Từ 25-5: Lương người giúp việc tối thiểu 2,7 triệu đồng

ANTĐ - Từ ngày 25-5, Nghị định 27/2014/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động với loại hình lao động giúp việc gia đình có hiệu lực. Quy định mới này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động, mà còn là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cơ quan chức năng quản lý và hạn chế những tranh chấp nảy sinh.

Những quy định mới giúp bảo vệ quyền lợi cho người giúp việc nhưng khó áp dụng trong thực tế

Vẫn còn thờ ơ với quy định 

Theo quy định trong Nghị định mới thì giữa chủ nhà (người sử dụng lao động) và người giúp việc (NGV) phải ký kết Hợp đồng lao động. Trong hợp đồng phải ghi rõ: Thỏa thuận về tiền lương; điều kiện ăn, ở; trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản của chủ nhà; trách nhiệm bồi thường khi phá vỡ hợp đồng… trách nhiệm bồi thường do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động; những hành vi bị nghiêm cấm đối với mỗi bên.

Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định một số quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương (tối thiểu 2,7 triệu đồng/tháng), bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, trách nhiệm vật chất và giải quyết tranh chấp lao động đối với loại hình lao động này theo quy định của Bộ luật Lao động. Như vậy, về cơ bản quyền lợi của NGV như thời gian nghỉ ngơi trong ngày, trong tuần, những ngày lễ, Tết…nhưng vẫn được hưởng lương. Mặc dù chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa Nghị định này có hiệu lực song không ít trung tâm môi giới và tuyển chọn NGV, thậm chí ngay cả nhiều chủ lao động lại không mấy quan tâm đến quy định này.

Chị Nguyễn Thu Yến - ở phường Ngọc Lâm - quận Long Biên cho hay, phần lớn những NGV được gia đình chị thuê đều do bà con, họ hàng ở quê giới thiệu nên từ trước đến nay chị chưa bao giờ ký hợp đồng với họ. Hơn nữa, theo quan niệm của chị Yến, do họ ăn, ở chung cùng với gia đình nên hầu hết mọi chi phí liên quan đến sinh hoạt đều do gia đình chị chi trả, giờ lại phải đóng bảo hiểm cho họ, thì tiền lương của chị không đủ để thuê NGV. 

Trong khi đó, nhiều NGV lại tỏ ra khá ngạc nhiên với quy định mới, bởi họ quan niệm chỉ có làm việc ở các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước thì mới được chủ lao động đóng bảo hiểm. Có thâm niên làm giúp việc cho nhiều gia đình từ hơn 10 năm nay, chị Trần Thị Nhung, ở Quốc Oai (Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây khi còn làm công nhân cho một doanh nghiệp may mặc tôi được chủ lao động ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm. Do điều kiện sức khoẻ không tốt nên tôi phải chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, do đó không được hưởng bảo hiểm. Nếu quy định này có hiệu lực, quyền lợi và trách nhiệm giữa chủ nhà và NGV chắc chắn sẽ được đảm bảo hơn”.

Giải quyết những tranh chấp phát sinh

Giúp việc gia đình lâu nay vẫn được coi là một nghề và đặc biệt phát triển ở những thành phố lớn khi số gia đình có điều kiện kinh tế ngày một tăng. Tuy nhiên, lâu nay, chuyện chủ lao động đóng bảo hiểm, hay ký hợp đồng lao động khi thuê NGV gần như chưa từng có, mà phần lớn thoả thuận bằng hợp đồng miệng. Chính vì vậy, thời gian qua, những hệ lụy từ loại hình lao động này đã đẩy không ít người lao động đứng trước nguy cơ bị bạo hành, quấy rối tình dục…nảy sinh nhiều tranh chấp, tệ nạn như mất cắp, bắt cóc trẻ khi chủ nhà quá tin tưởng NGV. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong quản lý do mối quan hệ giữa chủ nhà và NGV không có sự ràng buộc về pháp lý, gây khó khăn trong việc xử lý. 

Quy trình giao dịch của nhiều trung tâm môi giới và tuyển dụng NGV, thường chỉ có một phiếu thu, trong đó người tuyển dụng lao động đóng phí môi giới. Còn người lao động sẽ trả một khoản phí cho trung tâm sau khi nhận tháng lương đầu tiên. Với những giao dịch kiểu như vậy, dễ dàng nhận thấy các gia đình và NGV chỉ quan tâm đến mức lương phải trả và được nhận, còn trung tâm môi giới thì kiếm lời từ những giao dịch này.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hoà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc công nhận loại hình lao động này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động mà còn đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng lao động.

Nghị định 27/2014/NĐ–CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình sẽ tạo thêm cơ sở pháp lý để thiết lập mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, từ đó tạo dựng sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa chủ nhà và NGV- một công việc lâu nay vẫn được cho là thấp kém trong xã hội. Hơn nữa, từ quy định này chính quyền và các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để xử lý vi phạm đối với chủ lao động với người lao động và ngược lại. Tuy nhiên, để những quy định này có hiệu quả, các cơ quan chức năng nên đưa ra những quy định cụ thể hơn về mặt pháp lý để có thể kiểm soát và xử lý nghiêm đối với người sử dụng lao động không trình báo thuê giúp việc, hay không thực hiện nghiêm túc những quy định của pháp luật, không đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Điều 15 quy định về mức lương: Mức tiền lương do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hàng tháng của người lao động nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động.

Điều 19 quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm.  

(Trích Nghị định 27/2014/NĐ-CP)