Tiến độ thi công cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vẫn chưa khởi sắc
Chưa hẹn ngày hoàn thiện
Vào cuối tháng 10 vừa qua, Ban quản lý dự án 2 (PMU 2) - đại diện chủ đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới) - đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về việc thay thế, điều chuyển khối lượng thi công của các nhà thầu thuộc dự án trên. Theo đó, đã có 21 nhà thầu bị PMU 2 và các tổng công ty yêu cầu thay thế, điều chuyển khối lượng tại nhiều gói thầu do không đảm bảo tiến độ. Nguyên nhân thay thế các nhà thầu là do các đơn vị tham gia thi công không đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Một số gói thầu trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đang bị chậm tiến độ khoảng 7 tháng. Tính đến thời điểm hiện nay, giá trị sản lượng của cả 4 gói thầu xây lắp mới đạt 1.610 tỷ đồng.
Dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên được khởi công từ cuối năm 2009 và ấn định thời gian hoàn thành toàn tuyến vào tháng 6-2013. Riêng đoạn đi qua địa bàn Hà Nội được chia làm 3 gói thầu PK1A, PK1B, PK1C có chiều dài 26km với thời gian thi công toàn tuyến là 42 tháng, nhưng có tới 3 khu vực có 5 điểm cắt ngang chưa thể giải phóng mặt bằng.
Ông Mạc Văn Nghiệp, Phó phòng Điều hành dự án 5 (PID5, PMU 2) cho biết: “Dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 chỉ có thể thông xe đúng hẹn gói PK2 (dài 34km) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bởi công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành. Còn gói thầu PK1 nằm trên địa bàn các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn (Hà Nội), hiện không ai dám khẳng định được tiến độ, vì nhà thầu chỉ có thể thực hiện thi công khi địa phương bàn giao mặt bằng”.
Nhưng vẫn quyết thông xe?
Lý giải cho sự chậm trễ trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó phòng Điều hành dự án (PID5, PMU 2) nhìn nhận, việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư không kịp thời, chưa có tiền đầu tư trước các khu dân cư khi dự án được khởi động. Hơn nữa, việc áp dụng chính sách bồi thường theo Nghị định 69/2009 NĐ-CP đã làm tăng kinh phí bồi thường.
Bên cạnh sự chậm trễ đó, theo Đại tá Trần Văn Tiến, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án PK1B đoạn Đông Anh - Yên Phong thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, cả gói thầu dài hơn 10,8km thì còn khoảng 500m cần phải xử lý đất yếu thuộc địa phận xã Dục Tú (Đông Anh) nhưng chưa được bàn giao mặt bằng. Cũng tại gói thầu này, công trình cầu vượt đường ngang số 1 xã Vân Hà (Đông Anh) chỉ làm được vài trụ cầu rồi “đắp chiếu” trong 2 năm qua vì vướng đường điện 110KV, dù Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xử lý. Đại tá Nguyễn Viết Đoan, Giám đốc Ban điều hành dự án - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết thêm, gói thầu PK1C có 180m cần xử lý đất nền yếu, nhưng cũng chưa được bàn giao mặt bằng. “Thời gian xử lý cũng mất tới gần 6 tháng bởi vậy, không thể tùy tiện hay rút ngắn”, Đại tá Nguyễn Viết Đoan cho biết.
Trước sự chậm trễ trên, ông Nghiệp vẫn khẳng định: “Mặc dù tiến độ dự án so với ban đầu chậm đôi chút nhưng liên danh các nhà thầu sẽ cam kết thông tuyến Thái Nguyên-cầu Phù Lôi (Sóc Sơn) vào tháng 6-2013”. Nhận định về việc thay thế, điều chuyển 21 nhà thầu, ông Hidefumi Ezawa, Giám đốc Tư vấn dự án Quốc lộ 3 cho rằng, một số nhà thầu không đủ năng lực, thiếu máy móc trang thiết bị vật tư để đáp ứng tiến độ dự án đã được thay thế. Lý giải cho thực tế này, ông Hidefumi thừa nhận, nhiều nhà thầu chưa làm hết sức, chưa tăng ca, thời gian thi công lại không lấp đầy cả ngày. Đơn vị tư vấn buộc phải “thúc” nhà thầu thường xuyên và liên tục về tiến độ thi công dự án. Cũng theo ông Hidefumi, việc thi công chậm trễ chỉ ảnh hưởng đến trình tự dự án còn chất lượng sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ.