ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thêm ít nhất 9 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh Myanmar bắn vào những người biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ngày 3-3. Vụ việc một ngày sau khi Ngoại trưởng các nước ASEAN kêu gọi các bên tại Myanmar kiềm chế, tránh mọi hoạt động bạo lực, bảo đảm an toàn cho người dân, tổ chức đối thoại nhằm sớm đưa tình hình trở lại bình thường.
Những người biểu tình chống đỡ khi đụng độ với cảnh sát ở Yangon

Những người biểu tình chống đỡ khi đụng độ với cảnh sát ở Yangon

Biểu tình phản đối đảo chính tiếp tục diễn ra ở nhiều thành phố, khu vực của Myanmar. Tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, người biểu tình sử dụng lốp xe và hàng rào thép gai để chặn các con đường chính, ngăn cản cảnh sát. Tại thị trấn San Chaung, nơi xảy ra đụng độ dữ dội trong những ngày gần đây, các đám mây hơi cay và bình cứu hỏa tràn ngập đường phố khi cảnh sát chống bạo động đối đầu với người biểu tình.

Reuters dẫn lời một nhân chứng và các phương tiện truyền thông Myanmar cho biết, 2 người đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với cảnh sát tại một cuộc biểu tình ở thành phố Mandalay - thành phố lớn thứ 2 của Myanmar. 4 người khác đã bị bắn chết trong cuộc biểu tình ở thành phố miền Trung nước này khi cảnh sát nổ súng vào người biểu tình. Các bác sĩ cũng xác nhận các trường hợp tử vong.

Bạo lực biểu tình mới nhất xảy ra sau khi Ngoại trưởng các nước ASEAN gồm đại diện quân đội Myanmar Wunna Maung Lwin có cuộc họp trực tuyến đặc biệt thảo luận về cuộc khủng hoảng tại nước này ngày 2-3. Cuộc họp kết thúc với việc ra tuyên bố không chính thức của Chủ tịch về tình hình của quốc gia thành viên này.

Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi luôn theo sát diễn biến tình hình của khu vực và nhất trí rằng sự ổn định chính trị của bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng là điều cần thiết để đạt được cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về tình hình ở Myanmar và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không kích động bạo lực.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại và mang tính xây dựng và hòa giải vì lợi ích của người dân và kế sinh nhai của họ. ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng”. Phát biểu tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi Myanmar cần tiếp tục hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN để tránh trở thành “một đường đứt gãy” có thể dẫn đến sự bất ổn ở khu vực. Ông kêu gọi Myanmar xem xét đàm phán và giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị để tránh leo thang căng thẳng hơn nữa, vốn có thể dẫn đến những can thiệp sâu rộng từ nước ngoài vào khu vực ASEAN.

Phát biểu với báo giới tại Jakarta sau cuộc họp, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cam kết các nước ASEAN sẽ không vi phạm “nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ” của nhau. Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian khẳng định, Hiệp hội ASEAN không áp đặt trừng phạt kinh tế trên diện rộng gây tổn hại đến thường dân Myanmar.

Trước đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi giới quân sự Myanmar trả tự do cho nhà lãnh đạo được bầu cử Aung San Suu Kyi để cho phép đất nước tiến lên, đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ gây tổn hại cho người dân.