Siêu dự án 1 tỷ đô chạy dọc sông Hồng:

6 thủy điện trên sông Hồng nằm ngoài quy hoạch!

ANTĐ - Trong khi Bộ Xây dựng và một bố bộ ngành khác khẳng định, đề xuất xây dựng 6 nhà máy thủy điện quy mô nhỏ trên sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện, Ninh Bình chưa có trong quy hoạch. Một số chuyên gia hàng đầu về thủy lợi cũng lo ngại việc này  sẽ gây ảnh hưởng lớn đến lưu vực sông này.

Bày tỏ quan điểm về chủ trương Dự giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức Hợp đồng BOO của Công ty TNHH Xuân Thiện, Bộ NN&PTNT cho rằng, phải làm rõ tác động của dự án đến ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, bồi lắng trước công trình, xói sau công trình, an toàn hệ thống đê điều, tiêu thoát nước, lấy nước của hệ thống công trình thủy lợi hai bên bờ sông; tác động đến mất cân bằng bùn cát vùng hạ du do lượng bùn cát giữ lại khi có công trình; tác động đến mất đất nông nghiệp, đất rừng, di dân tái định cư khi xây dựng công trình. Ngoài ra, dự án còn phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông, quy hoạch phát triển điện lực.
Còn đại diện Bộ Xây dựng cho biết, các nhà máy thủy điện thuộc Dự án dự kiến đầu tư chưa có trong Quy hoạch phát triển diện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

                       ​Thủy điện trên sông Hồng không có trong quy hoạch 

Bên cạnh đó, việc xây đựng đập dâng nước và âu tàu kết họp nhà máy thủy điện có nhiều tác động đến môi trường, dòng chảy, hệ sinh thái bên bờ sông Hồng, ảnh hưởng trực tiếp đến thủy lợi, tiêu thoát lũ... Vì vậy, cần đề ra các phương án giải quyết những phát sinh thực tế, đảm bảo quyền lọi cho địa phương trong phạm vi dự án và quyền lợi của nhà đầu tư.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá, phạm vi và quy mô dự án rất lớn và phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực và các địa phương. Tuy nhiên, do dự án chưa có trong các quy hoạch chuyên ngành liên quan như: điều chỉnh bổ sung quy hoạch giao thông vận tải đường thủy nội địa, quy hoạch thủy lợi, tiêu thoát lũ, sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng, quy hoạch phòng chống lũ và đê điều, nhu cầu sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất, các dự án thủy điện chưa được phê duyệt quy hoạch bậc thang phát triến thủy điện trên sông Hồng.

Vì vậy, đề nghị chủ đầu tư cần hoàn thiện hồ sơ bổ sung, hiệu chỉnh quy hoạch ngành có liên quan và trình cấp có thẩm quyền xem xét khả năng bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành theo quy định.

Trong khi đó, các chuyên gia thủy lợi hàng đầu Việt Nam cũng cho rằng, cần thật cẩn trọng và không nên "động" vào sông Hồng.

Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, GS. TS Vũ Trọng Hồng bày tỏ,  tôi cho rằng nếu động vào sông Hồng, nhiều vấn đề quan trọng chưa chắc các nhà khoa học đã tính được. Trước đây, để tính những diễn biến của dòng sông cổ này khi làm thủy điện Hòa Bình, người ta đã phải lập chương trình để chạy, xem thử việc làm thủy điện Hòa Bình thì dòng sông Hồng có bị thay đổi độ dốc không.

Đến khi có kết luận độ dốc không thay đổi mới làm nhưng bây giờ thì sông Hồng đã dốc rồi. Bộ NN&PTNT đã lên tiếng lòng sông tụt xuống 1m .

Như vậy, nếu chúng ta làm tiếp mấy cái đập nữa, lòng sông sẽ tụt xuống bao nhiêu? Khi lòng sông tụt xuống, hai bên bờ bị phá, cửa sông bị phá, nước biển xâm lấn vào thì xâm nhập mặn sẽ tác động tới cả vùng đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định, hậu quả là khôn lường.

"Tôi cho rằng đừng đặt câu hỏi về cái lợi hôm nay mà phải đặt những câu hỏi về cái mất để tính cho cả trăm năm sau.

Bài học đã có rồi, đó là khi Trung Quốc làm thủy điện ở thượng nguồn thì chúng ta đã khổ vì phụ thuộc nguồn nước rồi. Nếu bây giờ chính chúng ta lại làm thủy điện, chắc khó lường được các hậu quả xảy ra", GS Vũ Trọng Hồng cho biết.

Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam Phạm Hồng Giang cũng cho rằng, việc làm các đập thủy điện trên sông Hồng sẽ gây ngập lụt diện rộng, bài toán này cần được tính đến. Đặc biệt, nếu xây đến 6 nhà máy thủy điện thì lượng phù sa về đồng bằng sông Hồng sẽ cạn kiệt.