Xung quanh phát ngôn gây tranh cãi của Tiến sĩ Đoàn Hương:

Ai mới là kẻ rỗi hơi?

ANTD.VN - Câu hỏi được đặt ra là: Người dùng Facebook và người phát ngôn, ai mới là kẻ rỗi hơi?

Vừa qua, trong một chương trình phát sóng trên VTV, tiến sĩ Đoàn Hương đã có một phát ngôn gây bão:“50% người dùng Facebook là vô công rồi nghề”. Dường như ngay lập tức, phát ngôn của nữ Tiến sĩ này đã bị cư dân mạng "ném đá" không thương tiếc, họ rần rần chế giễu cả đời tư lẫn công việc của bà mà chưa cần thẩm định đến nội dung và ngữ cảnh trong câu nói đó là hoàn toàn phù hợp. Câu hỏi được đặt ra là: Người dùng Facebook và người phát ngôn, ai mới là kẻ rỗi hơi?

Câu chuyện “con gà mái trụi lông” và sức mạnh của lời đồn đại

Câu chuyện ngụ ngôn của nước Nga kể về chuyện một con gà mái vô tình làm rơi một sợi lông đuôi, con bên cạnh nhìn thấy và thủ thỉ với con gà kế bên: “Chị gà mái không biết làm cái gì mà lại rụng lông đuôi”.

Câu chuyện cứ thế vòng quanh đến “khổ chủ”: “Này, chị biết gì không? Con gà mái ở chuồng mình đã vặt trụi cả lông để làm duyên với một chú gà trống đấy!”. Câu chuyện ngụ ý về sức mạnh lan truyền và tác hại của lời đồn đại không kiểm chứng. Giống như các câu chuyện “tam sao thất bản” ở Việt Nam từ xưa đã châm biếm rất nhiều về chủ đề này.

Nếu vận dụng câu chuyện “con gà mái trụi lông” vào câu chuyện cư dân mạng đang ném đá phát ngôn của Tến sĩ Đoàn Hương thì quả là hợp lí.

Trong bối cảnh câu chuyện với chủ đề “vạ miệng” trên một chương trình của VTV, Tiến sĩ Đoàn Hương đã nói về mặt trái của mạng xã hội Facebook, rằng ở Việt Nam chưa có văn hóa Facebook, người ta lợi dụng sự ẩn danh trên mạng xã hội để sẵn sàng thóa mạ, "ném đá" người khác, gây tổn thương cho người không quen biết một cách quá dễ dàng, và theo nghiên cứu cho thấy thì ở Việt Nam 50% người dùng facebook là kẻ vô công rỗi nghề, chứ người bận rộn thì làm gì có thời gian mà theo dõi, bình phẩm, loan tin và ném đá người khác.

Phát ngôn được đặt trong ngữ cảnh phù hợp và không hề phản cảm, nhưng ngay sau đó, một vài trang tin truyền thông đã cắt cúp câu nói và giật tít, từ đó cư dân mạng mới được dịp “dậy sóng” ném đá tiến sĩ.

Chắc rằng, chính bản thân họ không hề click vào bài báo hoặc clip có nội dung đầy đủ để xem mà chỉ nhìn thấy "tít" bài là lao vào "ném đá" hội đồng. Ngay cả những người đã xem clip vẫn phán xét bà Tiến sĩ là cực đoan, thâm chí hàng loạt người nổi tiếng dùng Facebook cũng “nóng mặt” với phát ngôn và lập tức trả đũa bằng cách mỉa mai tiến sĩ trên trang cá nhân của mình.

Khi người nổi tiếng đã phát ngôn thì đương nhiên là họ phải cân nhắc lời nói, vì họ biết sức mạnh của ngôn từ, chỉ cần sai đi một từ là ý hiểu sẽ hoàn toàn thay đổi. Tiến sĩ Đoàn Hương làm sao không hiểu câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, vì thế khi phát ngôn hẳn là bà hiểu được sức nặng trong câu nói của mình.

Tương tự thế, khi người nổi tiếng khác muốn thu hút sự chú ý của đám đông để bảo vệ quan điểm của mình, thì đương nhiên họ cũng hiểu việc họ chia sẻ câu nói “gây sốc” của tiến sĩ nhằm mục đích hạ bệ người phụ nữ này. Vì một mình họ nói sẽ khó để thuyết phục tiến sĩ phải xin lỗi nhận “sai” nên họ huy động đám đông vào cuộc để chung tay ném đá. Mục đích là gì? “Bà đã sai rồi, thưa tiến sĩ! Chúng tôi không phải là kẻ vô công rỗi nghề” – đó là câu trả lời của cư dân mạng.

Ai mới là kẻ rỗi hơi?

 Ai mới là kẻ rỗi hơi? ảnh 2

Nhưng, ơ kìa! Bà Tến sĩ kia chỉ nói 50% người dùng vô công rỗi nghề, chứ có nói 100% đâu, và bà cũng không chỉ đích danh ai mới là kẻ rỗi hơi, nhàn cư vi bất thiện, bà chỉ nói đến mặt trái của Facebook khi người ta sẵn sàng  nổi khùng lên chỉ vì một câu phát ngôn của “người dưng”, người ta sẵn sàng ném đá hội đồng một cô Hoa hậu vì dám hút thuốc lá nơi công cộng, người ta sẵn sàng bới móc quá khứ của cô tân hoa hậu chửi giáo viên để bỉ bôi, chê bai cô không xứng đáng. Người ta mượn Facebook “ảo” để thỏa mãn cái xấu đang tồn tại trong bản thân mình. Người ta sẵn sáng bớt cả chút thời gian “bận rộn” của mình để ném đá bà tiến sĩ, để chứng minh người ta không “vô công rỗi nghề”, người ta sẵn sàng mắng chửi, thóa mạ, miệt thị những người có địa vị, có danh vọng, có sự nghiệp, có trí tuệ hơn họ và người ta đỗ lỗi cho “tự do ngôn luận”.

Tiến sĩ Đoàn Hương hẳn là rất “thấm” mặt trái của facebook trong những ngày vừa qua. Nhưng, chúng ta vẫn chưa tìm ra kẻ rỗi hơi thực sự trong chuyện này, rõ ràng nữ tiến sĩ nói chỉ có 50% là vô công rỗi nghề, vậy 50% kia liệu có vì bận rộn quá mà không lên tiếng, hay họ đã tập cho mình tư duy của làng Vũ Đại “chắc chừa mình ra”, hay  chính những người đang phẫn nộ với phát ngôn của bà tiến sĩ mới chính là kẻ “vô công rỗi nghề” thật? Hoặc nữ tiến sĩ đã quá rỗi hơi khi đang yên đang lành chọc vào "ổ kiến lửa" Facebook để “tận hưởng” sự thật mà bà đã nói?