Anh "bài" lao động nước ngoài

ANTD.VN - Kế hoạch hạn chế người nước ngoài làm việc vừa được Chính phủ Anh công bố đã làm dấy lên mối lo ngại về việc phân biệt đối xử và “bài” lao động nước ngoài tại Xứ sở sương mù, trong bối cảnh nước này vừa quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Người dân Anh biểu tình đòi phải ưu tiên việc làm cho công dân gốc của nước này

Báo chí và chính giới nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 6-10 đã đồng loạt bày tỏ thất vọng trước kế hoạch hạn chế người nước ngoài làm việc tại Anh do Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd đề xuất.

Dư luận báo chí châu Âu cho rằng kế hoạch này phản ánh chính sách “bài” lao động nước ngoài nói riêng và có thể là người nước ngoài nói chung của London, nhất là sau khi cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 vừa qua đã tán thành “Brexit” (nước Anh rời khỏi EU).

Theo kế hoạch trên, Chính phủ Anh sẽ buộc các công ty Anh công khai tỷ lệ nhân viên người nước ngoài mà họ thuê nhằm đảm bảo các công dân nước này có được việc làm trước. Tuy nữ Bộ trưởng Nội vụ Rudd phủ nhận cáo buộc đây là chính sách phân biệt đối xử, bài ngoại khi thanh minh quy định này chỉ để nhắc nhở các chủ doanh nghiệp Anh cần có “hành xử đúng đắn”, song báo chí và chính giới châu Âu lại không cho rằng như vậy.

Thứ trưởng Ngoại giao Italia Mario Giro nói thẳng rằng, kế hoạch mà bà Rudd công bố là sự bài ngoại và điều này thật khác với tính cách cởi mở và khoan dung của người Anh mà những người châu Âu biết đến trước đây. 

Trong khi đó báo chí tại Tây Ban Nha, Đức… đều có chung nhận định việc Anh đưa ra đề xuất hạn chế nhập cư đi ngược lại lợi ích của các doanh nghiệp cũng như của khu tài chính London và chính quyền của Thủ tướng Theresa May ủng hộ Brexit đang “tự bắn vào chân mình” bằng chính sách đi ngược lại tiến trình toàn cầu hóa.

Mặc dù phải hứng chịu nhiều chỉ trích tại châu Âu, song chính quyền của nữ Thủ tướng May đang đứng trước sự lựa chọn đầy khó khăn trong việc đảm bảo việc làm, giảm thất nghiệp với người dân Anh. Số liệu thống kê công bố trung tuần tháng 6 vừa qua cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh xuống dưới 5%, mức thấp nhất kể từ khi nước Anh cũng như châu Âu rơi vào vòng xoáy suy giảm kinh tế và nợ công.

Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan về thị trường việc làm tại Anh có thể không kéo dài lâu bởi sự kiện Brexit, điều mà giới kinh tế cho rằng sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế và việc làm của Xứ sở sương mù. Nước Anh được dự báo sẽ mất khoảng nửa triệu việc làm trong 2 năm đầu tiên sau khi cử tri bỏ phiếu rời khỏi EU do kinh tế giảm sút và doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất và kinh doanh khỏi nước này.

Không ít người tin vào dự báo trên khi PageGroup, một trong những công ty chuyên về tuyển dụng lớn nhất của Anh, trung tuần tháng 8 vừa qua đã thông báo cắt giảm 3% số nhân viên. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vào đầu tháng 8-2016 cũng đã phải hạ lãi suất và mở rộng kế hoạch kích cầu như một biện pháp nhằm đối phó với tình trạng suy thoái.

Trước sức ép suy giảm kinh tế và tỷ lệ thấp nghiệp gia tăng thời hậu Brexit, chính quyền của Thủ tướng May có lẽ buộc phải tính tới việc hạn chế lao động nước ngoài để bảo vệ công ăn việc làm cho người Anh, bất chấp điều này có thể dẫn tới tai tiếng phân biệt đối xử, thậm chí là “bài” lao động nước ngoài.