44,3% người nội thành Hà Nội thừa cholesterol
(ANTĐ) - Những thay đổi trong lối sống và thói quen sinh hoạt hàng ngày như hút thuốc lá, ăn ngoài gia đình, ăn nhiều thịt, ít vận động… đang khiến cho số người béo phì ở các thành thị gia tăng nhanh, kéo theo đó là tình trạng cholesterol cao là nguy cơ của hàng loạt bệnh nguy hiểm.
Chủ yếu do khẩu phần ăn
Tại hội thảo “Báo động tình trạng cholesterol cao ở người Việt Nam và giải pháp dự phòng”, do Hội Tim mạch Việt Nam tổ chức ngày 15-11, PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, điều tra mới đây nhất của viện trên 4.800 người tại 4 vùng sinh thái trong cả nước cho thấy, bình quân tỷ lệ người Việt Nam có lượng
cholesterol cao là 29,1% và đang tiếp tục tăng nhanh ở tất cả các vùng miền. Liên quan mật thiết với tình trạng này là tỷ lệ người béo phì trên cả nước cũng gia tăng báo động với mức tăng trung bình là 2%/năm. Cụ thể, nếu đo béo phì theo chỉ số BMI lớn hơn hoặc bằng 25 thì tỷ lệ mắc béo phì ở các đô thị nước ta hiện đã lên đến 26%. Đặc biệt, tỷ lệ vòng eo cao của người dân nước ta đã lên đến 12,2%, trong khi theo khuyến cáo thì người có vòng eo lớn có nguy cơ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa lipit máu gấp 19 lần người có vòng eo bình thường.
Ở khu vực đô thị, tỷ lệ người béo phì, thừa cholesterol cao hơn hẳn các vùng nông thôn, duyên hải, miền núi. Khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia tại nhiều phường nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ người có cholesterol cao lên đến 44,3%, nghĩa là trung bình cứ gần 2 người ở thành thị lại có 1 người thừa cholesterol, thậm chí ở nhóm từ 60 tuổi trở lên tỷ lệ này là trên 63%. Bà Mai cho biết, ở Hà Nội và các đô thị khác, sự gia tăng tình trạng
Người béo phì, thừa cholesterol có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao |
cholesterol cao, tăng rối loạn mỡ máu có liên quan nhiều đến khẩu phần ăn, trong đó tính riêng thực phẩm thì 41,8% chất mỡ đến do ăn thịt, phần nhỏ hơn đến từ trứng, sữa. Lượng lipit thực vật ở những người thừa cholesterol chủ yếu đến từ đồ ăn sẵn (khoảng 4%) và những người có thói quen ăn ngoài gia đình có nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa lipit máu cao gấp 2 lần người thường xuyên ăn cơm tại gia đình. Bà Mai khẳng định, lượng khẩu phần ăn đầu vào có lipit cao chắc chắn dẫn đến cholesterol cao.
Về nguyên nhân, những người có thói quen hút thuốc, uống rượu bia nhiều, ăn nhiều chất đạm có nguy cơ mắc béo phì, thừa cholesterol cao. Nhiều người cho rằng sử dụng các loại dầu ăn thay cho mỡ nấu nướng thức ăn sẽ tránh được tình trạng cholesterol cao, song trên thực tế việc này chỉ cải thiện được rối loạn mỡ máu chứ không cải thiện được tình trạng cholesterol có lợi.
Tăng nguy cơ bệnh tim mạch
GS.TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, những người có cholesterol cao dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch rất lớn.
Cholesterol là một dạng chất béo do gan sản xuất ra và dung nạp qua chế độ ăn uống. Khi dư thừa cholesterol trong máu (lượng cholesterol cao hơn ngưỡng an toàn) rất nguy hiểm, đặc biệt là dư thừa cholesterol LDLC (còn gọi là cholesterol xấu). GS. Khải phân tích, việc tích tụ cholesterol làm hẹp động mạch và khiến cho máu đi qua khó khăn hơn, làm giảm lượng máu tới mô cơ thể, bao gồm cả tim. Vì thế, cholesterol cao là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch, đặc biệt dẫn đến các chứng xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não. Thậm chí, cholesterol cao còn có nguy cơ gây ra các bệnh về sỏi túi mật, đái tháo đường..., làm giảm chất lượng sống của người trung niên và cao tuổi.
PGS.TS Lê Bạch Mai khuyến cáo, để phòng dư thừa cholesterol trong cơ thể, mọi người dân cần thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng cho phù hợp, bao gồm: tăng cường các hoạt động thể lực, kiểm soát cân nặng, bỏ thói quen sử dụng thuốc lá, xây dựng một chế độ ăn uống giúp giảm cholesterol như tăng cường các loại rau xanh và trái cây trong khẩu phần ăn hàng ngày, giảm đồ ăn ngọt, giảm ăn thịt động vật, thực phẩm chiên xào và các thực phẩm chế biến sẵn. Theo bà Mai, hiện người dân nước ta vẫn ăn quá ít rau xanh trong mỗi bữa ăn hàng ngày, trung bình mới chỉ đạt 200 gam rau xanh/người/ngày, trong khi các nghiên cứu đã chứng minh rằng những người thường xuyên ăn trên 400 gam rau xanh mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa mỡ máu 2 lần. Người đã có cholesterol cao nên dùng dầu màng gạo trong bữa ăn hàng ngày để ngăn chặn ruột hấp thụ cholesterol.
Nguyễn Phan