3 tướng Nhật tuyên bố chiến hạm Trung Quốc chỉ làm “bia ngắm bắn”

ANTĐ - Vừa qua, 3 vị tướng về hưu Nhật Bản đã cùng viết một cuốn sách, trong đó cho rằng, sự phát triển của hải quân Trung Quốc chỉ nặng về “lượng” mà không có “chất”, một khi chiến sự xảy ra, chiến hạm của Trung Quốc dễ dàng trở thành “bia ngắm bắn” của lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản.

Tờ “South China Morning Post” của Hồng Kông cho biết, cuộc chạy đua quân bị trên biển của Bắc Kinh đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các quan chức và chuyên gia quân sự trên thế giới. Bàn về vấn đề này, 3 vị tướng lĩnh về hưu Nhật Bản đã hợp tác viết cuốn sách “Trung - Nhật sẽ bùng phát hải chiến? - Đối sách của Nhật ngăn chặn bước chân Trung Quốc trên biển”.

Trong cuốn sách này, các ông Natsukawa Kazuya, Toshihiko Ôoka và Nobuharu Yasui chỉ ra, thực lực của hải quân Trung Quốc và lực lượng tự vệ trên biển của Nhật Bản hơn kém nhau rất xa, xét về cán cân lực lượng, hải quân Trung Quốc không đủ khả năng “xâm lược” được Nhật Bản. Cuốn sách viết: “Nói một cách đơn giản, kể cả Trung Quốc có tàu ngầm hạt nhân và hàng không mẫu hạm, một khi chiến tranh xảy ra, chúng sẽ là những mục tiêu tấn công tuyệt vời của hải quân Nhật - Mỹ”.

3 tướng Nhật tuyên bố chiến hạm Trung Quốc chỉ làm “bia ngắm bắn” ảnh 1

Các tướng lĩnh nghỉ hưu Nhật Bản cho rằng cán cân lực lượng đang nghiêng về Mỹ-Nhật

3 vị đồng tác giả đã chỉ ra, vì công nghệ radar, sonar trinh sát và thông tin liên lạc trên các tàu ngầm và tàu mặt nước Trung Quốc kém xa Nhật nên một khi xảy ra hải chiến, Nhật sẽ làm cho chúng không có cách nào gửi được thông tin về Bộ tư lệnh làm cho các chỉ huy chiến trường Trung Quốc bị “mù” về thông tin chiến trường, không thể đưa ra các chỉ đạo chiến thuật, bỏ lỡ thời cơ tiến công. Khi đó chiến hạm và tàu ngầm Trung Quốc sẽ biến thành bia tập bắn cho tàu chiến và máy bay săn ngầm Nhật Bản.

Ông Natsukawa Kazuya nhận xét, trong phát triển năng lực tác chiến, Trung Quốc đã quá coi trọng chạy theo số lượng, chả khác gì ngày xưa nhà Thanh sắm 2 thiết giáp hạm cực lớn “Định Viễn” và “Trấn Viễn”, chỉ được cái mẽ ngoài nhưng trong rỗng tuếch, thất bại vẫn hoàn thất bại. Ngày nay, Trung Quốc cũng ồ ạt đầu tư ngân sách cực lớn để tăng cường quân lực, tuy nhiên cũng chỉ là như “xây lâu đài không khí” mà thôi.

3 tướng Nhật tuyên bố chiến hạm Trung Quốc chỉ làm “bia ngắm bắn” ảnh 2

Thiết giáp hạm khổng lồ Định Viễn chụp năm 1884, đang chờ bàn giao tại Đức

Để hiểu được ý của ông Natsukawa Kazuya, chúng ta cần ngược về quá khứ, cách đây 2 thế kỷ. Vào năm 1881, đại thần Lý Hồng Chương của nhà Thanh đã đặt mua 2 thiết giáp hạm khổng lồ lớp Sachsen của Đức là “Định Viễn” và “Trấn Viễn” cho hạm đội Bắc Dương. 2 tàu này có lượng giãn nước hơn 7300 tấn, lớn hơn rất nhiều so với các chiến hạm lớn nhất của Nhật chỉ khoảng hơn 2000 tấn, ngoài ra nhà Thanh cũng mua rất nhiều chiến hạm hàng nghìn tấn khác, biến Hạm đội Bắc Dương thành lực lượng hải quân lớn thứ 8 trên thế giới.

Lúc đó, Trung Quốc đã thị uy, có nhiều hành động thách thức Nhật và quyền lợi của Nhật trên bán đảo Triều Tiên làm người Nhật nổi giận và nuôi chí phục thù. Trải qua hơn 10 năm cách tân đất nước và học tập mô hình quân đội, đặc biệt là hải quân của Anh, năm 1894, Nhật đã đánh bại quân nhà Thanh cả trên biển lẫn trên đất liền, tiêu diệt hoàn toàn hạm đội Bắc Dương. Nhà Thanh đã phải ngậm ngùi ký hiệp định đình chiến Shimonoseki (Hòa ước Mã Quan) năm 1895.

3 tướng Nhật tuyên bố chiến hạm Trung Quốc chỉ làm “bia ngắm bắn” ảnh 3

Các quan chức quân sự Nhật-Mỹ cho rằng Trung Quốc mới chỉ phát triển về
“lượng” chứ chưa có thực chất

Với hòa ước này, nhà Thanh phải cắt bán đảo Liêu Đông và bồi thường chiến phí cho Nhật 510 triệu Yên (lúc đó tương đương hơn 6 lần GDP 1 năm của Nhật). Số tiền này đã được Nhật sử dụng để đẩy mạnh kinh tế, phát triển khoa học công nghệ để vài thập kỷ sau họ đã trở thành một cường quốc trên thế giới, thiết giáp hạm Trấn Viễn còn sống sót sau hải chiến cũng bị Nhật thu về sử dụng. Cuộc chiến Thanh-Nhật lần thứ nhất này chính là điểm khởi nguồn cho mối “thâm thù đại hận” giữa 2 quốc gia kéo dài cho đến ngày nay.

Trong cuốn sách còn trích dẫn phân tích của ông Edward Luttwak - chuyên viên cao cấp thuộc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Mỹ trên tờ “Wall Street Journal” là Mỹ đã có lịch sử vài chục năm nghiên cứu phát triển vũ khí chống hạm và hệ thống chỉ huy tác chiến hải quân. So với quá trình phát triển kiểu “đi tắt, đón đầu” của Trung Quốc trong vòng hơn 5 năm qua thì quả thực những chiến hạm của Trung Quốc chỉ là mồi ngon cho tàu ngầm tấn công và tàu sân bay Mỹ.

3 tướng Nhật tuyên bố chiến hạm Trung Quốc chỉ làm “bia ngắm bắn” ảnh 4

Chiến hạm Trung Quốc sẽ trở thành “mồi ngon” cho máy bay săn ngầm và chiến hạm Mỹ-Nhật?

Về vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cũng đưa ra bình luận “phản pháo”. Ông cho rằng, những luận điểm trong cuốn sách này và quan điểm của giới chức quân sự Mỹ phản ánh một bộ phận tướng lĩnh nghỉ hưu Nhật Bản đã bắt đầu đi vào chủ nghĩa quân phiệt, châm ngòi chiến tranh, phá hoại hòa bình trong khu vực đông Á.

Ông Lý Kiệt còn nhận xét, về vấn đề so sánh tương quan quân lực Trung - Nhật, mấy vị tướng lĩnh về hưu Nhật chỉ cuồng ngôn, không ngại xấu hổ nhằm khơi dậy chủ nghĩa quân phiệt Nhật, đẩy con đường phát triển công nghệ quân sự và xây dựng quân đội Nhật đi vào vết xe đổ giống đế quốc Nhật Bản trước đây.