Ám ảnh và dị biệt Halloween

ANTD.VN - Cuối cùng thì ngày mà đi đâu cũng gặp toàn “hồn ma bóng quỷ” cũng đã qua. Ngày mà những gương mặt máu me chảy ròng xuất hiện có chủ đích từ ngoài phố, rạp chiếu phim, các nhà hàng sang trọng cho tới cả trường học và trang chủ mạng xã hội; ngày mà “ma quỷ” đi lại nghênh ngang, cười nói ngoài phố du nhập vào ta chừng mươi năm đổ lại và chỉ ầm ĩ trong khoảng 2 năm gần đây, phương Tây gọi là Halloween.

Ám ảnh và dị biệt Halloween ảnh 1 Những màn hóa trang kinh dị ngoài phố (Ảnh Zing)

Chính lễ Halloween diễn ra ngày 31-10, nhưng từ vài ngày trước trên mạng xã hội         Facebook đã hiện lên đủ các hình ảnh hóa trang ma quái. Ghê rợn và áp đảo nhất vẫn là “sì tai” ma cà rồng với hình ảnh quằn quại máu.

Có một điều lạ, mọi năm lễ hội này chỉ phổ biến trong các trường quốc tế, nơi có phần đông học sinh người nước ngoài theo học thì năm nay, bằng con đường chính danh lễ hội, những thây ma kinh dị đó bỗng dưng vào môi trường giáo dục, từ bậc tiểu học lan sang cả một cơ số các trường mẫu giáo. Con trẻ nào có biết gì, như tờ giấy trắng, cha mẹ, thầy cô tô vẽ gì lên mặt, phục trang cho chúng thế nào mà chẳng được.

Bảo đó là vui thì chúng phấn khởi. Rồi chính các bậc phụ huynh khi hoàn thiện các “tác phẩm kinh dị” đó lập tức chụp ảnh “bốt Phây” cho thời thượng. Chuyện cũng chưa hết, con nhà kia nó bôi vẽ rùng rợn thì cũng phải cố cho con nhà mình kinh dị gấp mười, gấp trăm lần. Thế là cả thế giới Facebook ngày hôm ấy chỉ toàn hình ảnh ma cà rồng với quỷ satan. Cá biệt, có người còn hóa trang thành xác chết tai nạn, khi được đăng tải lên mạng xã hội thì nhận được rất nhiều bình luận khen… đẹp?

Halloween có xuất xứ từ một truyền thuyết Bắc Âu, mà chính xác khởi nguồn từ đất nước Ireland, nó na ná như rằm tháng 7 - ngày xá tội vong nhân của văn hóa phương Đông. Đó là ngày mà nhưng cô hồn, ngạ quỷ được trở lại với dương thế. Đó cũng là ngày người sống được học thêm lòng hướng thiện, tránh xa con đường tối tăm, tội lỗi.

Nói na ná giống là bởi, về tinh thần thì dân tộc nào, quốc gia nào, tôn giáo nào cũng dạy con người ta sống hướng thiện. Nhưng văn hóa của mỗi quốc gia, giữa phương Tây và phương Đông lại khác. Có thứ dung hòa nhưng có thứ là dị biệt. Có những thứ được phép hòa nhập, có những thứ nếu du nhập vào thì văn hóa bản địa nhanh chóng bị hòa tan. Halloween của phương Tây là một thứ dị biệt đó.

Trong thế giới siêu hình của phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, cả nghìn năm nay người ta vẫn quan niệm rằng có cả ma lẫn quỷ. Trong khi, quỷ là một thứ gì đó tượng trưng cho những điều độc ác thì ma trong truyền thuyết và cổ tích đôi khi cũng có chính có tà, có ma thiện cũng có ma ác. Nói chung phần nhiều là những con ma đáng yêu.

Điều này chẳng phải đã từng được các học giả như Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Văn Huyên… đề cập đến trong các công trình nghiên cứu để đời hay sao? Thế giới quan, nhân sinh quan của người phương Đông bấy lâu vẫn hấp dẫn bởi tính hồn hậu, trong trẻo bởi đến ma còn có ma thiện ma ác.

Người phương Đông không có những lễ hội hóa trang, không phải vì thế mà họ thiệt thòi, mà đó là do họ đã có cả một “văn hóa mặt nạ” đặc sắc, cũng có cả một Tết Trung thu, trong tiếng trống múa sư tử, trẻ con thoải mái đeo mặt nạ giấy bồi trông trăng phá cỗ. Nếu có hóa trang, thì đấy, “Con đĩ đánh bồng” - điệu múa nổi tiếng làng Triều Khúc là một ví dụ điển hình. Một thứ hóa trang đầy hồn nhiên, đáng yêu, dung dị chứ tuyệt nhiên không phải những thứ đầu rơi máu chảy như Halloween.

Chúng ta, công dân của một đất nước hoàn toàn xa lạ với truyền thuyết đến từ Bắc Âu kia bỗng một ngày lấy cớ hội nhập, cố cải trang thành ma quỷ mà chẳng cần hiểu truyền thuyết đó ý nghĩa gì. Nhiều người cười nhưng nhiều người thấy buồn. Buồn cho những người chỉ chạy theo trào lưu, ngỡ hay nhưng hóa lại không hay chút nào!