Ai sẽ tồn tại trong cuộc đua “đốt tiền” giành thị phần ví điện tử?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi thị trường hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc chỉ có 2 ví điện tử Wechat Pay và Alipay (chiếm 90% tổng số các giao dịch thực hiện qua thiết bị di động), thì tại thị trường nhỏ bé Việt Nam lại có tới 33 doanh nghiệp làm ví điện tử. Miếng bánh liệu có đủ chia, hay thị trường sẽ sớm phải thanh lọc?
Yếu tố lớn nhất thúc đẩy người dùng đến với ví điện tử là tiện lợi và có khuyến mãi

Yếu tố lớn nhất thúc đẩy người dùng đến với ví điện tử là tiện lợi và có khuyến mãi

Cát cứ vùng nhỏ

Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu tài khoản ví điện tử, tức là bằng khoảng 14% dân số. Việt Nam cũng đang là một trong những quốc gia có người dùng smartphone tăng nhanh nhất trong khu vực với số lượng người dùng tăng gấp đôi kể từ năm 2014 (lên mức 51 triệu người dùng).

Do đó, thanh toán điện tử được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam giống như mô hình của Trung Quốc vào những năm trước. Không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rất quan tâm đến lĩnh vực này. Năm ngoái, Momo và VNPay đã nhận được những khoản đầu tư khổng lồ, nhờ đó họ vươn lên là những ứng dụng thanh toán điện tử có thị phần lớn nhất.

Số liệu mới của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện Việt Nam có 37 tổ chức không phải ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó 33 tổ chức làm ví điện tử. Dù đang có tới hàng chục ví điện tử hoạt động trên thị trường, nhưng “mỗi ông lại cát cứ một vùng nhỏ” và chỉ có một vài cái tên được người dùng nhớ đến. Nhiều ví điện tử chỉ được sử dụng trong phạm vi rất hẹp như thanh toán mua hàng trên 1 trang thương mại điện tử, nạp thẻ điện thoại, thanh toán tiền điện, nước.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước vào cuối năm ngoái cho biết, Momo, Payoo, AirPay, Moca và SenPay đang dẫn đầu về mặt lượng giá trị giao dịch. Trong khi đó, theo báo cáo về tình hình sử dụng ví điện tử tại Việt Nam 2020 của Hệ thống nghiên cứu thị trường Q&Me, mức độ nhận diện các thương hiệu ví điện tử tập trung vào 4 ví điện tử. Trong đó, Momo dẫn đầu thị trường, đạt 73% mức độ nhận biết thương hiệu. Theo sau lần lượt là ViettelPay (6%), AirPay (6%), ZaloPay (4%) và các ví còn lại là 12%.

Chạy đua khuyến mại có đủ kéo khách hàng?

Trên thực tế, với giấc mơ trở thành Alipay và Wechat Pay của Việt Nam, các ví điện tử liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại như hoàn tiền, tích điểm, giảm giá… Dù vậy, theo các chuyên gia, để trụ lại với cuộc đua không phải cứ “đốt tiền” làm khuyến mại là đủ. Sở dĩ tại Trung Quốc, Wechat Pay có lợi thế “độc tôn” khi ra đời vì về cơ bản người dân Trung Quốc không thể sống thiếu WeChat. Còn Alipay phát triển mạnh mẽ vì hệ sinh thái của nó là Alibaba chiếm tới 90% thị phần thương mại điện tử tại quốc gia 1,4 tỷ dân này.

Theo số liệu từ cơ quan quản lý, hiện hầu hết các đơn vị cung cấp ví điện tử vẫn không có lãi, thậm chí chấp nhận lỗ. Việc thua lỗ trong hoạt động đầu tư ví điện tử là do đa phần các doanh nghiệp chọn đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần, “giành mâm” để chờ thời cơ, họ vẫn đang “sống bằng tiền của nhà đầu tư”. Dù “đốt tiền” giành thị phần như vậy, nhưng theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này thì ở bất kỳ lĩnh vực nào, thị trường cũng sẽ sớm thanh lọc và ví điện tử cũng không ngoại lệ.

Tại Việt Nam, khi các ví điện tử đua nhau tung khuyến mại, rất nhiều khách hàng đã tải các ứng dụng này để hưởng các ưu đãi, nhưng sau đó nhanh chóng gỡ bỏ vì không có nhu cầu sử dụng. Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch, đồng sáng lập ví điện tử Momo cho rằng, hiện khách hàng rất thông thái. Việc dùng khuyến mãi để thu hút khách là cách làm truyền thống, chỉ hiệu quả khi thị trường còn mới và khách hàng chưa hiểu rõ về sản phẩm. Còn về lâu dài chỉ có chất lượng mới chinh phục được họ.

Thực tế phát triển ví điện tử tại Việt Nam cũng cho thấy, những ví điện tử nào phát triển dựa trên những nền tàng phổ biến hoặc hệ sinh thái đa dạng sẽ có xu hướng được biết đến nhiều hơn. Báo cáo của Q&Me cho biết, trong khi Momo áp đảo thị trường thì AirPay phổ biến với những người mua sắm trực tuyến, Zalo thu hút nữ giới nhờ tích hợp chức năng trò chuyện thân thiện, ViettelPay phổ biến ở miền Bắc do thế mạnh kinh doanh và xây dựng thương hiệu ở thị trường này. Khảo sát cũng cho thấy, chi phí, đa dạng dịch vụ và lợi ích thành viên là 3 yếu tố giúp người tiêu dùng cân nhắc lựa chọn nhãn hiệu ví điện tử. Yếu tố lớn nhất thúc đẩy người dùng đến với ví điện tử là tiện lợi và có khuyến mãi.

Việt Nam hiện có hàng chục ví điện tử đua tranh thị phần

Việt Nam hiện có hàng chục ví điện tử đua tranh thị phần

Sẽ còn lại mấy cái tên?

Theo số liệu từ cơ quan quản lý, hiện hầu hết các đơn vị cung cấp ví điện tử vẫn không có lãi, thậm chí chấp nhận lỗ. Việc thua lỗ trong hoạt động đầu tư ví điện tử là do đa phần các doanh nghiệp chọn đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần, “giành mâm” để chờ thời cơ, họ vẫn đang “sống bằng tiền của nhà đầu tư”. Dù “đốt tiền” giành thị phần như vậy, nhưng theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này thì ở bất kỳ lĩnh vực nào, thị trường cũng sẽ sớm thanh lọc và ví điện tử cũng không ngoại lệ.

“Tất cả các lĩnh vực đều như vậy. Mạng di động ở ta từng có rất nhiều nhưng cuối cùng cũng chỉ còn lại 3 cái tên. Truyền hình cáp, mạng viễn thông… cũng vậy. Hãy nhìn vào Trung Quốc, một thị trường với 1,4 tỷ dân nhưng đến nay họ cũng chỉ có 2 ví điện tử chiếm tới 90% tổng số giao dịch qua thiết bị di động. Ví điện tử ở Việt Nam tôi tin cũng sẽ đi theo xu hướng đó. Sản phẩm nào mang lại trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho người dùng, làm sao khi họ mở ứng dụng đó ra có thể sử dụng được nhiều nhất các dịch vụ, tiện ích, họ cảm thấy hạnh phúc, thì ví đó sẽ sống sót” - vị chuyên gia nói.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mỗi người dùng không nhất thiết phải có nhiều ví điện tử cùng một lúc. Điều đó sẽ gây ra tình trạng khó kiểm soát chặt chẽ chi tiêu và có nguy cơ mất an toàn. Do đó, họ có nhu cầu chọn những ví điện tử có sự tiện lợi, an toàn, bảo mật cao. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, sự tiện lợi phải nằm ở 2 phía, phía ví điện tử và các điểm chấp nhận thanh toán. Tuy nhiên, hiện nay mỗi ứng dụng mua hàng hay các điểm bán hàng lại sử dụng loại ví khác nhau. Đây cũng là lý do mà nhiều ví điện tử của Việt Nam chỉ được một cộng đồng rất nhỏ biết đến.