10 lý do khiến U.23 Việt Nam thảm bại…!

ANTĐ - SEA Games 2 năm về trước, khi U.23 Việt Nam mất vàng trong một trận chung kết nghiệt ngã với người Malaysia, rất nhiều những giọt nước mắt tiếc nuối đã rơi xuống.

Nhưng bây giờ, khi U.23 Việt Nam thua tan nát U.23 Indonesia trong trận bán kết, rồi sau đó tiếp tục tan nát trước U.23 Myanmar trong trận tranh HCĐ thì chẳng ai đủ sự bi lụy để khóc. Trái lại, một cảm giác tức tối, bức xúc cực độ dâng trào. CSTC chỉ ra 10 lý do dẫn đến một trong những thất bại tủi hổ nhất của BĐVN trong lịch sử tham dự các kỳ SEA Games.

1. Không có tiền đạo

Ngay từ khi tập trung chuẩn bị cho SEA Games, U.23 Việt Nam đã bị nhận diện là một đội bóng... không có tiền đạo. Thực tế thì trong thành phần ĐT vẫn có một tiền đạo cắm đúng nghĩa, đó là chân sút Tuấn Anh của Đồng Nai, nhưng vì Tuấn Anh đá quá kém, còn các tiền đạo còn lại như Đình Tùng, Văn Quyết, Văn Thắng hoặc chỉ quen đá lùi, hoặc là những tiền vệ cánh “bị” đẩy lên cao nên U.23 Việt Nam quả nhiên không có một trung phong đúng nghĩa. Hậu quả của cái đội bóng không trung phong chính là những pha bỏ lỡ cơ hội... không thể tin nổi.

Tại sao chúng ta lại thiếu tiền đạo đến cỡ ấy? Tại vì V.League và giải hạng Nhất QG - hai giải đấu quan trọng bậc nhất trong hệ thống thi đấu cấp CLB Việt Nam đang xuất hiện ồ ạt những tiền đạo ngoại.

2. Không có bản lĩnh

Việc thiếu một tiền đạo đúng nghĩa khiến cho U.23 gặp khó trong khâu ghi bàn, nhưng vấn đề của U.23 Việt Nam ở SEA Games 26 không chỉ gói gọn trong khâu ghi bàn, mà nằm ở cả một hệ thống vận động nói chung. Cái hệ thống mà ngay cả khi đá với những đối thủ dưới kèo như Lào, Philippines, Đông Timor cũng gặp vô số khó khăn trong việc tổ chức trận đấu, còn khi gặp những đối thủ trên kèo như Indonesia hay ngang kèo như Myanmar thì thôi, khỏi nói. Trong những trận đấu như thế cầu thủ Việt Nam hoảng loạn tâm lý đến mức thực hiện sai những động tác hết sức cơ bản như: đỡ bóng, phát bóng, ném biên... Trong trận bán kết với chủ nhà Indonesia, hơn một trung vệ Việt Nam đã lóng ngóng chuyền bóng thẳng vào chân đối phương, và hơn một tiền vệ của chúng ta cũng chỉ biết thi đấu bằng cách lao cả chân, cả gằm giầy vào ống quyển đối phương.

Tất cả nói lên điều gì? Nó nói rằng U.23 Việt Nam là một đội bóng không có bản lĩnh, không có khả năng điều tiết tâm lý lẫn chuyên môn trong những bối cảnh khác nhau của một chiến dịch.

3. Không có thủ lĩnh

Suốt những trận đấu SEA Games, đội trưởng Phạm Thành Lương đã chơi bóng đầy quyết tâm, và hình ảnh một Thành Lương lăn xả vào sân với cái băng trắng trên đầu (trong hai trận cuối cùng) là lời chứng minh thuyết phục cho sự quyết tâm ấy. Cùng với Thành Lương, hình ảnh một thủ thành Bửu Ngọc tả xung hữu đột trước vòng cấm đội nhà trong trận bán kết, đặc biệt là một Bửu Ngọc cắn răng thi đấu với một chấn thương ở cổ sau một pha không chiến khiến cho rất nhiều người cảm động. Song, cả Thành Lương lẫn Bửu Ngọc chỉ là những đốm sáng lẻ loi. Và đáng nói hơn, họ chỉ chơi tốt trong phạm vi chuyên môn của mình, chứ không tạo được một tầm ảnh hưởng đủ lớn lên toàn đội, kiểu như một thủ lĩnh có khả năng vực dậy cả một con tàu.

10 lý do khiến U.23 Việt Nam thảm bại…! ảnh 1

4. Không có sự đoàn kết

Ngay sau trận hòa Malaysia 1-1 ở VFF Cup, nhiều thành viên trong ĐT cũng đã nhìn vào các đồng đội của mình bằng những con mắt nghi kỵ. Và chính sự nghi kỵ đó khiến chúng ta bước vào SEA Games 26 bằng một tâm lý nặng nề - nguyên nhân sâu xa dẫn đến những đôi chân nặng nề. Đến trận cuối cùng ở vòng bảng SEA Games - sau 45 phút đầu tiên bị U.23 Lào dẫn bàn trước thì sự nghi kỵ âm ỉ kia đã tăng cao ngùn ngụt. Một cầu thủ (đề nghị giấu tên) còn không ngại ngần nói thẳng trên một tờ báo uy tín: “Anh xem tụi nó đá thế là rõ cả rồi, cần gì phải hỏi han, phân tích thêm nữa”.

Một khi các cầu thủ đã nghi kỵ, mất niềm tin vào nhau như vậy thì chắc chắn U.23 Việt Nam không thể duy trì được sự đoàn kết. Và một đội bóng không đoàn kết hiển nhiên không thể thi đấu thành công được.

5. Không có tinh thần màu cờ sắc áo

Nếu như sự mất đoàn kết khiến U.23 Việt Nam không thể trở thành một khối thống nhất thì tinh thần màu cờ sắc áo (nếu có) của mỗi cá nhân cũng có giá trị cứu rỗi, vớt vát lại phần nào. Nhưng tinh thần màu cờ sắc áo của chúng ta lại chỉ được thể hiện ở một vài cầu thủ như Thành Lương, Bửu Ngọc và một phần nào đó là Trọng Hoàng - những người luôn cố gắng “cháy mình” trong mọi trấn đấu, mọi hoàn cảnh. Còn với cả một tập hợp nói chung, có thể thấy rằng sau khi thua tan nát ở bán kết họ cũng chẳng còn cái ý thức bảo vệ màu cờ sắc áo trong trận tranh HCĐ với Myanmar. Thế nên, ở trận đấu ấy chúng ta mới thua đậm 1-4, và thua với một hình ảnh không thể tồi tệ hơn.

Đây chính là mất mát lớn nhất và đau nhất của BĐVN ở SEA Games 26. Nó còn đau hơn việc mất HCV, bởi tinh thần xưa nay luôn được xem như một điểm mạnh, thậm chí là mạnh nhất của bóng đá Việt Nam.

6. Không được thần may mắn yêu trọn vẹn

Ngay từ khi bóng SEA Games chưa lăn, U.23 Việt Nam đã được thần may mắn ra mặt yêu thương. Vì yêu, ông thần ấy mới đưa chúng ta vào một bảng đấu làng nhàng chưa từng có trong lịch sử. Và cũng vì yêu mà ngay cả trong các trận đấu ở cái bảng đấu làng nhàng ấy, thần may mắn cũng liên tiếp hóa thân vào xà ngang, cột dọc để giúp U.23 Việt Nam không phải hứng chịu những bàn thua chết người. Ngay cả đến hiệp 1 trận bán kết với Indonesia, thần may mắn vẫn yêu chúng ta, bằng chứng là rất nhiều tình huống cầu thủ Indo đối diện với khung thành Bửu Ngọc, nhưng không hiểu sao những chân sút tốt nhất của đội này như Patrich hay Bonai đều... đưa bóng ra ngoài.

Tuy nhiên đến hiệp 2 trận bán kết thì ông thần ấy đã không thể kiên nhẫn đứng về phía U.23 Việt Nam được nữa. Vậy nên chúng ta thua bàn đầu tiên rồi thua bàn thứ hai từ những quả phạt mà trước đó cầu thủ Việt Nam đều đã phạm lỗi cực kỳ vô duyên - phạm lỗi sau khi lóng ngóng chuyền bóng vào chân đối thủ. Có lẽ thần may mắn thấy rằng sẽ là bất công cho SEA Games, và bất công cho những đối thủ của U.23 Việt Nam nếu ông cứ mãi đứng về phía Việt Nam như thế?

10 lý do khiến U.23 Việt Nam thảm bại…! ảnh 2

7. Không có một HLV trưởng sáng suốt

HLV trưởng U.23 Việt Nam Falko Goetz khi trả lời phỏng vấn từng nói cứng: “Làm HLV phải biết kiểm soát cảm xúc”. Song, thực tế trong gần như tất cả các trận đấu ở SEA Games 26 ông đều không kiểm soát được cảm xúc của mình. Ông hết đứng lên la hét, chửi bới cầu thủ rồi lại quay sang chắp tay vái lạy các trợ lý, rồi có lúc còn bấn loạn cãi nhau với cả cầu thủ, rồi trợ lý HLV đối phương.

Có một chi tiết tố cáo rõ rệt cho sự “không sáng suốt” của Falko Goetz, đó là khi thủ thành Bửu Ngọc quằn quại nằm sân trong hiệp 1 trận bán kết với U.23 Indonesia. Đấy là thời điểm mà Indonesia đang tấn công dữ dội, còn cầu thủ Việt Nam đang hoảng loạn trông thấy - một thời điểm mà Bửu Ngọc nằm sân càng lâu, U.23 Việt Nam càng có lợi. Ấy thế mà từ đường piste, Falko Goetz lại liên tục hét mạnh vào sân, chửi bới bác sĩ của ĐT, đòi phải nhanh chóng đưa ra kết luận về chấn thương của Bửu Ngọc, qua đó nhanh chóng đưa bóng trở lại cuộc chơi. Với một HLV yếu bóng vía và thiếu sáng suốt đến như vậy, người hâm mộ Việt Nam liệu có thể hy vọng gì?

8. Không có cộng sự can đảm

Khi U.23 Việt Nam chưa bước vào SEA Games 26, đã có hàng loạt phân tích chuyên môn cùng hàng loạt bài báo chỉ ra những sai số chết người trong việc vận hành chiến thuật của vị HLV trưởng. Cụ thể là lối chơi tấn công biên - tạt bổng mà ông HLV này áp vào ĐT U.23 Việt Nam là một lối chơi bất hợp lý, không phù hợp với thể trạng và thói quen của các cầu thủ. Các trợ lý người Việt của Falko Goetz biết rõ điều đó hơn ai hết. Ông trưởng đoàn ĐT Trần Quốc Tuấn cũng biết rõ điều đó hơn ai hết. Vậy mà lạ thay, tất cả những cộng sự người Việt của Goetz đều không dám thẳng thắn phân tích, đấu tranh với Goetz để giúp ĐT có thể chơi bóng một cách hợp lý, hiệu quả hơn.

Phải chăng đã giao việc cho thầy ngoại là chúng ta bắt buộc phải nhắm mắt, phóng lao theo thầy ngoại? Hay chính chúng ta cũng không đủ lý lẽ và sự thuyết phục để bảo vệ đến cùng quan điểm của mình, nên cứ ỡm ờ nước đôi, để khi thành công thì “vỗ tay vào” còn khi thất bại thì dễ bề đổ tất cả cho thầy ngoại?

10 lý do khiến U.23 Việt Nam thảm bại…! ảnh 3

9. Không có điểm tựa truyền thống

Ngoại trừ một chức vô địch của đội miền Nam Việt Nam từ năm 1959, bóng đá Việt Nam chưa một lần vô địch SEA Games. Tính từ năm 1995 đến năm 2009, BĐVN đã vào chung kết SEA Games tổng cộng 5 lần, nhưng cả 5 lần đều thất bại. Rõ ràng chúng ta không có một điểm tựa truyền thống để các cầu thủ tựa vào. Khi đã không có điểm tựa truyền thống nhưng U.23 Việt Nam lại phải lĩnh nhiệm vụ vô địch SEA Games, nên tất yếu cầu thủ bị áp lực. Và tới đây lại nảy sinh một vấn đề mới: Cầu thủ Việt Nam xưa nay chỉ được người ta dạy đá bóng, chứ tuyệt nhiên không được dạy những kỹ năng đối đầu với áp lực - cái kỹ năng cần phải có của mọi cầu thủ chuyên nghiệp trong thế giới bóng đá này. Đấy cũng là một lý do quan trọng khiến U.23 Việt Nam bị “tâm lý” trong gần như tất cả các trận đã đấu (tất nhiên, ngoại trừ cuộc dạo chơi với “tí hon Brunei”).

10. Không có những nhà lãnh đạo sáng suốt

Khi Falko Goetz có nhiều biểu hiện chệch hướng, các quan chức VFF đã không có những biện pháp ngăn chặn, nắn đường hữu hiệu. Khi các cầu thủ lết vào bán kết bằng một phong độ tệ hại, VFF thậm chí còn thưởng các cầu thủ 1 tỷ đồng. Trước đó, khi U.23 Việt Nam chuẩn bị bước vào SEA Games, VFF còn gia sức treo thưởng, và ủng hộ việc treo thưởng với suy nghĩ rằng càng treo thưởng lớn cầu thủ càng chuyên tâm thi đấu.

Cái kiểu chỉ biết lấy tiền ra để “nhử” và để tạo động lực thi đấu cho ĐT (ngay cả khi ĐT lẽ ra phải bị phạt) là biểu hiện của một phương pháp lãnh đạo “sặc mùi tiền”. Cái phương pháp bị người ta lên án từ rất lâu nhưng không hiểu vì lý do gì mà VFF vẫn nhất nhất áp dụng, thậm chí còn coi nó như một vũ khí tiên quyết để thành công!?