Y bác sĩ phải biết cười với người bệnh

ANTĐ - Khi người bệnh đến, y bác sĩ bắt buộc phải niềm nở tiếp đón, chăm sóc tận tình và khi người bệnh về phải dặn dò chu đáo, tức là phải chuyển từ thái độ “ban ơn” sang “biết ơn” người bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh như vậy tại hội nghị đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, diễn ra ngày 22-4.

Người bệnh phải là “khách hàng” đúng nghĩa

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay, vẫn còn một bộ phận cán bộ y tế chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn, có thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu y đức, thậm chí có hành vi tiêu cực. Đó là “những con sâu làm rầu nồi canh”, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với hơn 400.000 cán bộ y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, đã đến lúc ngành y tế kiên quyết đưa ra khỏi ngành những “con sâu” này, đồng thời quyết tâm đổi mới nhận thức của đội ngũ y, bác sĩ, lấy người bệnh làm trung tâm và sự hài lòng của người bệnh là số một. 

“Việc thay đổi cần được triển khai ở tất cả các khâu, từ tiếp đón, điều trị cho đến khi bệnh nhân ra viện. Ngay từ nụ cười của người cán bộ y tế cũng phải đặt đúng lúc, đúng chỗ. Có thể y bác sĩ không thể nở được nụ cười tươi trước người bệnh như những ngành dịch vụ khác, song toàn thể cán bộ y tế bắt buộc phải thực hiện tốt quy tắc ứng xử theo phương châm: Người bệnh đến đón tiếp niềm nở - Người bệnh ở chăm sóc tận tình - Người bệnh về dặn dò chu đáo. Các bệnh viện cần tiếp tục tập huấn về kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử, tinh thần phục vụ người bệnh cho 100% cán bộ nhân viên trong đơn vị, từ người quản lý, bác sĩ cho đến điều dưỡng, nhân viên thu ngân, bảo vệ, người trông xe” - Bộ trưởng Bộ Y tế

yêu cầu.

Y bác sĩ phải biết cười với người bệnh ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Y bác sĩ phải chuyển từ thái độ 
"ban ơn” sang “biết ơn” người bệnh

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích thêm, tới đây, viện phí sẽ được tính đúng, tính đủ, khi đó Nhà nước sẽ cắt giảm phần ngân sách cấp và các bệnh viện phải hướng đến tự chủ tối đa. Ngay cả phần lương của y bác sĩ cũng sẽ được tính vào giá viện phí. Người bệnh chính là người đem lại nguồn thu cho bệnh viện, đem lại thu nhập cho y bác sĩ nên nếu bác sĩ, nhân viên y tế không nhanh chóng thay đổi phong cách phục vụ, từ thái độ “ban ơn” sang “biết ơn” người bệnh thì không thể chấp nhận được. 

Sẽ thay đổi trang phục y bác sĩ

Một trong những thay đổi đột phá khác mà Bộ Y tế sẽ áp dụng trong thời gian tới là thay đổi trang phục của cán bộ nhân viên y tế nhằm tạo thuận lợi trong tương tác giữa người nhà bệnh nhân với bác sĩ.

Theo phương án Bộ Y tế đề xuất, trang phục của bác sĩ sẽ giữ nguyên màu sắc và kiểu dáng như hiện nay.

Về trang phục điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, có 2 phương án. Phương án 1, màu trắng chung cho các điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên; túi áo, tay áo viền xanh dương, cổ áo 2 ve. Phương án 2 là đổi sang màu xanh nhạt.

Về trang phục dược sĩ, với dược sĩ đại học và sau đại học thì trang phục giống bác sĩ còn nhân viên dược khác thì trang phục giống điều dưỡng. Nhân viên hành chính, thu ngân cũng có 2 phương án. Phương án 1: áo sơ mi màu trắng, quần hoặc chân váy sẫm màu. Phương án 2: áo sơ mi màu xanh nhạt, quần hoặc chân váy sẫm màu…  

PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, đã từ lâu, người dân luôn coi chiếc blouse trắng là hình ảnh của sự thân thương, cao đẹp và trong sáng của nghề y, mỗi người trong ngành cũng coi chiếc áo choàng trắng là niềm tự hào.

Dù vậy, hiện nay, trang phục y tế chưa thống nhất trong các cơ sở khám chữa bệnh; bệnh nhân và người nhà, khách thăm chưa dễ dàng nhận diện được cán bộ, viên chức y tế qua trang phục... Vì thế, việc thay đổi trang phục y tế là hết sức cần thiết, nhất là khi Bộ Y tế đang nỗ lực đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế để hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế: Bệnh viện K bị phàn nàn nhiều nhất

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, trong quý I-2015, đường dây nóng ngành y tế ở 3 cấp đã nhận được gần 8.400 cuộc gọi đến. Các bệnh viện bị phản ánh về sự không hài lòng trong việc cung cấp dịch vụ y tế và tiêu cực nhiều nhất là: Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy... Qua đường dây nóng, ngành y tế đã nhắc nhở hơn 2.000 cán bộ y tế, 12 cán bộ bị điều chuyển, 1 cán bộ bị cách chức và 2 cán bộ buộc phải nghỉ việc.

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai: Cần có sự chia sẻ

“Tại Bệnh viện Bạch Mai, tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đang từng bước được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Nhiều khi bệnh nhân quá đông, áp lực công việc quá lớn dễ dẫn tới cáu gắt, ứng xử chưa phù hợp của nhân viên bệnh viện. Cần có thêm chuyên gia tâm lý hay sự hỗ trợ về tinh thần để giúp nhân viên y tế vượt qua khủng hoảng, áp lực công việc, giúp họ ứng xử phù hợp hơn. Giữa người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế cũng cần sự chia sẻ nhiều hơn”.  

GS.TS Phạm Mạnh Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương: Thay đổi trang phục, công việc sẽ thuận tiện hơn

“Hiện nay, các nhân viên y tế trong bệnh viện đều mặc chung loại áo blouse màu trắng truyền thống, nhất là trong cùng một khoa thì người bệnh và người nhà bệnh nhân rất khó phân biệt được bác sĩ và các vị trí khác. Việc thay đổi trang phục y tế lần này cần theo hướng phân biệt riêng các màu sắc cho từng vị trí để tạo thuận tiện cho công việc, giúp người bệnh phân biệt được đâu là y tá, đâu là điều dưỡng, bác sĩ”. 
Nguyễn Phan (Ghi)