Áp dụng khoa học công nghệ chống ùn tắc

ANTĐ - Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên địa bàn thành phố, giảm TNGT từ 5 - 10% hàng năm trên cả 3 tiêu chí. Cùng với đó, nhiều tuyến đường sẽ được hoàn thành, xây dựng. Kinh phí để thực hiện ước khoảng 2.160 tỷ đồng.

Áp dụng khoa học công nghệ chống ùn tắc ảnh 1Hà Nội sẽ giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc trong giai đoạn tới

Xây dựng trung tâm quản lý giao thông công cộng

Sở GTVT Hà Nội cho biết, giai đoạn 2012-2015, thực hiện Chương trình giảm thiểu ùn tắc giao thông, Hà Nội đã giảm từ 89 điểm thường xuyên ùn tắc xuống còn 51 điểm, đặc biệt, TNGT nhiều năm liên tiếp giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí.

Trong giai đoạn tới, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông, tạo sự thông thoáng cho người dân. Để thực hiện được mục tiêu này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, điều hành GTVT như xây dựng hệ thống bản đồ kỹ thuật số hiển thị tình trạng giao thông theo thời gian thực; phát triển, mở rộng và kết nối, điều khiển đồng bộ hệ thống đèn tín hiệu giao thông, camera giao thông tại các nút, các tuyến đường về Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông (tại 54 Trần Hưng Đạo) và Trung tâm Quản lý điều hành giao thông tại Kim Mã. Đặc biệt, sẽ xây dựng Trung tâm quản lý giao thông công cộng chung cho thành phố. 

Ngoài giải pháp về công nghệ, việc nghiên cứu, tổ chức lại giao thông cũng sẽ được ngành GTVT và CSGT chú trọng. Các tuyến đường, các nút giao thông có tình trạng ùn tắc hoặc có nguy cơ xảy ra ùn tắc cũng như mất ATGT sẽ được phân loại và có giải pháp cải tạo, sửa chữa hoặc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông độc lập. Theo Sở GTVT Hà Nội, dự kiến trong giai đoạn 2016-2020 sẽ cải tạo 50 tuyến đường, nút giao và lắp đặt 65 nút đèn tín hiệu. Lắp đặt 10 dàn cầu thép trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... để kết nối giao thông khu vực 2 bên sông, tránh việc tập trung quá nhiều phương tiện tại một số cầu nhất định gây nên tình trạng ùn tắc giao thông.

Xây dựng bản đồ úng ngập để điều tiết giao thông

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Văn Viện, thành phố sẽ chú trọng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông. Các dự án đã phê duyệt sẽ được tập trung hoàn thiện như xây dựng cầu Mọc; cầu vượt tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực nút giao đầu cầu phía Bắc cầu Chương Dương; xây dựng cầu Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai; dự án xây dựng hầm đường bộ có kết hợp cho người đi bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ. “Cùng với đó, 6 dự án có vai trò quan trọng giảm thiểu ùn tắc giao thông và có tính khả thi cao cũng sẽ được triển khai, cụ thể như xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Bạch Mai - Lê Thanh Nghị; xây dựng cầu vượt tại nút giao QL5 - Trâu Quỳ…”, ông Vũ Văn Viện thông tin.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, khi thời tiết có mưa bão gây úng ngập cục bộ tại nhiều khu vực, nhiều tuyến phố và giao thông đi lại trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn, nhiều tuyến phố bị ngập sâu, không lưu thông được gây chia cắt mạng lưới giao thông, gây mất an toàn và tạo sự hỗn loạn trong đi lại. Để khắc phục tình trạng này, theo Sở GTVT cần xây dựng được bản đồ úng ngập khi mưa và thiết lập hệ thống cung cấp thông tin kịp thời đến người dân để thông báo cụ thể, đầy đủ về các điểm úng ngập, phạm vi úng ngập (chiều dài, chiều sâu...).

Ông Vũ Văn Viện đề nghị: “Các sở, ngành có liên quan và các đơn vị quản lý, chính quyền địa phương phải phối hợp xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng trực, điều hành và tổ chức giao thông tại các điểm úng ngập. Xây dựng trước các phương án đi lại trong tình trạng ngập nặng, tránh bị động, lúng túng và gây ùn tắc kéo dài”.