu trắng. Khi phải điều tàu chiến yểm trợ tàu hải giám, Trung Quốc ngầm thừa nhận rằng không giống như Philippines, Việt Nam là một đối thủ không thể coi thường.

Tàu vận tải đổ bộ 17.000 tấn có bệ phóng tên lửa của Trung Quốc 998 và 999 đã lộ diện trong đội tàu bảo vệ giàn khoan trái phép

“Rút dao” dọa láng giềng 

Cùng chung quan điểm Trung Quốc ngày càng có những bước đi nguy hiểm, Giáo sư Sreeram Chaulia, Hiệu trưởng Trường Ngoại giao (Ấn Độ) phân tích trên The Diplomat, thông qua động thái kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc ngày càng công khai từ bỏ đường lối ngoại giao “trỗi dậy hòa bình” để chuyển sang đường lối “diều hâu”, dọa nạt các nước láng giềng.

Theo Giáo sư Chaulia, trước năm 2008, Trung Quốc vẫn duy trì một chính sách xem trọng hòa giải và không khiêu khích với các nước láng giềng Đông Nam Á nhỏ hơn, cho thấy không có gì đáng phải lo ngại từ sự lớn mạnh của quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, đường lối ngoại giao không đối đầu trong khu vực này đã bắt đầu thay đổi từ năm 2008, mở đường cho một Trung Quốc hiếu chiến và hung hăng hơn, tích cực “dọa nạt” các nước láng giềng. Phát biểu nổi tiếng của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì với các đối tác Đông Nam Á vào năm 2010 rằng “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ, điều đó là sự thật” đã phần nào lộ ra ý định của nhà cầm quyền Trung Quốc: Loại bỏ những điều “vụn vặt” và “vung dao” đe dọa.

Nhận định về mô hình ngoại giao mà Trung Quốc đang thử nghiệm, chuyên gia ngoại giao Ấn Độ cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng “chiến lược cải bắp” (lớp ngoài bảo vệ lớp trong): Điều vô số tàu dân sự với sự bảo vệ của tàu quân sự tới vùng biển các nước láng giềng và ở lì tại đó mặc cho bị phản đối dữ dội.

Mục tiêu của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy một “môi trường láng giềng hòa hợp, an toàn và thịnh vượng” hiện đang bị đe dọa bởi chính họ - người hàng xóm ác độc đang dần lộ nguyên hình, lợi dụng mọi lợi thế sức mạnh không cân xứng với các nước yếu để uy hiếp. “Thái độ ngang ngược này của Trung Quốc là động lực khiến toàn bộ khu vực Đông Á càng xích lại gần nhau hơn, tạo thành một khối cũng như tạo sự cân bằng quyền lực mới để kìm hãm những tham vọng của Trung Quốc” - Giáo sư Chaulia nhấn mạnh.

Không có cơ sở pháp lý cho “đường 9 đoạn”

Trong bài viết, Giáo sư James R. Holmes phân tích, khuyến khích các đội tàu đánh cá xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước khác cũng giống như việc khuyến khích những kẻ săn trộm vượt biên giới để ăn cắp tài nguyên thiên nhiên. Thực tế, Trung Quốc đã vi phạm khi xâm chiếm bãi đá ngầm Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền hoặc khi tuyên bố đấu thầu khai thác dầu trong vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2012. Xâm phạm lãnh thổ là nội dung trọng tâm trong bất kỳ hiệp ước tương trợ quốc phòng nào, cũng như trong các văn kiện quan trọng như Hiến chương Liên hợp quốc.

Sẽ là cần thiết khi chỉ ra rằng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đã quy định cụ thể: “Các đảo đá không thể duy trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”. Theo luật pháp quốc tế, các đảo đá như vậy chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Quy định này làm nảy sinh một nghi vấn khác về tính chính đáng của cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc? Thật khó để khẳng định lãnh thổ xung quanh các “hòn đảo” mà trên thực tế không có hòn đảo nào đúng nghĩa cả.

Gần đây, Manila đã mở một cuộc tấn công pháp lý và kiện cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc dựa vào đó để tuyên bố chủ quyền hầu hết diện tích Biển Đông. Nhiều khả năng Tòa quốc tế sẽ cho rằng, “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý nào cả, đặc biệt là khi nó chồng lên vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.

Phán quyết như vậy chắc sẽ làm Trung Quốc nổi giận. Bởi Trung Quốc lâu nay vốn không quen bị phật ý. Nhưng nếu không tuân thủ phán quyết của Tòa án quốc tế, Bắc Kinh sẽ cho thấy mức độ “ngoài vòng pháp luật” của họ đến mức nào và đó sẽ là lý do để các nước ven biển châu Á – Thái Bình Dương hợp sức đối phó.