Ấm lòng trên đất Chùa Vàng

ANTĐ - Dẫu không về được quê nhà ăn Tết nhưng những cái Tết rất Việt, những buổi gặp mặt, liên hoan mừng năm mới vẫn được người Việt tổ chức tại Thái Lan, nơi có khoảng 100.000 kiều bào sinh sống, đã làm ấm áp thêm tình quê hương, vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà da diết của những người con xa xứ.

Việt kiều đón Tết sớm

Người Thái thường đón Tết vào tháng Tư hay còn gọi là Songkran nhưng từ lâu, người Thái gốc Hoa, Việt Nam hay Ấn Độ vẫn tổ chức đón Tết cổ truyền ở khắp nơi trên đất Thái Lan. Tết Nguyên đán được du nhập vào Thái Lan lần đầu tiên thông qua cộng đồng người Hoa nhập cư tới Ayutthaya vào khoảng thời gian từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18. Hàng năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và Hội người Việt tại Bangkok đều tổ chức đón Tết sớm, trước thời điểm giao thừa 10-15 ngày, với sự tham gia của các cán bộ, nhân viên sứ quán và các bà con Việt kiều đại diện cho các hội người Việt ở khắp các tỉnh, thành, mọi người đến dự thường trong trang phục áo dài, trên tay cầm những nhành mai, câu đối… hướng về nơi đặt bàn thờ tổ tiên và ảnh Bác Hồ. Đó là một trong những nghi thức đón Tết cổ truyền của bà con Việt kiều trong buổi lễ ở Bangkok. Vái lạy hay cúng tổ tiên là nghi thức không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của người Việt xa xứ. Sau nghi thức cúng bái tổ tiên là màn biểu diễn múa lân và lì xì ngày Tết.  

Bà Nguyễn Bích Mai, một kiều bào đã sinh sống tại Thái Lan 20 năm tâm sự: “Năm nào tôi cũng cố gắng để được ăn Tết với cộng đồng. Người Việt ở đây rất đoàn kết, gắn bó. Tôi rất mong muốn một ngày nào đó lại được ăn Tết tại Việt Nam”. 

Sau lễ ăn Tết sớm tại Bangkok, hầu hết Việt kiều đều trở về các tỉnh, tập trung nhiều nhất ở vùng Đông bắc Thái Lan, nơi họ sinh ra và lớn lên để đón Tết cùng với gia đình và  bạn bè. Ở đó họ cùng nấu bánh chưng, làm mứt. Trong nhà cũng có cây  mai và bàn thờ tổ tiên. Vào đêm giao thừa, họ cũng làm mâm cơm thắp hương tổ tiên và cũng thường đến nhà nhau chúc Tết. 

Không quên văn hóa truyền thống

Tại Thái Lan, chợ Việt Nam - Samsen là một trong những địa điểm được Việt kiều tìm đến nhiều nhất để mua sắm đồ trong dịp Tết. Tại đây, bạn có thể tìm thấy những món ăn thuần túy Việt Nam. Những người bán  hàng tại đây hầu hết là người Việt Nam đã sinh sống nhiều năm trên đất Thái Lan. Chị Nguyễn Thị Ngọc, quê gốc ở Hà Tĩnh, bày bán đủ thứ từ bánh chưng, bánh tét, giò lụa, giò bì, nem chua, hành muối, mứt gừng, mứt dừa, mứt hạt sen, bánh đa nem cho biết: “Mẹ tôi đã bán hàng tại chợ này 20 năm. Từ ngày bà già yếu, tôi thay mẹ quản lý cửa hàng. Vào những ngày cuối tuần và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, người Việt ra đây mua rất nhiều đồ về cúng gia tiên. Mọi người thường mua giò, bánh chưng, bánh tét, mứt và nem. Tất cả đều được Việt kiều làm tại chỗ, chỉ một số ít như cà phê Trung Nguyên, chè Thái Nguyên, bánh đậu xanh mới mang từ Việt Nam sang”. 

Chợ Việt Nam - Samsen nằm trong khu dân cư người Việt ở khu Samsen ven sông Chao Phraya. Nó được coi là một chợ Việt lâu đời nhất ở Thủ đô Bangkok vẫn còn có các món ăn thuần túy Việt Nam. Thời xưa, người Việt đến sống ở đây đã phổ biến các món ăn và văn hóa Việt Nam như bánh cuốn, bánh canh, nem lụi, giò lụa, nem chua…  rất được ưa chuộng tại Thái Lan. 

Hiện ở Thái Lan có 19 chùa Việt Nam, nằm rải rác ở các tỉnh Yala, Hatyai, các tỉnh Đông Bắc. Riêng tại Bangkok có 7 chùa Việt Nam. Đó là các chùa: Phổ Phước (tên Thái Lan là chùa Kusol Samakhorn), chùa Cụ Ba, Khánh Vân (tên Thái Lan là chùa Upai Ratchabumrung) và chùa Cảnh Phước (tên Thái Lan là chùa Sommananam Bhodihan)…, trong đó chùa Ông Ba (theo cách gọi của bà con Việt kiều) là ngôi chùa  Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan Bác Hồ đã dừng chân trong quá trình hoạt động tại Thái Lan. Điều đáng nói là khi đến các chùa Việt trên đất Thái, chúng ta dễ dàng được nghe sư trụ trì và chú tiểu nói tiếng Việt. 

Hiện nay, trong hơn 20 tỉnh tại Thái Lan có đông Việt kiều sinh sống, đã có 9 tỉnh được chính quyền địa phương cho phép thành lập Hội người Việt, tạo điều kiện để bà con Việt kiều thuận lợi trong sinh hoạt cộng đồng, hướng về đất nước và đóng góp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan.