Ba năm… nhìn lại
(ANTĐ) - Mới đó mà đã ba năm Việt Nam gia nhập WTO. Ba năm nhìn lại mình để nhận diện những điều hay, điều dở so sánh với các nước khác để tăng năng lực cạnh tranh. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn xếp thứ 88/133 quốc gia về năng lực cạnh tranh, thua nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia…
Mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á (ACI) đã hoàn thành báo cáo “Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO”, đánh giá những tác động gia nhập WTO đến đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam. Lâu nay, chúng ta vẫn hay dùng chữ “sân chơi” khi nói tới việc hội nhập kinh tế toàn cầu.
Nghe có vẻ nhẹ nhõm như bước vào một cuộc chơi thể thao hay giải trí. Thực ra phải nói đó là một “đấu trường” mới đúng. Có thể nói, gia nhập WTO đã tạo ra cơ hội để nước ta thúc đẩy cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nhờ có hội nhập mà thể chế Nhà nước có sự đổi mới mạnh mẽ, hệ thống văn bản pháp luật ngày càng đồng bộ hơn. Việc giảm 30% thủ tục hành chính đang triển khai cũng nhờ sức ép của hội nhập. Theo các tác giả bản báo cáo, cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đều nhận thức tốt hơn về thị trường, về những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế hoặc của bản thân doanh nghiệp từ đó có chiến lược bài bản cũng như cách ứng phó linh hoạt, chủ động hơn.
Bước vào “đấu trường” WTO còn có những tác động hữu hình và vô hình như tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, hoặc nhận thức của xã hội. Tuy nhiên, chính trong “đấu trường” này, nước ta cũng bộc lộ những điểm yếu đáng lo ngại. GDP bình quân đầu người dù tăng liên tục từ năm 2000-2008, nhưng nếu so với Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Campuchia thì của Việt Nam vẫn thấp chỉ hơn Campuchia.
Hơn thế, sự chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất từ hơn 6 lần năm 1995 đã tăng lên gần 10 lần năm 2007. Báo cáo trên cũng cho thấy, hệ số bất bình đẳng đang tăng lên trong khi giảm nghèo thiếu bền vững, rủi ro tái nghèo ở nông thôn cao và chất lượng môi trường ở khu vực kinh tế phát triển đang xuống cấp nghiêm trọng.
Đặc biệt, chỉ số phát triển con người có tăng theo thời gian, nhưng năm 2009 vẫn xếp thứ 116/182 quốc gia. Thống kê cũng chứng tỏ năng suất lao động từ năm 1975-2009 có xu hướng tăng, song vẫn rất chậm so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam có phần đóng góp lớn của xuất khẩu, nhưng trên 50% hàng hóa xuất khẩu thuộc ngành công nghiệp nhẹ, thủ công, giá trị gia tăng thấp.
Báo cáo đã “mổ xẻ” căn nguyên vì sao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản xuất của Việt Nam đều thấp và chậm được cải thiện so với các nước trong khu vực. Ở cấp độ quốc gia, những “nút thắt cổ chai” của nền kinh tế như nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, năng lực thể chế, trình độ công nghệ đã được bàn đến nhiều nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Đây chính là lực cản đối với sức cạnh tranh ở tất cả mọi cấp độ.
Trong khi đó, doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội từ WTO mang lại. Năm 2009, nhiều doanh nghiệp có thêm thị trường mới là do áp lực từ bán hàng nhiều hơn là tận dụng các cơ hội giảm thuế hay mở cửa của các thị trường. Vì vậy, thách thức lớn nhất đối với nước ta là tạo ra cơ chế và phương tiện để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cạnh tranh trong một “đấu trường” lớn.
Đan Thanh