Trước Tết, dịch bệnh truyền nhiễm đe dọa bùng phát

ANTĐ - Những ngày gần đây, một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận rải rác bệnh nhân mắc sốt phát ban, sởi, ho gà vào điều trị. Ngày 28-1, Bộ Y tế cho biết số bệnh nhân mắc các bệnh này chắc chắn sẽ tăng lên trong những ngày tới, bởi đây là các bệnh cùng với nhiều dịch bệnh cúm nguy hiểm khác như H7N9, H5N1… phát triển thuận lợi trong thời tiết đông xuân.

Trước Tết, dịch bệnh truyền nhiễm đe dọa bùng phát ảnh 1Dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, ho gà đang có chiều hướng gia tăng

Dịch cúm A/H7N9 áp sát biên giới 

Tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Bộ Y tế chiều 28-1, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, hiện nay dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc có nguy cơ bùng phát thành đợt dịch mới. Đáng lo ngại là số ca mắc có xu hướng lan rộng từ các tỉnh phía Bắc xuống các tỉnh phía Nam - áp sát biên giới nước ta. Đơn cử như tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) - nơi có số lượng người Việt Nam sang du lịch, làm ăn buôn bán rất lớn, đã ghi nhận 111 ca  mắc.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam qua những người đi làm ăn, buôn bán, du lịch hoàn toàn có thể xảy ra, bởi đã có khách du lịch Canada từ Trung Quốc về nước đang nghi ngờ mắc cúm A/H7N9.

Một vấn đề cần lưu ý là qua xét nghiệm hơn 600.000 mẫu bệnh phẩm trên gia cầm tại Trung Quốc nhưng chỉ phát hiện 53 mẫu dương tính với cúm A/H7N9. Số lượng mẫu xét nghiệm rất lớn nhưng số dương tính không cao, vì thế rất khó để phát hiện được nguồn bệnh” - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.  

Được biết, số mắc bệnh cúm A/H7N9 thường ghi nhận nhiều nhất vào các tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, tỷ lệ tử vong lên tới 40%. Bên cạnh đó, rất nhiều loại cúm hoặc khác như cúm A/H5N6, A/H5N8, A/H5N2… cũng có nguy cơ bùng phát vào thời gian này bởi thời tiết đông-xuân thuận lợi cho các bệnh do virus phát triển. Nhất là thời điểm trước và sau Tết nguyên đán, việc buôn bán, lượng tiêu thụ, giết mổ gia cầm tăng cao. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết thêm, gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm virus cúm, tuy không phải các chủng cúm mới mà chủ yếu là cúm B, cúm H1N1 thông thường, cúm H3N2… song nhiều ca biến chứng rất nặng, không thể chủ quan. 

Cảnh giác với bệnh ho gà, sởi 

Trong khi những dịch bệnh cúm gia cầm nói trên hoặc mới chỉ bùng phát trên đàn gia cầm, hoặc còn ngoài biên giới thì một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong nước như sởi, ho gà đang có số ca mắc gia tăng những ngày gần đây khiến người dân không khỏi lo lắng. Trao đổi với báo chí ngày 28-1, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, “Việc ghi nhận các ca bệnh ho gà hiện nay là điều bình thường trong bối cảnh Việt Nam chưa thanh toán được bệnh. Dự đoán dịch lớn sẽ không xảy ra vì tỷ lệ tiêm chủng đạt cao". PGS.TS Trần Đắc Phu cũng khẳng định, người dân không nên quá lo lắng trước diễn biến của bệnh ho gà bởi hiện vẫn chỉ ghi nhận các ca rải rác, chưa có chùm ca bệnh, chưa có ổ dịch, những cháu bị mắc đều chưa tiêm vaccine phòng ho gà hoặc không được tiêm đầy đủ. Theo 2 chuyên gia trên, việc có nhiều trẻ mắc ho gà thời gian này là do trong 1-2 năm qua việc tiêm vaccine có thời gian bị gián đoạn sau sự cố tai biến tiêm vaccine Quinvaxem, mặt khác cũng xảy ra tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ khiến nhiều trẻ không được tiêm chủng. 

Hiện trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố cũng đã ghi nhận rải rác nhiều bệnh nhân mắc bệnh sởi. Để chủ động phòng chống bệnh này, ngay trong ngày 28-1, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương phòng, chống dịch, trong đó chú ý đến việc giám sát chặt chẽ các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm, điều trị, ngăn chặn kịp thời.