Anh gia nhập CPTPP tạo động lực thúc đẩy quan hệ thương mại với Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vòng đàm phán cuối cùng giữa Anh và các nước thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã kết thúc thành công, mở đường để Anh chính thức gia nhập CPTPP. Với vai trò nước chủ nhà, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thành công của vòng đàm phán.

CPTPP sẽ trở thành thỏa thuận thương mại toàn cầu

Rạng sáng 31-3 (giờ Việt Nam), Chính phủ Anh xác nhận nước này đã kết thúc thành công quá trình đàm phán gia nhập CPTPP. Điều này sẽ mở đường cho Anh trở thành thành viên châu Âu đầu tiên và là thành viên mới đầu tiên kể từ khi CPTPP được thành lập. Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew chia sẻ: “Chúng tôi xin cảm ơn tất cả các quốc gia thành viên CPTPP đã hợp tác và hỗ trợ Vương quốc Anh trong suốt quá trình gia nhập”.

Phiên đàm phán gia nhập CPTPP của Anh tổ chức tại Việt Nam

Phiên đàm phán gia nhập CPTPP của Anh tổ chức tại Việt Nam

Anh bắt đầu tham gia các cuộc đàm phán gia nhập CPTPP vào tháng 6-2021. Đến nay, đã có tổng cộng 5 vòng đàm phán trực tiếp diễn ra giữa Anh với tất cả các nước CPTPP, cùng nhiều vòng đàm phán song phương khác. Vòng đàm phán cuối diễn ra tại Việt Nam vào đầu tháng 3-2023, với sự tham gia của hơn 150 đại biểu đến từ tất cả các nước thành viên CPTPP. Sau cuộc đàm phán căng thẳng, đại diện của tất cả các nước thành viên đã đồng ý để Anh gia nhập CPTPP. Nếu không có gì trở ngại, nhiều khả năng Anh sẽ trở thành thành viên thứ 12 của CPTPP trong vài tháng tới.

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với sự tham gia của 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định được ký kết ngày 8-3-2018 tại thành phố Santiago (Chile) và chính thức có hiệu lực từ ngày 30-12-2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định, gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14-1-2019.

Với tiêu chuẩn cao hơn và tiếp cận thị trường toàn diện hơn so với nhiều hiệp định tương tự, CPTPP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên được thực thi của thế kỷ XXI. Tại thời điểm ký kết, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA) và Liên minh châu Âu (EU). CPTPP có phạm vi thị trường khoảng hơn 502 triệu dân; tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới.

Sau khi rời Liên minh châu Âu (Brexit) vào tháng 1-2020, Anh dưới thời Thủ tướng Boris Johnson bắt đầu đàm phán thương mại với các nước ngoài EU. Anh kể từ đó đã ký kết các FTA với ít nhất 70 quốc gia và khu vực, bao gồm cả những nước không có FTA với EU như Australia và New Zealand. Vào thời điểm đó, đã có một số lo ngại rằng việc Anh ồ ạt ký FTA là chạy theo số lượng hơn chất lượng. Song ít người nhìn ra đây là một bước chạy đà cho CPTPP, khi một số nước mới ký kết FTA với Anh là thành viên của khối này.

Chính phủ Anh đã đặt ra mục tiêu 80% giá trị thương mại là giao dịch với các bên có hiệp định với họ. Do đó việc nhắm đến CPTPP, vốn đang chiếm khoảng 12% tổng GDP toàn cầu, là điều dễ hiểu. Tư cách thành viên CPTPP sẽ bổ sung và củng cố các hiệp định thương mại song phương hiện có mà Anh đã ký kết với các nước CPTPP. Một số mặt hàng xuất khẩu sang Anh của các nước thành viên, vốn chưa được miễn giảm thuế dựa trên các hiệp định song phương trước đó, sẽ được áp dụng mức thuế ưu đãi hơn trong khuôn khổ CPTPP. Quy mô của CPTPP sẽ tăng lên và chiếm 15,5% tổng GDP thế giới. Ngoài ra, sự tham gia của Anh còn làm thay đổi bản chất địa lý của CPTPP, từ một liên minh thương mại chỉ gồm các nước ven Thái Bình Dương trở thành một thỏa thuận thương mại mang tính toàn cầu.

Thêm cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và Anh

Việt Nam là 1 trong 11 quốc gia thành viên sáng lập CPTPP và là 1 trong 7 nước CPTPP có Hiệp định thương mại đang có hiệu lực với Anh. Trong thông cáo báo chí của Đại sứ quán Anh sau khi vòng đàm phán cuối cùng giữa Anh và các nước thành viên kết thúc thành công, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew cho biết, việc Việt Nam là nước chủ nhà của vòng đàm phán cuối cùng “có ý nghĩa rất đặc biệt” trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2023.

CPTPP sẽ bổ sung thêm cho Hiệp định thương mại tự do giữa Anh và Việt Nam và tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại đang phát triển giữa hai nước. Với Việt Nam, việc gỡ bỏ các rào cản thương mại sẽ hỗ trợ an ninh kinh tế chung của Anh và Việt Nam khi hai nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau và đa dạng hóa hoạt động thương mại. Nó cũng tăng thêm cơ hội cho các doanh nghiệp của hai nước.

Nhìn toàn cảnh từ góc độ CPTPP, tư cách thành viên đã đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích trong những năm qua. Tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi CPTPP với chủ đề “Tận dụng ưu thế của người đi đầu” hồi tháng 12-2022, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết CPTPP đã trải qua 3 năm thực thi với nhiều kết quả tích cực. Điều này được minh chứng bằng việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP trong 3 năm qua liên tục duy trì ở mức 2 con số. Theo đó, trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP mà Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do gồm Canada và Mexico đã tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Canada đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ hội với Việt Nam sẽ còn mở rộng thêm khi CPTPP có thêm các thành viên mới. Hiện nay, một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác đã đăng ký hoặc tỏ ý muốn tham gia CPTPP như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Uruguay, Colombia, Ecuador và Costa Rica. Người ta cũng đang hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại CPTPP. Mỹ từng là người khởi xướng Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP. Tuy nhiên, năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi TPP.

Trước mắt, việc Mỹ trở lại CPTPP là chuyện vẫn còn để ngỏ và phức tạp. Trên thực tế, đã có nhiều ý kiến trong chính trường Mỹ kêu gọi Tổng thống Joe Biden “sửa lỗi sai” của chính quyền tiền nhiệm. Mỹ hiện đang chiếm khoảng 17% giao dịch thương mại với Anh. Vì thế, theo các chuyên gia, việc Anh gia nhập CPTPP giống như đang tạo cửa sau để Mỹ có thể trở lại nhóm mà nước này đã khởi xướng nhưng sau đó lại rút lui.

Bộ Công Thương cho biết, ngày 31-3, các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng với Vương quốc Anh để thảo luận về Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng liên quan đến tiến trình đàm phán gia nhập CPTPP của nước này.

Cuộc họp được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI) Shigeyuki Goto - Chủ tịch Nhóm công tác đàm phán gia nhập với Vương quốc Anh - với sự tham gia của Bộ trưởng và đại diện các nước

Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam cùng Bộ trưởng phụ trách Kinh doanh và Thương mại của Vương quốc Anh. Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn đại biểu tham dự cuộc họp.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng các nước đã thảo luận và thống nhất thông qua Tuyên bố chung về việc kết thúc cơ bản quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định với Vương quốc Anh (UK). Cụ thể, các bên đã thống nhất về mức độ cam kết của Anh về mở cửa thị trường trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ - đầu tư, dịch vụ tài chính, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước và nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh; cũng như các cách thức để bảo đảm Anh sẽ tuân thủ các quy định của CPTPP. Các nước cũng sẽ tiến hành hoàn thiện văn kiện pháp lý về việc gia nhập của Anh cùng các điều kiện liên quan.

Nhân dịp này, Bộ trưởng các nước cũng đã gửi thông điệp đánh giá cao Việt Nam đã đăng cai tổ chức rất thành công phiên đàm phán tại Phú Quốc vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua, qua đó đã đưa đến kết quả quan trọng cho các nước CPTPP cùng Anh kết thúc cơ bản quá trình đàm phán.

Về phía Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà đăng cai tổ chức phiên đàm phán tại Phú Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã bày tỏ sự vui mừng khi các nước CPTPP và Anh đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực tại phiên đàm phán này và ngay sau đó đã ra được Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc kết thúc cơ bản quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định với Anh. Trên cơ sở những kết quả đàm phán cả về mặt đa phương và song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã xác nhận ủng hộ của Việt Nam đối với việc Anh sớm hoàn tất quá trình gia nhập CPTPP.

Phạm Phương