50.000 tỷ đồng cho bất động sản: Ý nghĩa về mặt tinh thần

ANTĐ - Trước tình trạng thiếu minh bạch về nguồn tiền mà các chủ đầu tư dành cho dự án khiến không ít người mua nhà, đơn vị xây dựng, đơn vị cung cấp vật liệu lo lắng thấp thỏm, gói tín dụng hỗ trợ thị trường bất động sản lên tới 50.000 tỷ đồng với mô hình liên kết 4 nhà đang trở thành tâm điểm chú ý. 

Gói cam kết tín dụng 50.000 tỷ đồng được hy vọng tạo niềm tin cho thị trường

Liên kết 4 nhà

Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh vừa chính thức giới thiệu gói tín dụng hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản trị giá 50.000 tỷ đồng. Gói tín dụng này sẽ được các ngân hàng triển khai thông qua chuỗi liên kết 4 nhà gồm ngân hàng – chủ đầu tư – nhà thầu cung ứng và sản xuất vật liệu xây dựng – người mua nhà. Theo đó, sẽ có 10 ngân hàng góp vốn, ngoài VNCB, còn có 9 ngân hàng bao gồm: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Sacombank, ACB, MD Bank, LienVietPostBank, Oceanbank. Sự ra đời của gói tín dụng này được kỳ vọng sẽ là giải pháp cho việc khơi thông hàng hóa và kích cầu sản xuất ngành xây dựng, là cơ sở để tín dụng và các công cụ tài chính được sử dụng tối ưu. Đại diện VNCB cho biết, ngân hàng này sẽ đóng vai trò tổ chức cho các ngân hàng người bán, cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, Tập đoàn Thiên Thanh sẽ là nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng, chủ trì xây dựng Sàn kinh doanh vật liệu xây dựng đầu tiên trên cả nước, nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu vật liệu xây dựng là các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất vật liệu.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho rằng, đề xuất này không chỉ giúp minh bạch thị trường mà còn đem lại lợi ích cho nhiều bên. Trước đây, việc minh bạch nguồn vốn dành cho dự án thông qua ngân hàng cũng đã được một số chủ đầu tư áp dụng. Tuy nhiên đây là biện pháp nhằm cứu vãn những dự án chậm tiến độ khiến người mua nhà thiếu tin tưởng để tiếp tục đóng tiền cho chủ đầu tư. 

Tạo niềm tin thị trường

Liên kết giữa 4 nhà sẽ giúp tránh tình trạng chủ đầu tư lấy lý do thiếu vốn để thoái thác trách nhiệm hoàn thành dự án. Cùng với cam kết về tiến độ thì người mua nhà sẽ yên tâm hơn khi bỏ tiền. Tâm lý lo lắng khi tiền đóng vào dự án nhưng không biết khi nào mới được nhận nhà cũng sẽ được xóa bỏ. Nhà thầu cung ứng vật liệu xây dựng cũng yên tâm không lo chủ đầu tư “chạy làng”. Như vậy có thể thấy, nếu gói tín dụng này được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích như giải phóng hàng tồn kho bất động sản, tồn kho vật liệu xây dựng và quan trọng nhất là nhen nhóm lại niềm tin cho thị trường. Theo các chuyên gia, để tránh tình trạng lợi ích nhóm nên cho phép các chủ đầu tư có thể mua vật tư của bất kể nhà cung cấp nào nhưng thông qua ngân hàng thay cho việc phải thông qua nhà tổ chức cung ứng vật liệu là Tập đoàn Thiên Thanh. 

Cũng có những ý kiến cho rằng gói tín dụng nghe thì to nhưng thực chất cũng chỉ là cam kết của các ngân hàng chứ không phải là một gói tín dụng cụ thể. Để nguồn tiền thực chất đi vào thị trường là cả một vấn đề. TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng chia sẻ: “Nếu như có dòng vốn thực 50.000 tỷ đồng đổ vào bất động sản mới là thông tin cần nhất. Còn 50.000 tỷ đồng nói trên mới chỉ là cam kết”.  Đại diện VNCB cũng cho rằng, khoản tín dụng trị giá 50.000 tỷ đồng này sẽ có ý nghĩa về mặt tinh thần nhiều hơn là giá trị thực tế đối với những chủ đầu tư hay người mua nhà. Khoản tín dụng 50.000 tỷ đồng cho bất động sản là hoàn toàn không mới, khi từ đầu năm 2014 đến nay, một số ngân hàng đã triển khai gói vay ưu đãi cho thị trường này.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Về điều kiện vay vốn của gói 50.000 tỷ đồng (nếu có), vẫn phải tuân thủ theo điều kiện bình thường. Đây là sản phẩm để quản lý dòng tiền, tạo niềm tin thị trường, chứ không phải là gói tín dụng ưu đãi lãi suất hay được ân hạn bất thường”.

Như vậy có thể khẳng định rằng, đây chỉ là “gói tín dụng liên kết” giữa các ngân hàng, dòng tiền mà các ngân hàng tham gia thực chất vẫn là phần tín dụng được phép dành riêng cho lĩnh vực phi sản xuất (chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng…).