70 năm hành trình "Tất thắng"

ANTĐ - “Hò dô ta nào”, “hai, ba nào”; “Hò dô ta nào”, “hai, ba nào”... Tiếng hò kéo pháo vang vọng mang theo hình ảnh và kí ức không bao giờ quên đối với chúng tôi - những cựu chiến binh “Đoàn pháo binh Tất Thắng”, một trong những đơn vị để lại nhiều dấu ấn sâu đậm và ấn tượng sâu sắc về những chiến tích hào hùng trong lịch sử chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những trung đoàn chủ lực đầu tiên, ra đời từ Cách mạng tháng Tám  năm 1945 và đồng hành cùng dân tộc, đi suốt cuộc trường chinh chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc cho đến hôm nay.
 70 năm hành trình "Tất thắng" ảnh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và khen ngợi cán bộ chiến sĩ Đại đội 806, có vinh dự bắn phát đạn trọng pháo đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. (Ảnh: tư liệu - Phòng Truyền thống Lữ đoàn 45)

Trận đánh được mang tên “Tất Thắng”

Ngày 22-8-1945, tất cả chính quyền các cấp ở Nam Định đều thuộc về tay nhân dân, các lực lượng giải phóng quân ở chiến khu Lạc Quần và lực lượng tại chỗ của thành phố Nam Định hợp nhất thành một chi đội giải phóng quân mang phiên hiệu Chi đội 19 (tương đương 1 trung đoàn), lấy ngày này làm ngày thành lập. Chi đội do đồng chí Hà Kế Tấn - xứ ủy viên Bắc Kỳ, làm Chi đội trưởng kiêm Chính trị viên.

Cuối tháng 11-1946, thực dân Pháp trắng trợn đem quân đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn. Tại Nam Định, chúng lấn chiếm thêm nhiều vị trí quan trọng như nhà băng, nhà máy nước, máy chiếu, nhà máy bia rượu, đồng thời âm mưu thâm độc đánh úp các cơ quan đầu não kháng chiến và tiêu diệt lực lượng tự vệ của ta, củng cố căn cứ của chúng trong thành phố và mở rộng dần diện chiếm đóng ra vùng ngoại thành. Trước nguy cơ và tình hình khẩn cấp nói trên, Bộ chỉ huy chiến khu 2 giao cho Trung đoàn 34 chiến đấu ở mặt trận thành phố Nam Định.

 70 năm hành trình "Tất thắng" ảnh 2

Trận địa Đại đội 804, Tiểu đoàn 2, Đoàn 5 Pháo binh quân giải phóng Bắc Quảng Trị (Trung đoàn 45) chi viện cho bộ binh đánh cao điểm 456 trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào năm 1971

Trung đoàn đã sát cánh cùng nhân dân kiên cường bám trụ chiến đấu trong thành phố Nam Định, buộc đội quân Lê dương thiện chiến phải đối phó trong vòng vây hãm liên tục 86 ngày đêm, góp phần đánh bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của giặc Pháp. Đặc biệt là trận thắng vang dội, đánh bại cuộc phản công quy mô lớn của quân Pháp gồm Thủy - Lục - Không quân đến giải vây cho lực lượng đang bị ta vây hãm trong thành phố diễn ra ác liệt suốt 2 ngày đêm 5 và 6-1-1947. Với chiến công và ý nghĩa của trận thắng lịch sử này, ngày 7-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Quốc hội và Chính phủ khen ngợi chiến công, thành tích của Trung đoàn 34 và quyết định tặng trung đoàn danh hiệu: “TRUNG ĐOÀN TẤT THẮNG”. 

 70 năm hành trình "Tất thắng" ảnh 3

Lữ đoàn 45 tham gia bơi trình diễn pháo Su 122 - pháo tự hành bắn trực tiếp

Hành trình từ “Điện Biên” đến “Sài Gòn”

Sau Chiến dịch Biên giới năm 1950 thắng lợi, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Cùng với các Đại đoàn chủ lực lần lượt ra đời, Đại đoàn Công - Pháo 351 được thành lập, trong đó có Trung đoàn bộ binh 34 được Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy chủ trương chọn đi xây dựng thành Trung đoàn trọng pháo cơ giới 105 ly. Giữa năm 1951, Trung đoàn được lệnh hành quân sang nước bạn tiếp nhận vũ khí trang bị, khí tài phương tiện chiến đấu, khẩn trương huấn luyện kỹ chiến thuật, nhanh chóng làm chủ khoa học kỹ thuật, hiệp đồng tác chiến binh chủng đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại.

Sau những ngày tháng khổ luyện chuyển binh chủng, đầu năm 1953, Trung đoàn được lệnh hành quân về nước và đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 45 Tất Thắng. Để giữ bí mật, Trung đoàn chọn phương án “tháo pháo xuôi bè” theo đường sông trên 100km, vượt nhiều thác ghềnh hiểm trở về khu tập kết an toàn “Một cuộc hành quân huyền thoại chưa từng có trong lịch sử quân sự thế giới”.

 70 năm hành trình "Tất thắng" ảnh 4

Lữ đoàn 45 Tất thắng được phong danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ đổi mới

Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, suốt 55 ngày đêm liên tục tiến công, Trung đoàn đã lập nhiều chiến công, trong đó có những trận chiến quyết định ở các đồi A1, C1, góp phần cùng với toàn mặt trận tiêu diệt tập đoàn cứ điểm, làm nên chiến thắng Điện Biên. Trong chiến tranh chống Mỹ, ngày 13-6-1967, Trung đoàn làm lễ xuất quân từ đất tổ Hùng Vương tiến quân vào mặt trận B5 - Quảng Trị, liên tiếp tham gia 4 chiến dịch lớn suốt từ 1967 đến 1973. Sau Chiến dịch Tây Nguyên, từ ngày 10 đến 15-3-1975, ngày 23-3-1975, Quân đoàn 1 nhận lệnh vào chiến trường. Lữ đoàn 45 trong đội hình Quân đoàn với ba tiểu đoàn pháo 130 ly từ Thanh Hóa tiến vào Quảng Trị, vượt Trường Sơn Tây thần tốc trên chặng đường hơn 1.700km vào tập  kết ở Đồng Xoài.

Đêm 25 rạng sáng ngày 26-4 trong đội hình Quân đoàn vượt ngầm sông Bé theo hướng Bắc cùng các Quân đoàn và Binh đoàn 232 hình thành thế bao vây: “Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn”. Cụm pháo của Lữ đoàn đã chi viện chính xác kịp thời cho Sư đoàn 312 tiến công tiêu diệt phòng tuyến Lai Khê, Bến Cát, Phước Vĩnh và đánh thẳng vào căn cứ Phú Lợi, tập kích tiêu diệt các trận địa pháo ở Phú Lợi và căn cứ hỏa lực Hoàng Hoa Thám, tiêu diệt và bắt sống hoàn toàn Sư đoàn 5 Nguỵ, đồng thời chi viện cho Sư đoàn 390 đánh địch trên tuyến Lái Thiêu, Tân Uyên, Cầu Bình Triệu, tiến thẳng vào Bộ tổng tham mưu. Đúng 9 giờ 30 phút ngày 30-4 lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” được cắm tung bay trên cột cờ Trung tâm Bộ tổng tham mưu ngụy Sài Gòn.

Giữ vững và phát huy truyền thống đơn vị

Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tháng 10-1976, Đại đội 806 và Tiểu đoàn 2 của lữ đoàn và Lữ đoàn 45 Pháo binh được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Phấn đấu trở thành đơn vị anh hùng đã khó, nhưng giữ vững danh hiệu và phát huy truyền thống đơn vị anh hùng cũng không phải dễ nhất là trong thời kì hòa bình xây dựng.

Những năm qua Lữ đoàn liên tục được Binh chủng, Bộ Quốc phòng, Đảng và Nhà nước khen thưởng với nhiều hình thức, đặc biệt ngày 22-12-2004, Lữ đoàn 45 Pháo binh Tất Thắng được Đảng và Nhà nước tuyên dương lần thứ 2 danh hiệu cao quý: “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kì đổi mới” và tháng 1-2015, Tiểu đoàn 1 thuộc lữ đoàn được phong tặng danh hiệu: “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, tô đậm thêm truyền thống “Đoàn kết - Tất Thắng, cơ động giỏi, đánh mạnh, đánh trúng, vững mạnh toàn diện” của lữ đoàn. Đoàn Pháo binh Tất Thắng anh hùng có nhiều người trở thành tướng lĩnh, doanh nhân thành đạt, có người trở thành giáo sư, tiến sĩ, thành bác sĩ, kỹ sư… đang làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp; phần lớn khác đã về với cuộc sống đời thường.