“Anh cả” khét tiếng bãi vàng đã thành trưởng thôn

ANTĐ - Trong 813 Trưởng thôn ở Hưng Yên hiện nay, anh Bùi Đình Hảo (ở thôn Phong Cốc, xã Minh Đức, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) là người Trưởng thôn duy nhất đạt được 95.5% số phiếu bầu của người dân. Họ bầu cho anh bởi một phần bởi công sức anh đóng góp cho xóm làng trong suốt 13 năm vừa qua, một phần nữa bởi chính nghị lực từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời của một “anh cả Hảo”…

Từ quá khứ bất hảo nơi mỏ vàng Na Rì

Anh Bùi Đình Hảo SN 1956. Năm 1977, anh cũng như bao thanh niên trong làng hăng hái nên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương thấy kinh tế gia đình khó khăn, anh quyết chí làm giàu. Năm 1986, anh nghe tin ở đất Na Rì, Bắc Kạn nổ mỏ vàng lộ thiên, Hảo đã móc nối với một người đồng đội cũ là Khiển (ở thôn Vân An bên cạnh) để được bảo lãnh nên Na Rì khai thác vàng. Khiển và Hảo ngày xưa vốn cùng đóng quân ở Na Rì nhưng sau ngày xuất ngũ Khiển đã ở lại lấy vợ lập nghiệp bằng nghề “cầu may dưới long đất”.

Đất Na Rì, ngày đó, được coi như lãnh địa riêng. Ở đó chỉ có kẻ mạnh tiêu diệt kẻ yếu. Sống được ở đất đó còn khó nên muốn làm giàu trước hết phải là người bản lĩnh sau đó phải có băng đảng bảo kê, nếu không chỉ có nước chết mất xác. Vốn đây là nơi Hảo đã đóng quân nhiều năm, lại được Khiển bảo kê, Hảo ngay lập tức được giới thiệu gặp Khiết lúc này cũng đang là một trùm lớn ở bãi vàng bảo lãnh cho Hảo lập nghiệp. Rồi cũng qua Khiết, Hảo lại được bảo lãnh gặp Thiết Râu một tay có tiếng trên đất Na Rì là đại ca đầu sỏ nơi đây. Việc có tồn tại hay không chỉ cần một câu nói của Thiết Râu. Không ai có thể ngờ Thiết Râu cũng xuất thân từ quân ngũ lại là cấp dưới của Hảo khi còn ở trong quân đội. Cuộc gặp gỡ này gần như là định mệnh của cuộc đời Hảo, nó đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời biến anh từ một anh nông dân Hảo thành “anh cả Hảo” nổi tiếng ở đất Na Rì. 

Sau cuộc hội ngộ đó, Hảo nhanh chóng thiết lập chỗ đứng của mình. Hàng ngày Hảo đi kiểm tra các mỏ vàng đang khai thác của các nhóm nếu có vấn đề tranh chấp gì xảy ra gì thì Hảo “anh cả”  sẽ đứng ra dàn xếp. Chưa hết, Hảo còn tập hợp cho riêng mình một đội quân chuyên đi khai thác vàng. Đội quân của Hảo cầm đầu không khai thác “cầu may” như các đội khác. Khi đi kiểm tra dàn xếp tranh chấp, Hảo phát hiện nơi nào mới có vàng hay trữ lượng nhiều thì cho quân của mình vào đánh chiếm. “Anh cả Hảo” trở thành kẻ có nhiều mỏ “ngon” nhất trong tay ở đất Na Rì. 

Đến khi trở thành kẻ “hút thủng cả bàn đèn”

Chính những ngày sống nơi bãi vàng, “anh cả Hảo” đã vấp vào thuốc phiện. Cũng theo lời Hảo, ngày đó, dù có hút nhưng anh chưa thành con nghiện. Sau 4 năm làm “anh cả” nơi mỏ vàng, Hảo đã có được một số vốn tương đối lớn trong tay nên anh quyết định rời bỏ mỏ vàng quay trở lại quê hương năm 1990. 

Về quê, sẵn vốn Hảo nhanh chóng trở thành ông chủ chuyên đi nhận công trình san lấp mặt bằng về cho công nhân của mình làm. Bên cạnh đó, Hảo còn đứng ra nhận thầu công trình sau đó bán lại ăn phần trăm. Có được sự quen biết rộng, Hảo còn trở thành đầu mối cung cấp gỗ cho hàng trăm cơ sở gỗ trong vùng. Hảo đã giàu nay lại càng giàu hơn trở thành kẻ giàu có tiếng tăm bậc nhất trong vùng. 

Anh nhớ lại: “Hồi ấy cả làng chưa ai có xe máy thì tôi đã mua hẳn xe máy Dream Thái, tôi còn có hàng gần chục suất đất ven đường Quốc lộ 5. Hàng ngày từ các nghề, tôi thu về cả chỉ vàng chứ chả ít. Có thể nói ngày đó tiền trong túi tôi không thiếu. Cũng chính vì thế mà tôi sa đà vào chiếu bạc và nhanh chóng trở thành con bạc rồi lại dính vào thuốc phiện và ma túy”. 

Từ chơi cho vui, anh Hảo thành nghiện bài bạc lúc nào không hay. Ngày ngày, anh Hảo tìm đến xới bạc Tịnh Lai, ở Đuôi Cá (đầu cầu Long Biên) rồi tới xới Minh Xăng ở tận Hà Bắc để giải những cơn khát bạc. Ai ngờ càng chơi càng hăng máu mà càng hăng máu thì lại càng dễ thua đau. Sau mỗi lần thua đau để giải xui anh cả Hảo lại lao vào thuốc phiện mà theo như mọi người trong thôn ngày ấy nói về Hảo là “kẻ hút thủng cả bàn đèn”. 

Chị Nghĩ vợ anh Hảo kể lại: “Mới đầu thấy dân làng đồn chồng tôi nghiện tôi không tin đâu cho mãi tới khi người ta đến tận nhà tôi bảo tôi đưa ra mấy mảnh đất ở ven đường Quốc lộ tôi mới té ngửa ra những điều dân làng đồn đại là thật. Chồng tôi đã nướng vào bàn đèn vào chiếu bạc 7 suất đất cùng với tất cả vốn liếng gia đình vợ chồng bao năm dành dụm được”. 

11 lần cai nghiện quyết lấy lại phần con người

Sau bao năm lăn lộn với cuộc sống, từ ông chủ giờ trở về với hai bàn tay trắng và nỗi nhục của một con nghiện đè nặng nên gia đình, Hảo quyết tâm cai nghiện. Ban đầu anh cai nghiện tại nhà nhưng chỉ được vài ngày là anh lại chịu thua quay về với ma túy. Sau 9 lần cai nghiện ở nhà  không thành công, gia đình anh quyết định đưa anh đi cai  ở Đô Trường (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) song cũng vô ích.

2-4-1995, đúng ngày giỗ bố, trước mặt mọi người, anh Hảo tuyên bố: “Từ nay tôi sẽ cai thuốc. Nếu không cai được thì ngày giỗ bố tôi cũng sẽ là ngày giỗ tôi”. 4h chiều hôm ấy, anh Hảo xin mẹ 100.000 đồng ra mua 2 gói thuốc gọi bạn hút sang hút chia tay. Màn khói thuốc cuối cùng bay vào cơ thể anh Hảo. Sau đó, anh lại nhờ mọi người đi mua thuốc ngủ trong xã gom được 10 vỉ. Anh về nhà sơ tán đồ đạc trong gia đình và tự khóa chân mình vào xích sắt trong nhà với quyết tâm cai nghiện. Anh nhớ lại: “Lần đầu tiên đến cơn tôi uống 10 viên, sau đó các lần sau cứ đến cơn tôi lại uống nhưng mức độ giảm dần sau một tuần thì tôi cắt được cơn. Tiếp đó, đúng một năm trời, tôi ở nhà giúp đỡ vợ con những công việc trong nhà tuyệt đối không giao lưu với bất kỳ con nghiện nào. Đến lúc đó, tôi mới biết mình đã chiến thắng ma túy”.

Trở thành trưởng thôn

Ngày đó, khi đã cai nghiện được, anh vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu thì Trưởng thôn Phong Cốc lúc bấy giờ là ông Đỗ Xuân Tằng đã đứng ra bảo lãnh và cử anh làm Tổ trưởng tổ bảo vệ trị an ở thôn. Ông Tằng từng khẳng định với mọi người rằng, nếu anh tái nghiện thì ông Tằng sẽ tự xin từ chức Trưởng thôn. 

“Lúc đó mọi người phản đối lắm, nhiều người còn tới nhà tôi rình mò xem tôi tắm nước lạnh mới tin tôi đã cai nghiện”, anh Hảo kể lại. Được xã hội đón nhận lại anh đã tham gia các công tác xã hội một cách nhiệt tình. Cũng vì từng là đàn anh “máu mặt” nên việc quản lý trật tự trị an dẹp các xới bạc với anh không có gì là khó. Bên cạnh đó, anh còn đi vận động các con nghiện từ bỏ ma túy từ đó mà tệ nạn xã hội trong thôn giảm hẳn. Thấy anh làm tốt công việc của mình, từ năm 2001, anh được nhân dân tin tưởng bầu làm Trưởng thôn với số phiếu 86%. Suốt từ đó tới nay, anh đã liên tiếp trúng cử làm Trưởng thôn Phong Cốc suốt 13 năm. Hiện nay, anh vừa là Phó công an xã phụ trách an ninh vừa là Trưởng thôn uy tín với nhiều bằng khen giấy khen các loại. 

Anh nhớ lại, để được như ngày nay là cả một quá trình cố gắng không ngừng nghỉ của anh và của các cán bộ lúc bấy giờ. Không dừng lại ở việc làm công tác xã hội, anh còn giúp đỡ tư vấn cho những người mắc nghiện muốn cai nghiện. Anh kể: “Khi tôi và anh Tằng được vào TP. HCM làm phóng sự về việc cai nghiện ở VTV9 đã có một gia đình ở tận Kiến Xương - Thái Bình mang con đến gửi tôi nhờ tôi giúp cai nghiện. Tôi xin ý kiến của xã đã bảo lãnh cho cậu ấy sống và cai nghiện ngay tại nhà tôi”.

Đó là cậu sinh viên tên T. đang học đại học ở Thái Nguyên thì mắc vào ma túy, T. lại là con nhà quan chức ở Thái Bình. Nhà anh Hảo có gần 3 mẫu ao đấu thầu nuôi cá nên cho cậu T. ra đó nhặt cỏ. Hàng ngày, anh Hảo và vợ thay nhau ra kiểm tra. Được cái, T. cũng ngoan biết nghe lời và thực sự muốn cai nghiện nên sau gần 1 năm cũng cai được nghiện. Giờ đây, cậu ấy dù đã đi nước ngoài nhưng vẫn hay gọi điện về hỏi thăm gia đình anh. Gia đình anh cũng coi T. như con. Việc này bà con trong thôn ai cũng biết. 

Nhìn căn nhà 3 tầng khang trang của anh, thấy các con được ăn học đàng hoàng, anh Hảo mới thực sự mãn nguyện và cảm thấy mọi cố gắng của mình không trở nên vô nghĩa. Lúc chia tay, anh Hảo còn chia sẻ thêm rằng: “Nếu viết báo chỉ để ca ngợi thì tôi không cho đâu nhưng tôi muốn qua đây nhắc nhở những người đang mắc vào ma túy rằng hãy nhìn tôi đây. Không có gì là không thể chỉ cần có nghị lực. Xã hội sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn. Ai cần giúp đỡ, tôi sẽ luôn sẵn sàng”.