Ẩn ý của Triều Tiên sau động thái thử nghiệm tên lửa chiến thuật mới?

ANTD.VN - Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội, Triều Tiên và Mỹ liên tiếp có những tuyên bố đáp trả nhau, đặc biệt là việc Triều Tiên để tiến hành thử tên lửa chiến thuật mới hôm 17-4 vừa qua.

Sau Hội nghị thượng định Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội: Triều Tiên tỏ ra cứng rắn

Ngày 18-4-2019, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Triều Tiên đã thử nghiệm loại vũ khí chiến thuật có điều khiển mới trong ngày 17-4. Vũ khí mới được bắn đi từ Học viện Khoa học Quốc phòng và dưới sự giám sát của Chủ tịch Kim Jong-un. Tuy nhiên, hãng KCNA không tiết lộ rõ vũ khí mới có tên là gì.

Trước đó, ngày 15-3, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui trong cuộc họp báo với các nhà ngoại giao và truyền thông quốc tế tại thủ đô Bình Nhưỡng đã thông báo về việc Triều Tiên đang cân nhắc dừng lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân háo với Mỹ.

Bên cạnh đó, nước này cũng để ngỏ khả năng tái khởi động Chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, vốn đã bị ngừng lại từ tháng 2-2018.               

"Chúng tôi không có ý định nhượng bộ những yêu cầu của Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi cũng không sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán theo hướng này" và cho rằng: "Việc có tiếp tục duy trì lệnh cấm (thử tên lửa và hạt nhân) hay không là quyết định của Chủ tịch Ủy ban các vấn đề nhà nước Kim Jong-un. Chủ tịch sẽ đưa ra quyết định của mình trong thời gian tới" - lời khẳng định của Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui hôm 15-3.

Đáp trả bài phát biểu trên của ông Choe, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã tuyên bố trên kênh truyền hình ABC ngày 17-3-2019 rằng: "Thật không may là Triều Tiên không sẵn sàng làm những gì họ cần làm. Vừa qua (16-3 theo giờ Mỹ), họ đã đưa ra một tuyên bố vô ích rằng, họ đang cân nhắc việc tiến hành trở lại các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Đây vốn không phải là một ý tưởng hay đối với họ".

Ẩn ý sau động thái trên của Triều Tiên

Nếu quan sát một cách kỹ lưỡng về việc giải quyết vấn đề hạt nhân từ sau cuộc khủng hoảng hạt nhân lần thứ nhất (1991-1993) đến nay, có thể nhận thấy, những động thái gần đây của Triều Tiên hoàn toàn dễ hiểu và nó được coi là "nghệ thuật đàm phán" của nước này.

Bởi lẽ, cứ sau mỗi lần đàm phán với Mỹ bị thất bại, Triều Tiên thường thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình lên một cấp độ mới. Điển hình là sau khi kết thúc vòng đàm phán 6 bên (Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga) về Chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên (năm 2008), ngay lập tức, Triều Tiên đã thử bom hạt nhân lần 2 (tháng 5-2009) và tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Đồng thời, giới chức Triều Tiên cho rằng, Mỹ chính là nguyên nhân khiến nước này phải tiếp tục theo đuổi việc sở hữu vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia và chế độ. Do đó, với việc Hội nghị thượng đỉnh lần 2 vừa qua kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào sẽ là "cái cớ" để Triều Tiên có thể phát triển chương trình hạt nhân của mình theo hướng tăng cấp độ.

Nguyên nhân sâu xa

Việc Triều Tiên đưa ra các tuyên bố cứng rắn trên đối với Chính phủ Mỹ xuất phát từ những yếu tố sau:

Thứ nhất, hiện nay, Triều Tiên đang giữ khoảng 5.000 hài cốt của binh lính Mỹ bị thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Vào tháng 7-2018, Triều Tiên đã trao trả cho Mỹ 55 bộ hài cốt, nhưng đối với Phó Tổng thống Mike Pence (người có cả cha và mẹ tham gia chiến đấu tại chiến trường Triều Tiên) và các gia đình quân nhân Mỹ có người thiệt mạng thại chiến trường này thì con số trên là "quá nhỏ".

Do vậy, nếu Mỹ muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này, họ cần có thái độ "hòa dịu" hơn với Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân, đồng thời thể hiện một số "nhượng bộ nhất định" trong tiến trình gỡ bỏ dần lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thứ hai, vào ngày 9-3-2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ký với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha về Hiệp định tăng chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại nước này từ 830 triệu USD (năm 2018) lên 924 triệu USD (năm 2019).

Đồng thời, tuyên bố duy trì 28.500 binh lính Mỹ thường trực tại Hàn Quốc. Điều này, cho thấy, Mỹ đã thất hứa với Triều Tiên tại Hội nghị thượng đỉnh ần 2 tại Hà Nội và đây cũng chính là lý do hợp pháp để Triều Tiên có thể tái khởi động chương trình hạt nhân.

Thứ ba, các tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui không khác gì so với lời chúc mừng năm mới 2019 của Chủ tịch Kim Jong-un rằng: "Nếu Mỹ không còn giữ lời hứa trước sự chứng kiến của thế giới và vì tính toán sai lầm của họ về sự kiên nhẫn của người dân chúng ta, nếu nước Mỹ tìm cách đơn phương ép chúng ta phải làm điều gì đó và khăng khăng áp đặt các biện pháp trừng phạt và gây sức ép chống lại CHDCND Triều Tiên, thì có thể chúng ta sẽ buộc phải tìm ra cách thức mới nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước".

Bài phát biểu mới đây của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh lần 2 rằng: "Chủ tịch Kim Jong-un có cảm giác không hiểu nổi các tính toán của Mỹ. Tôi có cảm giác là Chủ tịch Kim sẽ không còn ý muốn đàm phán trực tiếp nữa".

Những tuyên bố trên của Triều Tiên đều mang hàm ý rằng, nếu Mỹ cứ tiếp tục khăng khăng đòi nước này phải giải trừ vũ khí hạt nhân đơn phương mà không có bồi thường thích đáng thì cách thức để Bình Nhưỡng "đáp trả" chính là khởi động lại chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, vốn đã bị đóng băng hơn 15 tháng nay.

Đây chính là "phương thức cứng rắn mới của Chủ tịch Kim đối với giới chức Mỹ, thách thức chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Thứ tư, từ tháng 6-2018 đến nay, Triều Tiên dường như đã có một "phao cứu sinh", đó chính là Trung Quốc. Lãnh đạo hai nước đã đưa ra 3 quan điểm thống nhất về vấn đề Triều Tiên trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, gồm: (1) Thái độ của Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc đối với việc củng cố quan hệ Trung - Triều sẽ không thay đổi bất chấp tình hình khu vực và quốc tế. (2) Tình hữu nghị Trung - Triều sẽ không thay đổi. (3) Sự ủng hộ của Trung quốc với chủ nghĩa xã hội ở Triều Tiên sẽ tiếp tục được duy trì.

Đặc biệt, trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, viện trợ năng lượng của Trung Quốc cho Triều Tiên bằng mức năm 2017 (khoảng 5 triệu tấn dầu). Điều này đã tạo ra một "sức nặng" để Triều Tiên có thể đối trọng với Mỹ trong việc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều.

Thứ năm, một nhân tố không kém phần quan trọng, đó chính là sự ủng hộ từ Nga. Mấy năm gần đây, Chính phủ Nga luôn tìm cách khẳng định tầm ảnh hưởng trong vấn đề Triều Tiên, có những hành động viện trợ lương thực, lách luật trừng phạt hỗ trợ về kinh tế, đồng thời ủng hộ giải quyết vấn đề khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Mới đây, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên, được đánh giá là đạt được khá nhiều kết quả, đặc biệt là trong hợp tác song phương (nhất trí triển khai dự án đường sắt xuyên Triều Tiên sang Hàn Quốc, đường ống dẫn dầu, khí, thành lập Hội đồng doanh nghiệp Nga - Triều...).

Như vậy, các phát biểu và tuyên bố của giới chức Triều Tiên từ đầu tháng 3-2019 đến nay đã phát đi một tín hiệu rằng, vấn đề hạt nhân Triều Tiên được quyết định bởi người duy nhất đó chính là lãnh tụ Kim Jong-un chứ không phải Đảng Lao động, Quốc hội hay lực lượng quân đội. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên chính là sự thể hiện uy quyền cá nhân của ông Kim đối với người dân trong nước và cộng đồng quốc tế, nhất là đối với Mỹ.