Áp lực tứ bề, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành ngay trong năm 2022?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số dự đoán cho rằng với áp lực từ xu hướng tăng lãi suất toàn cầu, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải tăng lãi suất điều hành ngay trong cuối năm 2022, mức tăng 0,5 – 0,75%.

Từ đầu năm đến nay, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có tới 4 lần nâng lãi suất liên tục, đến nay mức lãi suất đã tăng lên đến 2,25-2,5%/năm, tổng mức tăng là 2,25 điểm %. Dự kiến trong cuộc họp vào cuối tháng nay, Fed sẽ tiếp tục tăng thêm 0,75 điểm % và xu hướng này sẽ còn kéo dài ít nhất đến giữa năm 2023.

Trong khi đó, Ngân hàng châu Âu (ECB) ngân hàng có tính chất chi phối nền kinh tế lớn, cũng đã tăng lãi suất rất cao thêm 0,75% trong cuộc họp gần nhất và dự kiến sẽ có thêm ít nhất 2 lần tăng nữa vào tháng 10 và tháng 12 tới.

Cùng với đó, hàng loạt ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đang đang trong chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát leo thang. Trong khi đó, suốt gần 2 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHN) vẫn duy trì ổn định lãi suất điều hành, không thay đổi.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng NHNN sẽ trì hoãn việc siết chặt tiền tệ ít nhất đến giữa hoặc quý III năm 2023. Tuy nhiên, trước áp lực quá lớn từ thế giới, đã có nhận định cho rằng cơ quan điều hành sẽ khó có thể duy trì mức lãi suất thấp như hiện nay.

Áp lực tăng lãi suất điều hành đang ngày càng lớn

Áp lực tăng lãi suất điều hành đang ngày càng lớn

Tại báo cáo triển vọng thị trường tháng 9, Chứng khoán ACB (ACBS) kỳ vọng rằng lãi suất điều hành có thể tăng dần trong khoảng 0,5 - 0,75 điểm % từ đây cho tới cuối năm 2022.

Theo các nhà phân tích tại ACBS, NHNN sẽ khó duy lãi suất liên ngân hàng thấp trong thời gian tới vì Fed có thể sẽ có thêm 3 đợt tăng lãi suất nữa từ giờ cho tới cuối năm, gây áp lực mất giá lên tỷ giá VND/USD, trong khi NHNN sẽ phải giữ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD liên ngân hàng dương nhằm hỗ trợ tỷ giá VND/USD.

Dù vậy, tại thời điểm này, NHNN vẫn khẳng định nỗ lực ghìm cương lãi suất. Theo lãnh đạo NHNN, đối với Việt Nam, lạm phát là vấn đề đang được quan tâm và Chính phủ cũng đang chỉ đạo nhiều biện pháp để ngăn chặn lạm phát.

Trong tháng 7 và 8 vừa qua, chỉ số lạm phát tiếp tục được duy trì ở mức 2,58%. Tuy nhiên, các yếu tố về tiền tệ cũng như một số nguyên nhân khác vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì thế, việc điều hành lãi suất của NHNN lúc này được tính toán một cách chặt chẽ, thận trọng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, trong bối cảnh từ năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, các ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất lên rất cao nhưng NHNN vẫn duy trì ổn định mức lãi suất điều hành.

Nếu xét về góc độ tương đối trong tương quan với các nước đang có lãi suất tăng nhanh thì có thể xem như chúng ta đang giảm lãi suất điều hành, mặc dù con số tuyệt đối không thay đổi. Điều này tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn với giá hợp lý, rẻ hơn.

Để giải quyết bài toán đặt ra lúc này là vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt để đạt được mục tiêu này. NHNN sẽ tiếp tục kêu gọi các ngân hàng thương mại bằng nguồn lực của mình, có các biện pháp để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp như triển khai trong suốt 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19.

Số liệu từ NHNN cho thấy từ đầu năm đến nay mặt bằng lãi suất nói chung tăng ở mức độ rất nhẹ. Cụ thể, lãi suất huy động chỉ tăng 0,25% và lãi suất cho vay tăng 0,24%. Đây là mức tăng thấp nhất so với tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Theo đó, lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ từ 7,9 - 9,3%, kể cả dư nợ cũ và dư nợ mới; lãi suất huy động bình quân từ 6,3 – 6,8% đối với kỳ hạn trên 1 năm. Các mức lãi suất này so với các năm gần đây đã được duy trì khá ổn định.