ATM trục trặc, ngân hàng bị phạt tiền

ANTĐ - Từ ngày 12-12, ngân hàng nào để máy giao dịch tự động (ATM) hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt đến 15 triệu đồng. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 96 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa được Chính phủ ban hành.

ATM trục trặc, ngân hàng bị phạt tiền ảnh 1Những thông báo như thế này sẽ khó khiến khách hàng hài lòng về dịch vụ

Phạt từ 10 - 15 triệu đồng

Cũng theo Nghị định 96, mức tiền phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng được áp dụng đối với các hành vi như để máy ATM ngừng hoạt động 24h không thông báo, lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy ATM không đúng quy định. Trường hợp đặt máy tại nơi có hệ thống điện không đáp ứng quy định, để máy tự động nuốt thẻ của khách hàng khi mất điện đột ngột, không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống máy ATM; không duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng cũng bị phạt hành chính.

Trong hoạt động kinh doanh vàng, mức phạt tiền từ 30 triệu đến 60 triệu đồng áp dụng cho hành vi không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; khối lượng, hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ tại địa điểm giao dịch; hoặc có niêm yết nhưng nội dung không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Hành vi kinh doanh mua, bán vàng hoặc mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh không đúng quy định bị phạt đến 120 triệu đồng. Kinh doanh vàng miếng trái phép bị phạt đến 500 triệu đồng.

Tiền đã thu nhưng chất lượng chưa cải thiện

Từ 1-3-2013, các ngân hàng được phép thu phí đối với các giao dịch rút tiền nội mạng. Tại thời điểm đó, nhiều ngân hàng cho rằng, việc thu phí là cần thiết để duy trì cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ. Khách hàng sử dụng dịch vụ ATM của các ngân hàng cũng tin tưởng vào những cam kết đó. Tuy nhiên, qua hơn 1 năm thực hiện thu phí, đã có rất nhiều ý kiến bức xúc với chất lượng dịch vụ ATM.

Chị Hoàng Yến (Hà Đông – Hà Nội) cho biết: “Mới đây (ngày 14-10), tôi đưa con đi tiêm phòng tại Trung tâm y tế dự phòng trên đường Nguyễn Viết Xuân – quận Hà Đông, do mang không đủ tiền mặt nên tôi phải ra rút tiền tại máy ATM gần Ngân hàng VietcomBank trên đường Quang Trung. Mặc dù có tới 6 máy rút tiền của 4 ngân hàng nhưng chỉ duy nhất một máy của SacomBank có thể rút được. Chờ đợi đến lượt cũng mất hơn 20 phút và phải chấp nhận rút tiền ngoại mạng với mức phí 3.000 đồng/lượt”. 

Trước thông tin các ngân hàng sẽ bị phạt tiền nếu để máy ATM hết tiền hoặc trục trặc như trên, chị Hoàng Yến chia sẻ: “Nếu thực hiện được các quy định này thì chất lượng dịch vụ mới cải thiện. Không có chế tài cụ thể thì các ngân hàng muốn nói sao cũng được, luôn cam kết nâng cao chất lượng phục vụ nhưng thực tế lại khác xa”. 

Theo các chuyên gia, việc đưa ra chế tài dành cho ngân hàng như trên là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng.  Tuy nhiên, yêu cầu đảm bảo ATM luôn đủ tiền đặt ra cho các ngân hàng nhiều việc phải làm. Tại những thời điểm bình thường, các ngân hàng thực hiện tiếp quỹ định kỳ hoặc theo thông báo từ các máy ATM về hệ thống trung tâm. Việc này không quá khó nhưng cũng có những ngân hàng chưa thực hiện tốt. Nhưng, tại các thời điểm như lễ, tết, nhu cầu rút tiền tăng vọt, các ngân hàng sẽ gặp nhiều trở ngại.