7.000 người Mỹ mắc lừa ‘siêu lừa’ người Việt bán hàng online như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với thâm niên gần 10 năm kinh doanh online, Nguyễn Duy Toản đã chỉ đạo cháu ruột cùng Trần Quốc Khánh lập 300 trang web giả mạo, rao bán khẩu trang và thiết bị y tế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn cực kỳ tinh vi.

Như tin An ninh Thủ đô đã đưa, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng CAQ Hoàng Mai vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ ổ nhóm đối tượng người Việt, lập các trang web giả rao bán khẩu trang, nước rửa tay để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 7.000 bị hại tại nước Mỹ.

Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết, những người bị lừa ở 50 bang của Mỹ đã đặt mua nước rửa tay khô và khăn ướt diệt khuẩn từ các website có nguồn gốc từ Việt Nam. Họ đã chuyển tiền cho bên bán nhưng không nhận được sản phẩm.

"Siêu lừa" Nguyễn Duy Toản

"Siêu lừa" Nguyễn Duy Toản

Theo đơn kiện của các nạn nhân, các nghi phạm đã điều hành hơn 300 trang web với mục đích lừa đảo bán các sản phẩm khan hiếm trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Họ đã tạo ra hàng trăm tài khoản e-mail tài khoản người dùng với phương thức thanh toán tại Mỹ nhằm thực hiện hoạt động lừa đảo và để trốn tránh cơ quan thực thi pháp luật. Họ đồng thời cung cấp thông tin sai lệch về địa chỉ và số điện thoại liên lạc lên trang web, dẫn đến hiểu lầm cho cá nhân và doanh nghiệp không liên quan đến vụ việc phải nhận các cuộc gọi phản ánh và than phiền từ khách hàng phát sinh do hoạt động lừa đảo này.

Giới chức thành phố Tampa , bang Florida bắt đầu tiến hành điều tra vào tháng 3-2020. Sau đó, các điều tra viên của Văn phòng Cục Điều tra An ninh nội địa Mỹ thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ phát hiện hàng chục nghìn giao dịch lừa đảo trị giá khoảng 200.000 USD. Văn phòng Cục Điều tra An ninh nội địa Mỹ tại TP.HCM đã chuyển thông tin cho Bộ Công an Việt Nam.

Phan Khánh Thư, cháu ruột của Toản cũng tham gia vào ổ nhóm lừa đảo xuyên quốc gia

Phan Khánh Thư, cháu ruột của Toản cũng tham gia vào ổ nhóm lừa đảo xuyên quốc gia

Quá trình điều tra, các trinh sát Đội 6, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và CAQ Hoàng Mai đã xác định đối tượng cầm đầu là Nguyễn Duy Toản (SN 1987) trú tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Toản cùng vợ thuê 2 căn hộ tại khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Một căn phòng để gia đình sinh hoạt, căn phòng còn lại Toản cho lắp hệ thống máy tính, sử dụng phần mềm hiện đại để lập các trang web giả mạo để lừa đảo.

Tháng 2-2020, Toản rủ Phan Đình Thư (SN 1998) là cháu ruột, hiện là sinh viên một trường chuyên về công nghệ thông tin về làm thuê cho mình. Toản nhận thấy tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ bùng phát nên người dân có nhu cầu mua những sản phẩm khẩu trang, nước rửa tay, giấy vệ sinh nhưng nguồn cung không đáp ứng được.

Với thâm niên nhiều năm bán hàng online, đã từng bán cung cấp hàng hóa cho thị trường Mỹ, Toản biết được những kẽ hở của giao dịch thương mại điện tử. Toản đã thuê Trần Quốc Khánh (SN 1984) trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội cùng làm.

Toản đã chỉ dẫn Khánh, Thư tạo lập 321 trang web như: uggone.best; habaktee.best; kidsplazas.com; miomart.best; galaxymart.com; goodytmart.site... để quảng cáo bán hàng mặc dù không có khả năng cung cấp sản phẩm. Đồng thời, Toản cũng chỉ đạo Khánh, Thư lập hàng trăm tài khoản ví Paypal với mục đích để tự liên kết với các website của mình.

Về các sản phẩm trên website, Toản hướng dẫn và phân công cho Thư, Khánh sử dụng công cụ sao chép hình ảnh, thông tin sản từ các website www.wallmart.com và www.bestbuy.com để nhập nội dung cho website mình.

Để tạo sự tin tưởng cho người mua hàng, các đối tượng còn gắn thông tin liên hệ bằng các địa chỉ, số điện thoại ảo tại Mỹ lên trên giao diện website. Sau khi kiểm tra tình trạng vận hành của website ổn định, Khánh liên kết tài khoản quảng cáo (Google Shopping) vào website thương mại điện tử mới để tăng khả năng tiếp cận người dùng.

Toản đã cho lắp 7 chiếc máy tính cá nhân trong căn hộ đi thuê để thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Toản đã cho lắp 7 chiếc máy tính cá nhân trong căn hộ đi thuê để thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Sở dĩ Toản chỉ đạo Khánh, Thư phải lập nhiều trang web như vậy là do biết ở Mỹ nếu trang web bán hàng lừa đảo sẽ bị cảnh báo và sẽ bị khóa nên Toản đã lập nhiều trang web để việc “kinh doanh” của mình không bị gián đoạn. Theo tài liệu của cơ quan công an Việt Nam, trong số hơn 300 web do Toản lập, chỉ có 1/3 bị bị cơ quan chức năng phía Mỹ khóa, dừng hoạt động, chứng tỏ sự tinh ranh của “siêu lừa” khi lường trước tình hình.