10 năm chìm vào xung đột, Syria chưa thấy tia hy vọng hòa bình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 10 năm trước, những người biểu tình kêu gọi cải cách chính trị ở Syria đã xuống đường tuần hành, hy vọng có một nền dân chủ mới. Nhưng thay vào đó, cuộc xung đột đã biến quốc gia này thành vùng đất nội chiến đầy hỗn loạn và mọi nỗi đau đổ lên đầu dân thường Syria.
Một phụ nữ Syria bế con qua biên giới đến Jordan, nơi cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Iraq và Ai Cập tiếp nhận 5,6 triệu người tị nạn nước này

Một phụ nữ Syria bế con qua biên giới đến Jordan, nơi cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Iraq và Ai Cập tiếp nhận 5,6 triệu người tị nạn nước này

Bức tranh ảm đạm

Thời điểm 10 năm trước, những biến động ở các quốc gia Ảrập khác đã buộc một loạt các nhà lãnh đạo chuyên quyền lâu năm phải từ quyền lực. Những người biểu tình ở Syria hy vọng rằng sự thay đổi có thể dẫn đến nền dân chủ thực sự, trong bối cảnh quyền lãnh đạo nằm dưới tay gia đình của Tổng thống Bashar al-Assad kéo dài nhiều thập kỷ. Nhưng đến nay, khắp nơi vẫn là cảnh đổ nát và hỗn loạn. Lực lượng của chính quyền Tổng thống Assad hiện kiểm soát hơn 70% đất nước và tất cả các thành phố lớn. Các phe nổi dậy vẫn tồn tại trong một loạt các thành trì bị thu hẹp, chủ yếu ở phía Tây Bắc của đất nước. Ở phía Đông Bắc, các lực lượng dân quân do người Kurd thống trị từng chiến đấu cùng với liên minh do Mỹ dẫn đầu đôi khi phải chiến đấu với cả quân đội Syria lẫn Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng ủy nhiệm.

Về các thế lực bên ngoài, nước Mỹ, ở đỉnh cao của sự can dự vào Syria đã huấn luyện một cách nửa vời một số nhóm phiến quân “ôn hòa”, nhiều người trong số họ đã tiếp tục gia nhập hàng ngũ của các nhóm cực đoan. Iran và Nga tham gia vào “điểm nóng” này cũng tác động không nhỏ vào quy mô cuộc xung đột. Các cường quốc phương Tây cũng tập trung nỗ lực chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tàn bạo. Và hiện nay, mặc dù lãnh thổ của nhóm cực đoan đã biến mất, các nhà phân tích cảnh báo tình hình bất ổn Syria có thể tạo điều kiện cho IS tiếp tục hồi sinh.

Thập kỷ vừa qua cũng đã làm đất nước Syria tan nát và dân chúng bị phân tán. Hơn một nửa dân số buộc phải chạy trốn khỏi khu vực xung đột. “Liên hợp quốc đã ngừng thống kê số người chết ở Syria vào năm 2016 là 400.000 người. 6 triệu người Syria phải chạy trốn khỏi quê hương của họ, vượt biên sang các nước láng giềng. 5 triệu người vẫn còn mắc kẹt trong các vùng chiến sự, hầu như không được đảm bảo điều kiện sống cơ bản. Đó là chưa kể 1 triệu người leo lên những chiếc thuyền mỏng manh để vượt Địa Trung Hải đến châu Âu…

Không lối thoát cho người tị nạn Syria

Tạp chí y khoa Lancet của Anh lưu ý rằng tại Syria và các quốc gia láng giềng tiếp nhận phần lớn người tị nạn, hơn 23 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo, trong khi “phần lớn người tị nạn Syria sống dưới mức nghèo khổ”. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc ước tính rằng khoảng 12,4 triệu người Syria hiện đang “mất an ninh lương thực”, tăng 4,5 triệu người so với năm ngoái. Vào năm 2018, Viện Phát triển Nước ngoài, một tổ chức tư vấn toàn cầu, đã tính toán rằng 5,8 triệu trẻ em Syria cần được “hỗ trợ giáo dục”. UNICEF ước tính rằng gần 3 triệu trẻ em Syria trong và ngoài nước chỉ đơn giản là không được đến trường. Như vậy, một thế hệ trẻ đã bị đẩy lùi lại trong quá trình phát triển.

“Tình trạng nghèo đói và mất an ninh lương thực đang gia tăng, tỷ lệ nhập học và tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang bị thu hẹp, và đại dịch Covid-19 đã quét sạch phần lớn công việc phi chính thức mà người tị nạn dựa vào”, một báo cáo gần đây từ cơ quan về người tị nạn của Liên hợp quốc cho biết. Cho dù viện trợ nhân đạo nước ngoài giảm dần, hàng triệu người vẫn sống trong tình trạng lấp lửng ở các quốc gia giáp biên giới với Syria, sống bên lề của những xã hội đang lưu giữ họ do quá sợ hãi trước số phận nghiệt ngã có thể đang chờ đợi nếu họ cố gắng quay trở lại. Ola Dawarshi, một người tị nạn 26 tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ khi được hỏi có muốn trở về ngôi nhà bị chiến tranh tàn phá hay không, trả lời rằng: “Tôi còn không tự hỏi mình câu hỏi đó. Tôi thậm chí không nghĩ về nó”.

Bất chấp nỗ lực của quốc tế trong nhiều năm, chưa có giải pháp chính trị nào có ý nghĩa đến với Syria. Các Chính phủ phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với chế độ cầm quyền ở Syria, nhưng điều đó chẳng làm lay chuyển được quyền lực của ông Assad và điều này đã làm tăng thêm nỗi đau của những thường dân Syria.

Liên hợp quốc cho biết hơn 80% người Syria hiện đang sống trong cảnh nghèo đói và 60% có nguy cơ thiếu đói. Đồng tiền mất giá thê thảm, hiện ở mức 4.000 bảng Syria đổi 1 USD, so với mức 700 bảng 1 năm trước và mức 47 vào đầu cuộc xung đột năm 2011. “Khi bạn gộp tất cả những thứ này lại với nhau, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng, nạn đói gia tăng”, Arif Hussein, nhà kinh tế trưởng tại Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cho biết.