Alexandre Yersin trong ký ức “người bạn nhỏ thân thiết”

ANTĐ - "Năm 1943, nhân dân xóm Cồn nghe tin ông Yersin mất vào 12 giờ khuya ngày 1-3, người dân ở lại, họ không đi biển, họ khóc lóc, họ nói "ông Năm qua đời ai giúp đỡ chúng tôi", tội lắm dân người ta thương lắm, cúng giỗ cũng có những bàn thờ có tấm hình ông trong nhà"...
Alexandre Yersin (1863-1943) là một nhà bác học ngoại quốc, nhưng tình cảm của ông dành cho người dân nghèo xóm Cồn, ở Nha Trang ngày trước lại rất sâu sắc và ngược lại vị trí của Yersin trong lòng người dân Nha Trang cũng hết sức đặc biệt. Đến nay những người dân đã từng gặp gỡ ông còn lại rất ít, một trong số đó là bác sỹ Kiều Xuân Cư. Dù đã ở tuổi 94, nhưng trong ký ức của ông những câu chuyện nhỏ về người bạn lớn cách đây 80 năm vẫn còn in đậm.

Gieo cho trẻ tình thương và nghề thuốc…

Hơn 120 năm, một thanh niên “Tây” Alexandre Yersin đặt chân đến Nha Trang và quyết định bỏ hết những vinh hoa của mình ở Pháp để gắn bó đời mình với cuộc sống nghèo khó ở xóm chài nhỏ ngay cửa sông Cái. Alexandre Yersin, hay ông Năm- cái tên dân giã, thứ bậc trung bình trong cách gọi con của dân chài Xóm Cồn, không chỉ là một người thầy thuốc luôn tận tâm với bệnh nhân nghèo, mà ông làm bất cứ việc gì trước hết đều nghĩ đến lợi ích cho dân nghèo. Bác sỹ Kiều Xuân Cư kể, “nhớ năm 13-14 tuổi, nhà ở trên cây dầu đôi (nay là xã Diên An, huyện Diên Khánh), nhưng chủ nhật nào tôi và bạn cũng đi xe buýt xuống Nha Trang để tắm biển rồi vào nhà ông Yersin ở xóm Cồn để nghe chim hót, xem hoa phong lan và đọc sách… Ông Yersin có một phòng để tủ sách dành cho trẻ em vào xem. Ông Yersin rất thích trẻ con, hôm nào chúng tôi đến đông ông càng vui. Đặc biệt là ông chỉ tiếp trẻ con ở nhà, còn khách toàn quyền hay quan chức ông không bao giờ tiếp ở nhà. Ông hay cho chúng tôi kẹo socola và dẫn lên lầu 3 xem đài thiên văn, hướng dẫn chỉ cho chúng tôi xem qua kính và chỉ đây mặt trời luân chuyển, mặt trăng luân chuyển… Ông hay xoa trên đầu, trên vai chúng tôi nói “người ta lớn lên học được ngành y để giúp người nghèo”. Đây là kỉ niệm sâu sắc, là ý tưởng đầu tiên xâm nhập vào đầu óc trai trẻ còn như tờ giấy trắng của tôi”. 

Alexandre Yersin trong ký ức “người bạn nhỏ thân thiết” ảnh 1
Bác sỹ Kiều Xuân Cư 

Ông Năm báo bão

Trong những lần tiếp xúc gần gũi với ông Năm Yersin, Bác sỹ Cư cho biết ông nhớ nhiều nhất là hình ảnh đài thiên văn và những ngày chống bão. “Hồi đó bãi biển Nha Trang còn trống lắm, nhưng ông Yersin chọn xóm chài nghèo gần cửa sông Cái - sau gọi là xóm Cồn để sinh sống. Việc dự báo thời tiết mình hồi đó chậm, ông có ống thiên văn phát hiện thấy gió lớn, hay sắp có bão là ông đi xuống báo hay ông treo đèn báo bão lên để dân xóm Cồn biết không được đi biển. Có bão lụt gì ở xóm Cồn là ông mua mắm, trứng vịt, gạo… và bảo chung quanh dọn về nhà ông ở, để trú ngụ những ngày bão lụt, lấy trứng vịt luộc chấm với mắm, ăn cơm chờ qua bão. Thấy dân uống nước sông mất vệ sinh, ông kéo ống nước về và đặt những máy nước trên để dân nghèo đến lấy về uống cho hợp vệ sinh. Ai bị ốm đến ông chữa không lấy một đồng tiền thuốc… Ông rất thương người nghèo. Năm 1943, nhân dân xóm Cồn nghe tin ông Yersin mất vào 12 giờ khuya ngày 1-3, người dân ở lại, họ không đi biển, họ khóc lóc, họ nói "ông Năm qua đời ai giúp đỡ chúng tôi", tội lắm dân người ta thương lắm, cúng giỗ cũng có những bàn thờ có tấm hình ông trong nhà.

Alexandre Yersin trong ký ức “người bạn nhỏ thân thiết” ảnh 2
Ông Yersin đã chụp lại cảnh cậu bé
Kiều Xuân Cư (13 tuổi) đang đứng xem đàn chim trước nhà ông


“Y đức của người thầy thuốc là thương người nghèo”

Sự yêu thương, che chở, đùm bọc và lo lắng đặc biệt dành cho những người nghèo khó của ông Năm, ngay cả những công trình nghiên cứu cũng hướng đến người nghèo. Đấy là điều y đức mà bác sỹ Cư học từ ông Yersin. Ông Cư chia sẻ: “Trong quá trình làm việc ở Bệnh viện Khánh Hòa tôi luôn nhắc nhở mình cố gắng noi gương ông để làm những việc giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Hồi trước tôi không nghĩ mình làm được vì lương tháng thầy thuốc chỉ có 50-60 ngàn/tháng làm sao đủ nhưng sau đó tôi kết hợp cộng tác với nhiều người là đồng nghiệp, là bạn bè, nhà hảo tâm… mình biết vận động quần chúng cùng chung mục đích làm chuyện phải, việc lợi ích cho dân nghèo thì anh em người ta ủng hộ, hưởng ứng thôi”. 

Theo bác sỹ Cư, trong ngành y cũng đã có rất nhiều tấm gương cụ thể để thế hệ sau học tập như ông Phạm Ngọc Thạch, ông Đặng Văn Ngữ… cuộc sống của các ông có nhà lầu, villa ở Sài Gòn, Đà Lạt, Phan Thiết… nhưng họ đã hiến tất cả cho cách mạng, mặc bộ áo bà ba ra với kháng chiến để cứu nước cứu dân. Thế hệ này được thừa hưởng những thành quả này thì phải biết cố gắng để góp phần mình giúp đỡ người nghèo. Nhiều điều tôi muốn nói với thế hệ trẻ nhưng chỉ có một câu ngành y là ngành nên chú ý cho người nghèo và lo phòng bệnh là chính.

Nối tiếp con đường “Bác sỹ của người nghèo” mà Alexandre Yersin để lại, năm 1992, bác sỹ Kiều Xuân Cư và một số người ngưỡng mộ nhân cách Yersin đã thành lập Hội ái mộ Yersin. Hội hiện có trên 500 hội viên sinh sống trong và ngoài nước. Với mục tiêu vì người nghèo, Hội ái mộ Yersin đã thực hiện hơn 70 ca mổ mắt, sứt môi hở hàm ếch, mổ tim… miễn phí cho bệnh nhân nghèo, nuôi dưỡng 92 trẻ em khuyết tật, trợ cấp học bổng cho học sinh nghèo, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, tổ chức hàng trăm đợt tặng quà cho những hộ nghèo ở các địa phương khó khăn…

Alexandre Yersin trong ký ức “người bạn nhỏ thân thiết” ảnh 3
Xóm Cồn xưa nay đã khoác lên mình áo mới


Với thế giới, Alexandre Yersin vĩ đại vì những cống hiến cho sự nghiệp khoa học. Còn với người dân Nha Trang, Khánh Hòa, bác sỹ Yersin là một người cao cả bởi tấm lòng bác ái luôn bênh vực và che chở cho dân nghèo. Chính vì vậy, người dân quê hương Khánh Hòa vẫn luôn ghi nhớ công ơn và dành những tình cảm sâu sắc cho ông Năm Yersin. Hôm nay bên bờ biển Nha Trang cát trắng thơ mộng, tượng đài và công viên Alexandre Yersin gợi cho mọi người nhớ sự về hình ảnh gần gũi, thân thương giữa ông Năm Yersin với dân chài Xóm cồn ngày ấy.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, bác sỹ Kiều Xuân Cư nhắc đi nhắc lại “tôi rất là buồn vì phải nằm ở đây chữa bệnh không thể về dự lễ Kỉ niệm ngày sinh và ngày mất của bác sỹ Yersin (1/3/1943-1/3-2013) lần này. Tôi là người gần gũi, hiểu ông Yersin nhiều nhất còn sống sót ở vào tuổi hơn 90 rồi. Ở Nha Trang tôi chuẩn bị bộ tem rất là quý, bộ tem được toàn quyền in sau khi Yersin mất. Tôi mua con tem đó về dán lên tờ thiếp và đóng dấu phát hành con tem đó. Lúc bấy giờ bưu chính không có ai đóng dấu phát hành,vì ít người chơi tem, nhưng tôi làm vì tôi ngưỡng mộ ông. Bộ tem đó trải qua bao nhiêu năm bom đạn, tù đày tôi và anh giáo Hòa (ông Võ Hòa-nguyên chủ tịch tỉnh Khánh Hòa- Pv) thay nhau lưu giữ rất cẩn thận”.

Alexandre Yersin sinh năm 1863 tại Thụy Sỹ. Năm 1891 ông đặt chân lên bờ biển Nha Trang từ con tàu chở khách của Pháp. Năm 1893 phát hiện ra Cao nguyên Langbian- Đà Lạt. Năm 1894 tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch và điều chế huyết thanh chống bệnh này. Năm 1985 thành lập Viện Pasteur Nha Trang. Năm 1896 ông xây dựng các trại chăn nuôi thuộc Viện Đông dương (Suối Dầu hiện nay). Năm 1897 đưa cây cao su vào Đông Dương. Năm 1917 ông đưa cây Canh-ki-na vào Đông Dương nghiên cứu chữa bệnh sốt rét tại Hòn Bà. Năm 1943, sau 50 năm sinh sống và gắn bó với Nha Trang ông đã yên nghỉ tại Suối Dầu. Nhớ ơn những đóng góp của ông với dân tộc Việt Nam và người nghèo, năm 1990 đồng chí Đỗ Mười, lúc ấy là Thủ tướng nước CHXHCN Việt nam đã nói: “Đây là một trường hợp duy nhất nước Việt Nam cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cho một người nước ngoài”.