10 năm, ngành dược vẫn đứng yên

ANTĐ - Chiều 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật dược (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, 10 năm qua, ở nước ta, không có ngành nào phát triển chậm như ngành dược, từ vùng nguyên liệu đến sản xuất thuốc trong nước vẫn lệ thuộc đến 90% vào nước ngoài. 

10 năm, ngành dược vẫn đứng yên ảnh 1Ngành dược đang giậm chân tại chỗ bởi 90% nguyên liệu thuốc phải nhập khẩu

Chưa làm chủ được giá thuốc

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, một trong những nội dung được quan tâm rất lớn hiện nay là vấn đề quản lý giá thuốc song trong dự thảo luật vẫn chưa cho thấy các quy định khả thi. “Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) chưa làm rõ tiêu chí để đảm bảo tính khả thi của giải pháp bình ổn giá thuốc khi có biến động bất thường. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định này, làm cơ sở để Nhà nước can thiệp khi giá thuốc có biến động bất thường” – bà Trương Thị Mai đề nghị.

Chỉ ra thực trạng từ khi gia nhập WTO đến nay, số lượng danh mục thuốc nước ngoài được cấp phép lưu hành vào Việt Nam tăng nhưng giá thuốc chỉ tăng không giảm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hỏi: “Liệu có sự liên kết giữa các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước để tăng giá thuốc hay không? Luật Dược (sửa đổi) có giúp quản lý được vấn đề này hay không?”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Luật Dược quy định việc kê khai và kê khai lại giá thuốc phải “bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam”.

Tuy nhiên, cho đến nay, liên Bộ vẫn chưa ban hành được văn bản hướng dẫn nội dung này. Quy định “cơ quan Nhà nước có thẩm quyền định kỳ công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách Nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả” cũng chưa thực hiện được vì hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu sản xuất thuốc và trên 50% thuốc thành phẩm nên giá thuốc tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường nguyên liệu và giá thuốc quốc tế...

Công nghiệp dược vẫn chỉ là gia công 

Nhấn mạnh con số “90% nguyên liệu thuốc phải nhập khẩu; thuốc sản xuất trong nước đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, 10 năm qua, ngành dược vẫn giậm chân tại chỗ. “Chúng ta hiện có đến trên 180 nhà máy sản xuất thuốc song hầu hết vẫn chỉ bào chế. Công nghệ sản xuất thuốc lạc hậu, chủ yếu mua nguyên liệu về bao gói. Tất cả vùng nguyên liệu dược của ta cũng không phát triển được. Việc sửa Luật Dược lần này nhất thiết phải tạo điều kiện để thúc đẩy ngành dược có bước phát triển đột phá chứ không thể ì ạch mãi” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, mục tiêu phát triển ngành dược là tiếp cận những thành tựu khoa học để người dân được hưởng. Luật Dược phải tạo ra cơ chế thông thoáng hơn, mở ra cơ hội để thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh thuốc trong nước để phục vụ nhân dân.

Phải nghiêm cấm việc mượn bằng kinh doanh thuốc

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhiều nơi có tình trạng mượn, thuê bằng dược sĩ để kinh doanh thuốc chữa bệnh. Do vậy, Luật Dược (sửa đổi) phải nghiêm cấm hành vi này.