Y tế công lập sẽ đắt ngang bệnh viện tư

ANTĐ - Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng khung giá tính đủ chi phí các dịch vụ y tế và tới đây sẽ ban hành trước khung giá dịch vụ y tế thống nhất theo hạng bệnh viện trong toàn quốc. Theo đó, giá các dịch vụ y tế trong bệnh viện công sẽ được tăng dần theo lộ trình, tiến tới mức… ngang bằng giá dịch vụ ở bệnh viện tư nhân.

Y tế công lập sẽ đắt ngang bệnh viện tư ảnh 1Việc tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ giảm bớt sự bao cấp tràn lan trong khám chữa bệnh
Ảnh minh họa

Nhiều dịch vụ đội giá lên cao

Theo khung giá dịch vụ y tế mà liên bộ đang xây dựng, giá dịch vụ y tế sẽ được phân theo 5 hạng bệnh viện: hạng đặc biệt, hạng I, II, III và IV. Mức giá này không vượt quá khung giá đã được liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành trước đó, vẫn chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp là: thuốc, máu, dịch truyền, vật tư; điện, nước và phí duy tu, bảo dưỡng tài sản. Song bên cạnh đó, giá dịch vụ sẽ được tính thêm cả chi phí phụ cấp trực vào giá ngày giường; phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật vào giá các phẫu thuật, thủ thuật, khiến một số loại dịch vụ y tế bị đội giá lên khá cao so với hiện nay.

Cụ thể, giá ngày giường điều trị dự kiến sẽ tăng 10.000-20.000 đồng với mỗi hạng bệnh viện. Giá các ca phẫu thuật đặc biệt (ghép tạng, mổ tim...) sẽ tăng tối đa 1.520.000 đồng/ca; phẫu thuật loại I tăng tối đa 660.000 đồng/ca; loại II là 340.000 đồng/ca. Chi phí cho các thủ thuật cũng tính thêm từ 28.500-300.000 đồng/ca… Theo lộ trình trong vài năm tới, giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh để hướng dần tới việc tính đúng, tính đủ. Khi đó, giá dịch vụ y tế trong các bệnh viện công lập sẽ tăng lên tương đương mức giá của các bệnh viện ngoài công lập.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Y tế, việc tính đủ giá dịch vụ y tế theo lộ trình là một đòi hỏi thực tế, khách quan. Lý do vì chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế gồm 7 yếu tố nhưng hiện nay mới tính 3/7 yếu tố cấu thành. Việc tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ giảm bớt sự bao cấp tràn lan trong khám chữa bệnh, dành ngân sách hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và ưu tiên hơn nữa cho y tế dự phòng. Mặt khác, nếu tính đủ giá dịch vụ y tế thì sẽ khuyến khích các bệnh viện công vay vốn, thực hiện xã hội hóa để đầu tư, bởi khi giá bệnh viện công và bệnh viện tư tương đương sẽ tạo cạnh tranh bình đẳng về giá giữa các thành phần kinh tế trong khám, chữa bệnh.

Người bệnh có lợi hơn? 

Hiện tại, chi phí cho y tế từ tiền túi chi trả trực tiếp của người dân Việt Nam vẫn là một gánh nặng rất lớn nên mỗi lần tăng giá viện phí là mỗi lần người dân hết sức lo lắng. Tới đây, khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng tương đương với giá viện phí ở các bệnh viện tư, chắc chắn gánh nặng của người bệnh càng lớn. Về điều này, phía Bộ Y tế cho biết, việc tính đủ giá dịch vụ y tế theo lộ trình chỉ thực sự tác động mạnh đến những người bệnh không có BHYT nên muốn đỡ ảnh hưởng thì họ  buộc phải mua BHYT, điều này giúp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân nhanh hơn. Còn đối với những người bệnh có BHYT, quyền lợi không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi giá dịch vụ y tế không đơn thuần để người dân chi trả chi phí cho bệnh viện mà còn là cơ sở để BHXH thanh toán cho bệnh viện. 

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình hướng đến tính đúng, tính đủ sẽ giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn. Người bệnh có thẻ BHYT được lợi vì BHYT thanh toán với mức cao hơn. Nhiều dịch vụ BHYT chi trả nhưng do trước đây mức thu thấp, bệnh viện không có kinh phí để triển khai nên người bệnh có BHYT không được thụ hưởng, nay được điều chỉnh mức thu nên bệnh viện sẽ triển khai và người bệnh có BHYT sẽ được hưởng. Với người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn… cũng không phải quá lo lắng bởi theo chính sách về BHYT hiện hành, Nhà nước đã bảo đảm ngân sách để mua thẻ BHYT hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng này và mỗi lần đi khám chữa bệnh, họ sẽ được BHYT chi trả toàn bộ hoặc phần lớn.