11.277 tỷ đồng xây Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Phải xứng với đồng tiền!

ANTĐ - Hơn 11 nghìn tỷ đồng đề xuất cho dự án Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là một số tiền gây “sốc” trong thời điểm kinh kế đất nước khó khăn như hiện nay. Đã có không ít những ý kiến băn khoăn, về việc nên hay không xây dựng công trình này và thời điểm hiện tại có thích hợp với việc xây dựng hay không? Để rộng đường dư luận, PV An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng Giáo sư sử học Lê Văn Lan…

11.277 tỷ đồng xây Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Phải xứng với đồng tiền!  ảnh 1
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, thiết kế của Nikken Sekkei Ltd 
- PV: Thưa Giáo sư, ông đánh giá như thế nào về chất lượng và hoạt động của hệ thống bảo tàng Việt Nam hiện tại?

- Giáo sư Lê Văn Lan: Quan điểm của tôi là vừa thiếu lại vừa yếu. Thiếu ở chỗ, như các nước tiên tiến hoặc chỉ trung bình thôi thì họ đã có được hệ thống bảo tàng đầy đủ hơn chúng ta nhiều. Ngoài Bảo tàng Quốc gia ra, thì họ còn có một hệ thống các bảo tàng tự nhiên, sinh học, địa chất… Nói chung trên đời này có cái gì, họ làm bảo tàng về cái đó. Và, họ làm rất thành công. Điều này đóng góp không nhỏ cho sự phát triển nhiều mặt của đất nước. Ta không so sánh được với họ đâu, vì bảo tàng của ta còn thiếu nhiều lắm. Chúng ta mới chỉ đếm trên đầu ngón tay các bảo tàng, nhưng chủ yếu thiên về lịch sử. Ví như, bảo tàng Y học chẳng hạn, ta đã có đâu. Trong khi, truyền thống y học của ta vẻ vang là thế, từ cụ Lãn Ông, đến cụ Tuệ Tĩnh, rồi những bài thuốc, rồi sách vở, đặc biệt là thực tế trong mấy nghìn năm qua, y học của chúng ta đã đóng góp thế nào cho sự phát triển của dân tộc. Chúng ta không có bảo tàng để nói về chuyện đó. Thế là thiếu! Đấy là còn chưa kể, hệ thống bảo tàng hiện tại của ta èo uột, khô cứng, cổ lỗ.

- Ý của Giáo sư là trong việc xây dựng bảo tàng, cái vỏ không quan trọng bằng ruột?

- Trong khi chúng ta ngồi và bàn đi tính lại xem xây nhà bảo tàng như thế nào, xây bao nhiêu tiền thì khoa học trưng bày trên thế giới đã đúc kết được một công thức: xây 1 - bày 3. Cụ thể là, xây một bảo tàng, tất cả tốn bao nhiêu tiền, quy về một đơn vị, cứ thế nhân lên phần trưng bày tốn gấp 3 lần. Đó là công thức đúc kết nên sự thành công của đa phần bảo tàng thế giới. Nếu không đủ điều kiện đầu tư được 3 phần cho trưng bày, thì chí ít cũng phải là 2. Còn ở ta thì sao, hì hục chạy vạy mãi mới xây được Nhà bảo tàng, xây xong coi như xong, mà không hề biết rằng, đó mới chỉ là cái vỏ, còn cái ruột mới chính là cái thu hút du khách, làm nên cuộc sống. Nhà nước đã cho phép tư nhân sưu tầm cổ vật. Luật Di sản văn hóa quy định rõ ràng, vì thế, anh muốn sở hữu một món đồ cổ, trưng bày trong bảo tàng của anh, anh phải bỏ cả bạc tỷ ra mà tậu nó về. Đấy, phần trưng bày hiện vật nó quan trọng thế đấy. Đó là còn chưa nói về nghệ thuật trưng bày, phải gồm cả yếu tố khoa học hiện đại trong đó. Ví dụ đơn giản, lắp cái đèn thôi, thì phải xác định, đèn loại gì, ánh sáng tia hay chùm hay chuyển động. Đèn phải được thiết kế chỗ nào, màu sắc ra làm sao, rồi còn cả tủ, bục, bệ, vải lót bên trong tủ trưng bày. Đừng có tưởng đưa được mảnh vải hay mảnh giấy vào ghi mấy dòng chú thích hiện vật là xong. Có những bảo tàng, vải lót hiện vật thôi cũng là nhung loại thượng hạng rồi. Vì thế, Việt Nam cần phải xây dựng một bảo tàng hiện đại, cần lắm chứ không phải không đâu. Bây giờ xây đã là muộn rồi. Tuy nhiên, xây thế nào để không thiếu và không yếu, đó mới là vấn đề.

- Nhiều người nghi ngờ, rằng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ dẫm phải “vết xe” của Bảo tàng Hà Nội và số tiền hơn 11 nghìn tỷ đồng đầu tư là cực kỳ lãng phí. Quan điểm của Giáo sư thế nào?

- Tôi có một cái tật thế này, cứ quá 6 con số là tôi mù tịt. Vì thế, trăm tỷ hay nghìn tỷ đối với tôi là như nhau. Tôi không hiểu con số 11 nghìn tỷ đồng khi được đặt cạnh những thất thoát lớn trong những vụ án về kinh tế xảy ra trong thời gian vừa qua có thấm tháp gì không? Đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng để xây một bảo tàng hiện đại, nơi mọi người đến đó khóc, cười, thưởng lãm, tăng cường hiểu biết về dân tộc mình là lãng phí ư? Cho nên ý kiến cuối cùng của tôi là: Không có ý kiến gì về tiền nong cả. Đơn giản thế này, công trình phải đúng với số tiền 11 nghìn tỷ đồng đã bỏ ra. Phải có công năng, giá trị, nội dung, hình hài tốt, phục vụ tốt, hấp dẫn mọi người, chứ không phải mọi người đến xem cái gọi là bảo tàng, yếu, thiếu, chìm đắm về mọi phương diện. Phải ra tấm ra món, bao nhiêu cũng được, miễn xứng với số tiền đề nghị tiêu.


* Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam dự kiến xây dựng tại khu đô thị mới Tây hồ Tây. Theo dự định, khi hoàn thành, công trình này sẽ là một bảo tàng hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, đáp ứng tốt nhu cầu bảo tồn, lưu giữ, sưu tầm, trưng bày hiện vật, vận hành, quản lý khai thác sử dụng và đào tạo; phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, phổ biến tri thức lịch sử, văn  hóa, khoa học của đất nước… Theo lộ trình, thời gian thực hiện dự án sẽ bắt đầu từ tháng 1-2012 đến 5-2016; nghiệm thu và bàn giao cho chủ quản lý sử dụng công trình từ tháng 7-2016…