Ai điều trị bác sỹ?

ANTĐ - Trong một cuộc họp mới đây giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) lại một lần nữa bày tỏ nỗi lo âu về nguy cơ “vỡ” Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2011. Không phải người bệnh làm “vỡ” mà là do lạm dụng kê đơn thuốc, loạn giá đấu thầu thuốc, đến mức lực lượng giám định bảo hiểm cũng bó tay trước các “thủ thuật” của các bệnh viện.

Cách đây chừng một tháng, Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng do Bộ Y tế tổ chức, nhận định rằng, năm 2010 trong ngành y tế “hầu như không có vụ tham nhũng nào lớn”. Cách đây một năm rưỡi, tại một cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng, ngành y tế từng bị nhận xét là “có tham nhũng nghiêm trọng”. Thật “sửng sốt”, không lẽ môi trường y tế đột nhiên trở nên “vô trùng”, trong sạch nhanh đến vậy sao? Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT thuộc BHXH Việt Nam cho biết, qua kiểm tra việc sử dụng Quỹ Khám chữa bệnh BHYT năm 2010, hầu hết các bệnh viện hiện nay đều áp giá thuốc sát với mức trần khiến giá thuốc trong bệnh viện tăng cao, thậm chí còn cao hơn so với giá thị trường, gây thiệt hại cho người tham gia BHYT. Kết quả thanh tra trên diện rộng việc thu, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH trên toàn quốc đã được Thanh tra Chính phủ công bố.

Theo đó, tình trạng khá phổ biến thực hiện các chế độ BHYT là ký hợp đồng khám chữa bệnh, thanh toán trùng lặp, chênh lệch so với thực tế. Kê sai đơn giá số lượng thuốc, kê khống tiền thuốc, vật tư y tế, tiền khám bệnh ngoại trú, lợi dụng khám cận lâm sàng. Bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người/giường nhưng vẫn thanh toán mỗi người một giường. Đặc biệt, không “tự giác” thống kê chi phí khám chữa bệnh theo quy định với tổng số tiền vi phạm trên 647 tỷ đồng.

Kết quả giám định, thẩm định y tế của ngành BHXH tại 55 tỉnh, thành với tổng số tiền trên 114 triệu hồ sơ khám chữa bệnh đã phát hiện các bệnh viện thống kê chi phí khám chữa bệnh không đúng với số tiền phải xử lý là 571 tỷ đồng. Số tiền vi phạm qua việc đấu thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế công lập tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng lên tới trên 21 tỷ đồng. Chính người bệnh “tội nghiệp”, trừ thiểu số rủng rỉnh tiền, phải è cổ gánh lấy hậu quả trực tiếp từ giá thuốc sau khi đã cộng đủ mọi chi phí: hoa hồng cho bác sĩ, cho nhà thuốc bán được doanh số cao, cho đến các chuyến hội nghị, tham quan du lịch của lãnh đạo các bệnh viện, các bác sĩ.

Một cán bộ lãnh đạo BHXH “nói nhỏ” rằng, ông đã phải từ chối lời mời của một công ty dược nổi tiếng thế giới bao trọn gói chuyến du lịch châu Âu, kèm theo 500USD tiền mặt mua sắm. Không biết đếm được mấy người như thế? Theo Phó Tổng giám đốc BHXH, hiện nay việc đấu thầu thuốc vào bệnh viện công đang loạn giá. Cùng một hoạt chất, một tên thuốc nhưng của hai công ty, khi đấu thầu vào hai bệnh viện giá rất “vênh” nhau, thậm chí “vênh” từ 10-20%. Hơn thế, một tên thuốc gốc có nhiều loại biệt dược mà giá mỗi biệt dược khác nhau khiến cho giá mỗi loại thuốc khác nhau, cho dù tác dụng như nhau. Vì thế các bác sĩ thường dùng “thủ thuật” kê đơn có biệt dược đắt tiền để thêm hoa hồng từ các hãng dược.

Đó là chưa kể đến nạn phong bì, lót tay. Ranh giới giữa “tự nguyện” và “tham nhũng” rất mong manh hoặc có thể gọi là tham nhũng “vặt”. Nó không chỉ “đánh gục” người bệnh mà những thầy thuốc có lương tâm cũng cảm thấy nhói lòng. Đến bao giờ ngành y tế có thể chữa trị được những bệnh viện và “điều trị” những bác sĩ đang làm hỏng y đức?