52% người dùng sợ lộ lọt thông tin cá nhân khi mua sắm trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Việc liên tục bị “cuộc gọi rác”, “tin nhắn rác” đòi nợ, mời chào tìm kiếm công việc… do bị lộ lọt số điện thoại, thông tin cá nhân là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người ngại mua sắm trực tuyến.
  1. Người tiêu dùng ngại lộ lọt thông tin khi mua hàng online

    Người tiêu dùng ngại lộ lọt thông tin khi mua hàng online

Là một trong những người “ngại” mua sắm trực tuyến, anh Nguyễn Hoàng Hải (Nam Từ Liêm- Hà Nội) cho biết: “Có vài lần tôi thử đặt mua đồ gia dụng trên mạng nhưng thấy sau đó, cuộc gọi mời chào mua bán SIM số, bất động sản nhiều hơn. Tôi nghĩ thông tin về số điện thoại của mình đã bị lộ lọt khi mua hàng online ”.

Anh Hoàng Hải cũng cho biết thêm, anh còn nhận được cả các cuộc gọi mạo danh cảnh sát giao thông, họ đọc vanh vách số điện thoại, họ tên, ngày tháng năm sinh của anh để yêu cầu nộp phạt. “Tôi cũng đã biết và cảnh giác trước những cuộc gọi này, nhưng nói chung lộ lọt thông tin cá nhân rất phiền phức”- anh Hoàng Hải nói.

Cùng chung nhận định này, chị Nguyễn Quỳnh Anh (Cầu Giấy- Hà Nội) cho hay, chị bị “dội bom” cuộc gọi rác khi “trót” bình luận vào một nội dung bán hàng livestream trên mạng xã hội bằng cách ghi số điện thoại trực tiếp để người bán hàng gọi lại. “Việc mua hàng mà công khai số điện thoại trên mạng gây ra nhiều phiền phức. Tôi cũng ngại mua hàng online vì thế”- chị Quỳnh Anh nói.

Mua sắm trực tuyến gần như “bùng nổ” tại Việt Nam trong thời gian đại dịch do người bán, người mua không phải tiếp xúc trực tiếp. Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD trong năm ngoái khi đại dịch đang bùng phát.

Tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong 5 năm gần đây, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đã liên tục tăng, từ mức doanh thu 6,2 tỷ USD vào năm 2017 lên 10,08 tỷ USD vào năm 2020 và đạt 13,7 tỷ USD trong năm 2021. Dự báo, năm 2022, tổng doanh thu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam sẽ đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 20% so với năm ngoái.

Số lượng người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến cũng tăng qua các năm, từ con số khoảng 33,6 triệu người trong năm 2017 lên đạt 54,6 triệu người vào năm 2021 và dự báo năm nay sẽ đạt từ 57 - 60 triệu người. Giá trị mua sắm trực tuyến của 1 người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 là 251 USD và có khả năng đạt 260 - 285 USD trong năm 2022.

Dù vậy, tỷ lệ người tiêu dùng “ngại” mua sắm trực tuyến do lộ lọt thông tin khá cao. Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy có 52% người được khảo sát lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ. Lý do này hiện chỉ đứng sau lo ngại về chất lượng hàng hóa không như quảng cáo, cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ thông tin cá nhân người dùng.

Cũng theo Sách trắng, 25% người tiêu dùng muốn được bảo mật thông tin cá nhân và 29% người được khảo sát chưa mua hàng trực tuyến là do sợ lộ thông tin.Trong khảo sát tương tự được công bố năm 2021, top 3 trở ngại với người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến lần lượt là: giá; chất lượng kém so với quảng cáo; lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ.

Mới đây, 7 doanh nghiệp viễn thông đã ký cam kết cùng nhau chặn cuộc gọi, tin nhắn “rác”. Được biết, một số nhà mạng đã gửi tin nhắn đến khách hàng để mong nhận được phản ánh về cuộc gọi rác, làm căn cứ để nhà mạng xử lý.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng mở tổng đài 5656, website để tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi, tin nhắn rác nhưng theo phản ánh của nhiều người dùng, họ chưa được tin nhắn nào từ nhà mạng, cũng như không nhận được phản hồi khi gửi ý kiến đến tổng đài 5656. Trong khi đó, cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn tiếp tục quấy nhiễu người dùng.