Vá lỗ hổng để nâng chất lượng

(ANTĐ) - Bàn về sửa đổi Luật Giáo dục, ngày 17-10, nhiều nhà khoa học đang công tác tại các trường ĐH, viện nghiên cứu, các hiệp hội đã đề cập tới những vấn đề thực tế cần được điều chỉnh từ luật. Tuy nhiên, vấn đề nóng nhất được đề cập trong buổi tọa đàm là việc thành lập ồ ạt và thiếu kiểm soát về hoạt động của một số trường ĐH hiện nay dẫn tới những bức xúc xã hội diện rộng gây mất tin tưởng vào chất lượng giáo dục nói chung.

Sửa đổi Luật Giáo dục:

Vá lỗ hổng để nâng chất lượng

(ANTĐ) - Bàn về sửa đổi Luật Giáo dục, ngày 17-10, nhiều nhà khoa học đang công tác tại các trường ĐH, viện nghiên cứu, các hiệp hội đã đề cập tới những vấn đề thực tế cần được điều chỉnh từ luật. Tuy nhiên, vấn đề nóng nhất được đề cập trong buổi tọa đàm là việc thành lập ồ ạt và thiếu kiểm soát về hoạt động của một số trường ĐH hiện nay dẫn tới những bức xúc xã hội diện rộng gây mất tin tưởng vào chất lượng giáo dục nói chung.

Cần xây dựng cơ chế hợp lý để đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH (Sinh viên trường ĐH Bách khoa trong một giờ thực hành)

Cần xây dựng cơ chế hợp lý để đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH (Sinh viên trường ĐH Bách khoa trong một giờ thực hành)

Tồn tại vô lý trường ĐH “3 không”

Liên tục gần đây vụ việc về các trường ĐH kém chất lượng được báo chí phản ánh đã khiến dư luận băn khoăn về quy trình kiểm định của cơ quan chức năng. Sự việc Bộ GD-ĐT mới đây quyết định thanh tra khẩn cấp trường ĐH “3 không” Phan Thiết ngày 17-10 càng khiến các nhà giáo dục lo ngại về sự tín nhiệm của xã hội với giáo dục ĐH trong nước.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết bức xúc: “Trường ĐH Phan Thiết không phải là trường hợp cá biệt. Từ cách đây gần một năm, trong báo cáo giám sát về tình hình thực hiện Luật Giáo dục và hoạt động, chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ, ủy ban chúng tôi đã khẳng định đang có tình trạng các trường ĐH được thành lập, nâng cấp quá dễ dàng trong khi điều kiện không phù hợp”.

Theo GS. Vũ Dương Ninh, ĐH Quốc gia Hà Nội, chỉ ra: Tình trạng chung hiện nay là các đề án thành lập trường thường “vay, mượn” tên tuổi các giáo sư,  tiến sĩ để có đủ số lượng. Phần lớn trong số họ không hề tham gia giảng dạy tại trường đó, thậm chí còn không hề biết về việc ký hợp đồng giảng dạy với trường. GS Ninh cho biết: “Chính tôi cũng đã vài lần phát hiện mình tự nhiên có tên ở một số trường trong khi không hề có liên hệ gì với trường”.

Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, nhiều trường thành lập mới, nâng cấp từ trung cấp chuyên nghiệp lên CĐ hoặc CĐ lên ĐH, chủ yếu là trường tư thục và trường thuộc các địa phương, chưa thực hiện đúng các cam kết khi thành lập trường. Tiến độ triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển trường chậm, ảnh hưởng đến điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Hạn chế lớn nhất là đội ngũ giảng viên, vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng. Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ, thạc sĩ thấp so với mặt bằng chung của toàn hệ thống giáo dục ĐH.

Thiếu chế tài xử lý

GS Vũ Dương Ninh bày tỏ lo ngại: “Việc cho phép thành lập trường, mở ngành dễ dãi như hiện nay rất nguy hiểm vì tạo ra những ngôi trường bán bằng ĐH, những người cầm tấm bằng của những trường ĐH này là một gánh nặng, là mối nguy hại lâu dài cho xã hội”. Ông cho rằng đến lúc tình trạng “láo nháo” này phải được truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn, phải có người chịu trách nhiệm chứ không thể chỉ đổ tại cơ chế hay quy trình: Ai là người có trách nhiệm thẩm định, ai là người tư vấn cho việc ký quyết định thành lập?

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng các cơ quan tham mưu cho Thủ tướng đều phải chịu trách nhiệm, mà trước hết là Văn phòng Chính phủ và Bộ GD-ĐT. Ông đề xuất, Bộ GD-ĐT cần phải rà soát tất cả các trường ĐH mới thành lập, nâng cấp trong thời gian vừa qua để rút kinh nghiệm sâu sắc về quá trình thẩm định. Trong quá trình đó, nếu phát hiện trường nào lập hồ sơ gian dối thì phải giải thể trường đó. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm của những người đã thẩm định hồ sơ vì để lọt lưới những sai phạm.

Sự dễ dãi trong việc mở trường với hậu quả ảnh hưởng tới hàng ngàn thí sinh và có tác động xấu tới xã hội, đã khiến nhiều đại biểu đặt vấn đề ai phải chịu trách nhiệm và yêu cầu điều chỉnh quy định cũng như quy trình thành lập trường. GS. Trần Đình Long, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: Quy trình thành lập cần tách làm hai bước: thành lập trường và được phép đào tạo. Trường được cho phép thành lập căn cứ quy hoạch và hồ sơ hợp lệ, có đủ tư cách pháp nhân.

Nhưng sau đó, trường phải chuẩn bị các điều kiện, xây dựng trường và đội ngũ giảng viên... và khi nào có đủ các điều kiện mới được bắt đầu đào tạo. Các điều kiện đó phải được Bộ GD-ĐT quy định với hệ thống tiêu chí rõ ràng: phải đạt bình quân bao nhiêu diện tích/SV, phải có tối thiểu bao nhiêu giảng viên cơ hữu với trình độ như thế nào, tỉ lệ giảng viên thỉnh giảng chỉ được phép tối đa là bao nhiêu... với thời gian chuẩn bị có thể là 5-7 năm.

Duy Anh