5 bệnh nhân nguy kịch vì ăn phải nấm độc

ANTĐ - Chiều 9-3, Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cùng lúc 5 bệnh nhân nguy kịch do ngộ độc nấm rừng. Đây là 5 ca ngộ độc nấm đầu tiên trong năm 2014 và cả 5 trường hợp đều là người ở miền núi, hoàn cảnh hết sức khó khăn.

TS Nguyễn Kim Sơn chăm sóc cho bệnh nhân Triệu Nho Phú

Cung cấp thông tin cho Báo ANTĐ ngày 10-3, TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 5 bệnh nhân nói trên thuộc 3 gia đình ở xã Liên Minh (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), gồm: vợ chồng bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi) và ông Triệu Nho Phú (57 tuổi); chị Lý Thị Thơm (35 tuổi) cùng con trai là bé Lý Minh Khôi (13 tuổi); bé Lý Thị Thủy (cháu chị Thơm). Cả 5 nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, với các triệu chứng giống nhau như tụt huyết áp, trụy mạch, tiêu chảy nhiều, mất nước, men gan tăng cao. Trong đó, nặng nhất là bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi), lúc nhập viện huyết áp tụt xuống chỉ còn 60/40, mạch không bắt được, nếu chỉ nhập viện chậm ít phút thì có thể tử vong. 

Theo lời kể của gia đình các bệnh nhân, vợ chồng ông bà Vũ Thị Hồi và Triệu Nho Phú sống biệt lập trong rừng sâu hàng chục năm nay, cách khu dân cư của xã đến 7-8 cây số. Sáng 8-3, mẹ con chị Thơm và cháu Thủy vào rừng hái nấm, buổi trưa đem số nấm hái được (khoảng 1,5kg loại nấm tán trắng, cuống có bầu) vào nhà bà Hồi nấu canh rồi 5 người cùng ăn. Đến 3h sáng 9-3 (khoảng 15 giờ sau khi ăn nấm độc), mẹ con chị Thơm và cháu Thủy bắt đầu xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy, được đưa vào điều trị tại BV huyện Võ Nhai. Riêng ông bà Vũ Thị Hồi và Triệu Nho Phú thì triệu chứng ngộ độc xuất hiện muộn hơn, khoảng 6h sáng 9-3 nhưng không đi viện, cơ quan chức năng ở xã phải vào tận nơi đưa đi. Do tình trạng ngộ độc của 5 bệnh nhân tiến triển nặng nên được chuyển xuống BV đa khoa Thái Nguyên và tiếp tục chuyển xuống Trung tâm Chống độc.

PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, với ngộ độc nấm, nếu các triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm, trước 6 tiếng kể từ khi ăn nấm thì thông thường là ngộ độc nhẹ vì loại nấm có độc tính không cao, có thể chữa khỏi tại tuyến dưới. Ngược lại, nếu các triệu chứng ngộ độc xuất hiện muộn, sau 6 tiếng kể từ khi ăn thì bao giờ cũng là ngộ độc nặng, loại nấm gây ngộ độc có độc tính cao, có thể gây suy gan, suy thận, tử vong. Trong khi đó, cả 5 ca ngộ độc vừa nhập viện nói trên đều có biểu hiện ngộ độc rất muộn, sau khi ăn hơn 15 tiếng, đặc biệt 2 bệnh nhân còn nhập viện muộn nên tình trạng hết sức nguy kịch. Hiện tại, sau một ngày điều trị tại Trung tâm Chống độc, cả 5 bệnh nhân đều có men gan tăng cao gấp 2-3 lần so với ngày trước đó, các tế bào gan bị phá hủy nặng nề. Tiên lượng men gan sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn trong vài ngày tới.

Là người trực tiếp điều trị cho 5 bệnh nhân, TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu men gan của các bệnh nhân tiếp tục tăng như vậy thì sẽ dẫn đến nguy cơ bị suy gan, suy thận và khả năng các bệnh nhân phải lọc máu liên tục. Việc lọc máu rất tốn kém bởi mỗi lần lọc máu hết 10 triệu đồng, chi phí cho cả đợt điều trị của mỗi bệnh nhân sẽ lên đến hàng trăm triệu đồng. Đó sẽ là bài toán rất khó cho việc cứu sống các bệnh nhân này, bởi họ đều là người dân tộc thiểu số (dân tộc Dao), hoàn cảnh hết sức khó khăn. “Do các bệnh nhân là người miền núi nên từ khi vào viện đến nay, Trung tâm chỉ yêu cầu mỗi gia đình đóng ký quỹ 1 triệu đồng nhưng họ cũng không có nộp. Thậm chí trường hợp của vợ chồng bà Hồi, lúc đầu khi bị ngộ độc vẫn cố ở nhà không chịu đi bệnh viện, hỏi ra mới biết là họ không có tiền đi viện” – TS Sơn chia sẻ.

Khó phân biệt nấm lành hay độc

 Liên quan đến vụ ngộ độc nấm thương tâm này, chiều 10-3, đại diện Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã đến nắm tình hình về công tác điều trị cho 5 bệnh nhân. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, cứ vào mùa xuân, số vụ ngộ độc thực phẩm do nấm độc lại tăng đột biến do đây là thời điểm các loại nấm rừng phát triển mạnh. Chỉ riêng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, năm nào cũng có hàng chục vụ ngộ độc nấm xảy ra trong mùa xuân, với nhiều trường hợp tử vong. Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không hái nấm dại về ăn khi chưa biết chắc được đó là nấm lành hay nấm độc, thực tế cũng rất khó để phân biệt được các loại nấm lành hay độc bằng mắt thường.