Tự tử: Trách nhiệm xã hội ở đâu?

ANTĐ - Liên tiếp trong thời gian từ cuối tháng 5 đến nay đã xảy ra hàng loạt vụ tự tử thương tâm mà nguyên nhân chủ yếu là từ chuyện tình cảm, từ những bí bách trong mâu thuẫn gia đình không tìm ra lối thoát. Khi những vụ tự tử đau lòng xảy ra, lúc ấy người ta mới hỏi trách nhiệm của các đoàn thể, trách nhiệm xã hội ở đâu?

Sợi dây treo cổ bé Nguyễn Khắc Quang

Thương tâm 2 mẹ con treo cổ tự tử

Khoảng 19h30 tối 7-6, người dân xóm Chùa, thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, Từ Liêm hốt hoảng khi phát hiện chị Nguyễn Thị Nhung (SN 1984) và con trai là cháu Nguyễn Khắc Quang sinh ngày 9-1-2005 đã treo cổ tự tử  ngay trong chính nhà mình.

Theo các nhân chứng là người thân trong gia đình chị Nhung kể lại thì chị Nguyễn Thị Nhung là con gái của ông Nguyễn Văn Tỵ và bà Nguyễn Thị Hợp. Chị Nhung đã ly hôn và sống với cậu con trai Nguyễn Khắc Quang tại nhà với bố mẹ đẻ. Cả ngày 7-6, hai mẹ con chị Nhung không hề xuất hiện ở nhà. Mọi người trong nhà đều nghĩ là hai mẹ con đi đâu đó chơi nên cũng không để tâm đến. Đến tận tối, khi đến giờ ăn cơm, đúng vào thời điểm Hà Nội xuất hiện cơn giông nhiệt lớn thì anh trai chị Nhung là Nguyễn Thanh Quỳnh vô tình nhìn qua lỗ cửa căn nhà bố mẹ mới xây cho chị Nhung thì phát hiện có người bị treo lơ lửng ở khe hẹp chỗ cầu thang. Anh Quỳnh hốt hoảng liền hô hoán mọi người và một số sinh viên thuê nhà để mở cửa căn phòng.

Cánh cửa được phá ra, phát hiện cháu Nguyễn Khắc Quang đã tử vong trong tư thế treo cổ. Sợi dây được buộc vào con tiện cầu thang tầng 2 võng xuống tầng 1. Mọi người tiếp tục chạy lên tầng 3 thì thấy chị Nhung cũng chết trong tình cảnh tương tự, khi buộc dây thừng vào con tiện cầu thang tầng 3. Mở cửa căn phòng tầng 3, những người có mặt tại đây còn đau xót hơn khi thấy trên chiếc giường là 2 tấm ảnh của mẹ con chụp kích cỡ 40x50, mấy vỉ thuốc ngủ Seduxen. Theo kết quả khám nghiệm ban đầu của cơ quan pháp y, hai mẹ con đã treo cổ tự tử. Song rất có thể trước đó, chị Nhung đã cho con trai uống thuốc ngủ trước khi thắt cổ chết cả hai mẹ con. 

Được biết chị Nhung có hoàn cảnh éo le. Chị lấy chồng là anh Nguyễn Khắc Thiện, ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Hai người có với nhau một cháu trai là cháu Nguyễn Khắc Quang. Khi cháu Quang được 3 tuổi, gia đình phát hiện cháu bị bệnh động kinh. Gần như tháng nào cháu cũng phải nhập viện điều trị. Kinh tế vì thế cũng khó khăn nên anh Thiện đã làm đơn xin ly hôn chị Nhung và hai người đã chia tay nhau được 5 năm. Cháu Quang mang bệnh tật nhưng vẫn cố gắng đến lớp, nhưng lại hay bị các bạn cùng lớp trêu chọc là con hoang, không có bố, Quang thường về nhà hỏi mẹ bố đâu khiến chị Nhung càng thêm đau lòng và buồn tủi cho số phận của mình.

Được bố mẹ đẻ bao bọc, chị Nhung hiện đang học tại trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương chỉ còn 2 tháng nữa sẽ hoàn thành. Ngôi nhà mới mà chị và con trai tìm đến cái chết cũng do bố mẹ đẻ cùng các anh em trong nhà xây cho. Căn nhà mới hoàn thành, nhưng cả 2 mẹ con vẫn chưa dọn về, vẫn ở chung bên nhà bố mẹ đẻ. Cách đây khoảng 1 tháng, sự ức chế càng tăng lên, chị thường xuyên nói với mẹ đẻ là cuộc sống quá vất vả, chết quách cho xong. Và không ai ngờ, điều đó đã xảy ra với hai mẹ con chị.

Và những nỗi đau khác

Trước đó, sáng 2-6, chị Lê Thị Thu, 41 tuổi, trú tại xã Hoàng Lưu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cùng con trai là Trương Văn Trường (8 tuổi) cũng uống thuốc diệt kiến để tự tử. Do chị Thu uống với hàm lượng thuốc độc nhiều nên tử vong tại bệnh viện vào ngày 3-6. Còn cháu Trường may mắn thoát nạn. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chị Thu buồn chán việc người chồng hay uống rượu rồi quát nạt... chị Thu nghĩ quẩn, nên đã uống thuốc diệt kiến để tự tử, cháu Trường thấy mẹ uống cũng uống theo. 

Vào khoảng 9h ngày 27-5, nhiều người đi đường tận mắt chứng kiến hình ảnh một cô gái leo lên thành cầu Hùng Vương, TP Tuy Hòa (Phú Yên) ở độ cao hàng chục mét, rồi bất ngờ lao mình xuống dòng sông Đà Rằng tự vẫn. Ngay sau đó, cô gái đã tử vong do bị ngạt nước quá lâu. Sau đó đã xác định cô gái tên là Phùng Thị Thu Vân (sinh ngày 19-9-1986, tại xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, Phú Yên). Bà Nguyễn Thị Đào, dì ruột của nạn nhân cho biết cô có chuyện buồn phiền về tình cảm.  Và Vân  không phải là trường hợp duy nhất mà chỉ trong thời gian ngắn, tại đây đã có 3 vụ tự tử do buồn phiền trong chuyện tình cảm. 

Cũng vào thời điểm cuối tháng 5, tại Tiền Giang, dư luận xôn xao vụ người mẹ 15 tuổi 4 lần tìm đến cái chết vì bi kịch gia đình. Nguyên nhân dẫn đến thảm kịch không có lối thoát khiến cô bé đang ở tuổi vị thành niên phải quyên sinh là do sự ghen tuông bồng bột và tình yêu “dở ương” của cha đứa trẻ cô sinh ra. 

 Chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra hàng loạt các vụ tự tử thương tâm. Điều đáng nói là vì buồn chán chuyện gia đình, hay mâu thuẫn với chồng mà những người mẹ đã khiến cho những đứa trẻ phải chết oan nghiệt. Phần lớn các vụ tự tử đều xuất phát từ những mâu thuẫn đã kéo dài, người có ý định tự tử đều có biểu hiện bất thường. Nhưng gia đình, người thân lại thường không để ý để có thể kịp thời chia sẻ, động viên giúp họ tháo gỡ những bế tắc tâm lý ấy.

Theo các chuyên gia tâm lý, số vụ tự tử nguyên nhân từ sự bế tắc về tâm lý là cao nhất. Do bế tắc về tâm lý không được giải quyết nên họ đã tìm đến cái chết. Biện pháp ngăn chặn nạn tự sát, theo các chuyên gia, là nâng cao trình độ dân trí cũng như đời sống của người dân. Những mâu thuẫn gia đình, cần được các tổ chức, đoàn thể tại địa bàn quan tâm nắm bắt và kịp thời tư vấn, giúp đỡ giúp họ vượt qua những bế tắc. Chẳng hạn như trường hợp chị Nguyễn Thị Nhung ở trên, những người thân trong  gia đình ngoài sự quan tâm về vật chất thì cũng cần có sự động viên khi thấy chị có những biểu hiện tâm lý chán bản, hoặc  nhà trường nơi cháu Quang đang học cần có những biện pháp giáo dục  đối với học sinh, biết chia sẻ những tổn thất về tình cảm đối với hoàn cảnh đáng thương của cháu Quang và  Hội Phụ nữ xã, Đoàn thanh niên nếu như gần gũi hơn động viên kịp thời thì rất có thể hậu quả đau lòng đã không xảy ra.