TopCare “bỗng dưng” đóng cửa: Bao giờ quyền lợi người tiêu dùng Việt được đảm bảo?

ANTĐ - Vụ việc hệ thống siêu thị điện máy Topcare “bỗng dưng” đóng cửa mà không có thông báo chính thức, rõ ràng nào khiến những khách hàng từng mua đồ tại đây không khỏi lo lắng vì sợ bị mất nơi xác nhận bảo hành sản phẩm. Đây không phải là vụ việc hiếm hoi trên thị trường Việt Nam, khi người tiêu dùng dễ dàng bị rơi vào tình trạng… “nắm dao đằng mũi”, quyền lợi không được bảo vệ một cách chính đáng.

Gánh chịu hậu quả, biết…kiện ai?

Mặc dù cửa đóng then cài, siêu thị điện máy Topcare vẫn duy trì trang web (topcare.vn) hoạt động như bình thường. Ở phần tin tức nổi bật, không có một thông tin chính thức nào nói về việc đột ngột đóng cửa, khách hàng từng mua sản phẩm tại đây chỉ nắm được thông tin qua báo chí.

Mọi nỗ lực liên lạc với đại diện siêu thị này đều không khả thi, khiến câu hỏi “Tôi sẽ được bảo hành sản phẩm thế nào?” của các khách hàng Topcare vẫn bị bỏ ngỏ đáp án.

Người tiêu dùng Việt vẫn đang bị "bỏ rơi" quyền lợi trong nhiều vụ việc

Bên cạnh vụ việc trên, gần đây còn có một “scandal” khác liên quan trực tiếp tới quyền lợi người tiêu dùng, là Công ty TNHH Sản xuất và chế biến rau an toàn Ba Chữ đưa thẳng rau lấy từ chợ đầu mối vào loạt siêu thị tên tuổi như Metro, BigC, Lotte Mart… để thành "rau sạch".

Khi các báo phanh phui sự thật, các siêu thị đồng loạt phản ứng “đơn giản” bằng cách ngừng nhập rau của công ty trên, nhưng người tiêu dùng – những khách hàng thực sự phải bỏ nhiều tiền để mua “rau sạch” trong siêu thị – không biết đòi quyền lợi ra sao sau vụ lừa đảo trắng trợn này.

Hai sự việc trên chỉ là một phần nổi rất nhỏ trong bức tranh thực tế khổng lồ về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ở thị trường Việt Nam, song các nạn nhân chỉ biết than trời, bởi tâm lý chung của họ là “chẳng biết kiện ở đâu, mà có kiện thì cũng chưa được vạ, má đã sưng, thời gian, tiền bạc theo kiện thì ai trả” như lời cô Phạm Lụa (Bách Khoa, Hà Nội) chia sẻ.

Chị Thùy Linh (Lương Khánh Thiện, Hà Nội) kể lại rằng đã có lần, chị mua một túi bột ngũ cốc nhập khẩu từ siêu thị, nhưng mang về pha thì thấy quá hôi, bột mốc, không uống nổi.

“Liên hệ với siêu thị, họ “đẩy” trách nhiệm cho công ty nhập khẩu. Mình gọi đến công ty nhập khẩu theo số liên hệ trên bao bì thì gặp một người đàn ông nói nhát gừng, bảo là nếu hôi thì tự mang tới công ty, để công ty xem thế nào, cần thì đổi cho gói khác. Nhìn địa chỉ công ty xa tít tận đâu, mình chỉ còn nước rút kinh nghiệm, lần sau tránh cái loại đấy ra thôi, dù biết rằng cách “bảo vệ quyền lợi” này quá hạn chế”, chị Linh cho hay.

Người tiêu dùng cần mạnh mẽ lên tiếng

Không thể phủ nhận thực tế là các cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam còn nhiều lỗ hổng, song chính thái độ của người tiêu dùng cũng góp phần tạo nên sự bất công, thiếu minh bạch mà họ phải đón nhận.

Về luật, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội.” (khoản 1 Điều 4). Trên cơ sở này, đã có những Hội Bảo vệ Người tiêu dùng trên khắp cả nước để bất kỳ khách hàng nào gặp vấn đề về chất lượng sản phẩm, dịch vụ có thể liên hệ.

Độc giả có thể tham khảo tại đường link: http://bvntd.vca.gov.vn/introduction/localOrg.aspx

Chị Trần Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ về kinh nghiệm liên hệ Hội Bảo vệ Người tiêu dùng của mình: “Tôi mua 2 vỉ sữa tươi loại không đường của một thương hiệu có tiếng về dùng. Nhưng khi bắt đầu uống, tôi thấy sữa có kết tủa, mùi chua nên rất bức xúc. Tôi đã lên mạng tìm thông tin và nhờ Hội Bảo vệ Người tiêu dùng lên tiếng. Cùng với đó, tôi cũng liên lạc với phía công ty sản xuất. Phía Hội có người tiếp nhận thông tin khá nhiệt tình, dường như có sức ép của Hội nên công ty sản xuất đã phải cử người xuống gặp tôi để lấy sản phẩm lỗi về xét nghiệm. Dù sau đó, mình chưa hài lòng lắm khi họ trả lời là nguyên nhân do quá trình vận chuyển, rồi đền cho vỉ sữa mới, nhưng thế cũng còn hơn là ôm cục tức trong lòng”.

Ngoài ra, các tờ báo hiện nay đều có đường dây nóng và bộ phận tiếp nhận, xử lý khiếu nại của bạn đọc. Một khi cảm thấy sự việc của mình cần được lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chung cho những khách hàng khác, người tiêu dùng hoàn toàn có thể chủ động liên hệ với các tờ báo để cung cấp thông tin về vụ việc của mình.

Ở thời đại công nghệ thông tin phát triển, các mạng xã hội kết nối cũng là một kênh thông tin hiệu quả để người tiêu dùng chia sẻ kinh nghiệm, cũng như lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Tất nhiên, dù lên tiếng qua kênh thông tin nào, người tiêu dùng cũng phải đảm bảo có đầy đủ chứng cứ (giấy tờ mua, nhận hàng, email/tin nhắn giao dịch, các nội dung cam kết bảo hành từ nơi bán…), nếu không, khả năng “thắng kiện” sẽ rất khó khăn.

Có chuẩn bị tâm lý và những thông tin cần biết như vậy, người tiêu dùng mới không rơi vào tình trạng “ôm cục tức” sau khi quyền lợi của mình bị vi phạm mà không biết phải làm sao.