Ăn uống thế nào trong ngày Tết để an toàn và khỏe mạnh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong dịp Tết, chúng ta thường có tâm lý xả hơi với những buổi đi chơi, tiệc tùng làm đảo lộn những sinh hoạt thường ngày. Hậu quả là, nhiều người ăn không đúng bữa, ăn quá nhiều, ít vận động, thiếu ngủ... Vậy làm thế nào để có những bữa ăn ngày Tết ngon miệng, đảm bảo an toàn?

Cân bằng các loại thực phẩm

Một chế độ ăn dư thừa chất đạm, chất béo, chất ngọt nhưng lại thiếu vitamin, chất khoáng và chất xơ… sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt với những người mắc bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, gout, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, suy thận, bệnh dạ dày, viêm đại tràng... Ăn quá nhiều chất đạm làm cho tình trạng bệnh suy thận nặng lên. Ăn quá nhiều chất béo gây tăng tình trạng rối loạn mỡ máu, tăng tình trạng xơ vữa động mạch dẫn đến tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não…

Ăn uống lành mạnh để những ngày Tết đầm ấm và khỏe mạnh

Ăn uống lành mạnh để những ngày Tết đầm ấm và khỏe mạnh

Uống quá nhiều bia rượu, nước ngọt... gây hại cho những người bị xơ gan, gout, tim mạch, đái tháo đường. Các món ăn sẵn như thịt xông khói, lạp xưởng, xúc xích... chứa lượng muối và mỡ cao, không tốt cho người bị tăng huyết áp. Nhiều người bị đột quỵ ngay sau bữa ăn uống nhiều bia rượu ngày lễ Tết. Uống nhiều rượu có thể gây hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị với thuốc hạ đường huyết. Một chế độ ăn để đảm bảo sức khỏe trong những ngày Tết là bữa ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu về năng lượng, chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Cần đa dạng hóa bữa ăn, sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau, phối hợp thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật.

Ăn uống lành mạnh

Ăn nhiều trái cây rau quả vì chất xơ tạo cảm giác no lâu. Ngoài ra, bánh chưng bánh tét rất nhiều calo dễ gây tăng cân, nên ăn lượng vừa phải. Hạn chế đồ chiên xào vì nạp nhiều cholesterol vào cơ thể. Thận trọng với đồ ngọt: Các món bánh mứt nhiều đường gây tăng cân, làm thèm ăn đồ ngọt. Nước ngọt, nước có ga cần hạn chế. Có thể thay thế các loại bánh mứt bằng các loại hạt vì chứa ít chất béo, nhiều chất xơ và vitamin tốt cho cơ thể.

Không uống rượu, bia, nước ngọt cùng lúc vì bạn sẽ bị say rượu tồi tệ hơn, thậm chí ngộ độc cồn gây nguy hiểm. Tinh thần thoải mái khi ăn giúp tiêu hóa tốt hơn và tránh tăng cân. Căng thẳng sẽ khiến bạn tăng cảm giác thèm đồ ăn vặt và ăn không kiểm soát. Người có bệnh mạn tính cần duy trì chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của thầy thuốc, sử dụng thuốc theo chỉ định.

Hạn chế đồ ăn vặt, món ăn nhiều muối mỡ

Đồ ngọt cũng làm tăng mỡ máu ở người rối loạn chuyển hóa lipid. Bữa ăn không điều độ đúng giờ, ảnh hưởng rất nhiều đến người bệnh đái tháo đường. Đường huyết không được kiểm soát do ăn không đúng giờ và không ổn định, không phù hợp với liều thuốc thường ngày, dẫn đến đường huyết tăng quá cao hoặc có thể bị hạ đường huyết.

Với những người bệnh tăng huyết áp, những món ăn truyền thống là hành muối, dưa muối, giò, chả, thịt hun khói, xúc xích… đều chứa sẵn muối cũng là nguyên nhân làm huyết áp tăng cao, có thể dẫn đến đột quỵ. Người rối loạn mỡ máu nên chú ý không ăn nhiều thực phẩm nhiều béo, không ăn quá no, tránh thừa năng lượng. Sau một bữa tiệc rượu, bia và nhiều loại thịt, các loại nước xương hầm có thể làm khởi phát một cơn gout cấp, khiến các khớp gối của người bệnh gout mạn đau, sưng tấy, dẫn đến đi lại khó khăn trong những ngày Tết.

Không tích trữ quá nhiều thực phẩm, đề phòng ngộ độc

Đây cũng là một trong những sai lầm mà nhiều người mắc phải trong dịp Tết. Khi mua quá nhiều thực phẩm dù có được bảo quản trong tủ lạnh thực phẩm vẫn có thể bị hư hỏng, nấu quá nhiều món ăn, ăn không hết đổ đi rất lãng phí, để lại dễ bị ôi thiu, khi ăn những thức ăn này dẫn đến rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, đặc biệt nguy hiểm với người bị bệnh về đường tiêu hóa.

Ngày Tết cũng là những ngày hay xảy ra ngộ độc thức ăn. Những món ăn chế biến sẵn như giò chả, bánh chưng, chè kho, thịt đông, mứt kẹo rất dễ bị ôi thiu hư hỏng nhất là gặp phải trời nồm. Để phòng chống ngộ độc thức ăn, cần loại bỏ thói quen mua dự trữ quá nhiều thực phẩm trước Tết. Đối với những loại thức ăn nguội, chế biến sẵn như đầu giò, góc bánh chưng, các món xôi, nộm, dưa muối… cần được kiểm tra cẩn thận trước khi dùng, nếu nghi ngờ có các dấu hiệu ôi thiu hư hỏng thì cần loại bỏ ngay.