ASEAN thúc đẩy “công nghiệp không khói”

ANTĐ - ASEAN đang phấn đấu trở thành một điểm đến chất lượng với những sản phẩm du lịch độc đáo và đa dạng cho du khách quốc tế để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói”. 

ASEAN thúc đẩy “công nghiệp không khói” ảnh 1Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là điểm đến thu hút nhiều du khách quốc tế

Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2015 lần thứ 34, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 14 cùng với Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN (M-ATM) lần thứ 18 diễn ra ngày 26-1 tại Thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, các vị Bộ trưởng phụ trách du lịch của Hiệp hội và 3 nước đối tác đã đánh giá cao những tiến bộ đã đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN (ATSP) giai đoạn 2011-2015. Các đại biểu  cho rằng trong ATSP giai đoạn 2016-2025, ASEAN cần phấn đấu  trở thành một điểm đến chất lượng, trong đó cung cấp những sản phẩm du lịch độc đáo và đa dạng, đồng thời cam kết phát triển du lịch bền vững, toàn diện và cân bằng.

Tại các hội nghị trên, những người đứng đầu ngành du lịch của 10 nước ASEAN và các nước đối tác đã cùng bày tỏ hài lòng về sự tăng trưởng mạnh số lượng du khách quốc tế đến khu vực trong năm 2014 vừa qua với 241 triệu lượt du khách, tăng 6,9% so với năm trước. Các Bộ trưởng cho rằng, Hiệp định Bầu trời mở ASEAN giúp duy trì du lịch nội khối là nguồn lực chính của tăng trưởng du lịch trong khu vực. 

Những đánh giá lạc quan về triển vọng phát triển của ngành du lịch ASEAN được đưa ra trong bối cảnh đây đã thực sự trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trong Hiệp hội, đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cũng như quảng bá hình ảnh đất nước và con người trong khu vực. Lượng khách du lịch quốc tế đến ASEAN hiện chiếm khoảng 10% du khách toàn cầu và tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên 30% trong vòng 10-20 năm tới.

Các chuyên gia nhận định rằng ngành “công nghiệp không khói” ngoài tác động thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, còn giúp người dân địa phương ý thức hơn và tự hào hơn về văn hóa của họ. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia ASEAN mới chỉ khai thác được một phần tiềm năng này do còn một số điểm yếu, bao gồm cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế công và quản lý môi trường còn thiếu và yếu cũng như sự thiếu hợp tác giữa các thành viên Hiệp hội trong việc thu hút du khách quốc tế.

Vì thế ASEAN vẫn còn nhiều tiềm năng đưa du lịch không chỉ trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn mà còn là trụ cột của nền kinh tế, nhất là khi đang chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh và bền vững. Đó là động lực to lớn để tại các hội nghị về du lịch diễn ra ở Nay Pyi Taw, các vị Bộ trưởng phụ trách ngành “công nghiệp không khói” của ASEAN đã thống nhất đẩy mạnh các dự án và hoạt động mới được triển khai ngay từ năm 2015 này như phát triển các hãng và các tour du lịch, các dự án thí điểm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam; phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh của ASEAN như du lịch tự nhiên, du lịch sinh thái, du lịch tàu biển và du lịch đường sông... Các Bộ trưởng cũng khuyến khích thực hiện hiệu quả các chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch ASEAN với chủ đề “ASEAN vì ASEAN” đồng thời ủng hộ sáng kiến của Malaysia về việc xây dựng một kênh truyền hình du lịch ASEAN với tên gọi “GO ASEAN”.