Thương lắm “Khúc… ơ”

(ANTĐ) - Trong cơn mưa đêm qua, nằm cuộn tròn trong chăn thưởng thức đợt không khí lạnh cuối mùa đầy nuối tiếc và nghe tiếng hoa sấu li ti rì rầm đáp xuống mái ngói rêu phong của căn nhà nép sâu trong ngõ nhỏ Trần Hưng Đạo, tôi chợt thót lòng vì tiếng rao “Khúc… ơ” văng vẳng, buốt lạnh.

Thương lắm “Khúc… ơ”

(ANTĐ) - Trong cơn mưa đêm qua, nằm cuộn tròn trong chăn thưởng thức đợt không khí lạnh cuối mùa đầy nuối tiếc và nghe tiếng hoa sấu li ti rì rầm đáp xuống mái ngói rêu phong của căn nhà nép sâu trong ngõ nhỏ Trần Hưng Đạo, tôi chợt thót lòng vì tiếng rao “Khúc… ơ” văng vẳng, buốt lạnh.

Tôi mở cửa sổ nhìn ra, trong màn mưa lay phay và ánh đèn đường quầng vàng nhạt, chỉ thấy một tấm lưng gầy, chiếc thúng đậy kín nilon chênh chao trong ngõ đã vắng người. Giờ này liệu có ai ra đường mà mua bánh khúc? Giờ này, bán thêm được chiếc bánh khúc nào, bàn chân đi đôi dép lê sứt sẹo, bàn tay ghì chặt tay lái xe có bớt lạnh, bớt run?

Chợt nhớ tấm lưng kia hao hao như tấm lưng mẹ tôi một thời tảo tần làm bánh khúc bán khắp chợ gần, chợ xa nuôi mấy anh chị em tôi ăn học. Tháng tư này, cánh đồng rau khúc vùng Đông Anh ngoại thành Hà Nội quê tôi chắc đang mượt xanh sau những cơn mưa trả nước cho đất sau nhiều ngày nắng hạn. Nói cánh đồng rau khúc tức là cách nói hoài niệm, chứ nhiều năm nay, mấy anh chị em chúng tôi dứt được công việc, ào về quê vào mỗi cuối tuần, đòi ăn bánh khúc đều phải lẽo đẽo vác rổ theo mẹ mót non nửa đồng làng mới đủ bữa.

Giờ rau khúc hiếm hoi nằm khép nép, khuất lấp trong những thài lài, rau ngổ, rau răm dại và muôn vàn thứ hoa cỏ không tên khác của đồng ruộng. Sự hiếm hoi không cho người ta sự lựa chọn. Không biết người làm bánh khúc giờ lấy rau khúc ở đâu mà vẫn có bán hàng ngày? Nhớ ngày còn bé, thi thoảng mỗi buổi chiều tôi vẫn phải đi hái rau khúc cho mẹ làm hàng.

Mẹ luôn dặn, phải chọn đúng thứ khúc nếp, lá nhỏ, phiến dày, đốt ngắn và mùi rất thơm. Nhưng vì mải chơi - đối với trẻ con làng quê, cánh đồng luôn là thiên đường của rất nhiều trò chơi thơ bé - mà bao giờ cũng thế, vác rổ đi từ non chiều, trời xâm xẩm tối tôi mới vội vàng vơ đại từng nắm rau một, để rồi suốt đêm ấy, mẹ phải còng lưng chọn ra từng nhánh khúc nếp trong chiếc rổ đầy đa phần là khúc tẻ.

Sáng mai, khi tôi còn chưa tròn giấc thì mẹ đã đặt chõ bánh khúc trong chiếc mủng đặt lên một bên quang gánh, bên kia là khoai lang, bí ngô, bí đao hoặc những thứ cần bán khác, kĩu kịt đi vào sương sớm.

Cũng lạ, ở quê, người ta không mấy chuộng thứ quà quê này. Chính vì thế, khi con cái trưởng thành cũng là lúc bánh kẹo đóng gói lên ngôi, đời sống phát triển, người dân thích ăn sáng bằng bún, phở, mì gói chứ không ăn bánh khúc nữa, mẹ tôi đã nghỉ bán hàng. Nhưng ở Hà Nội, suốt từ những năm tôi chập chững bước chân vào đại học cho đến bây giờ, bánh khúc vẫn là thứ quà ăn sáng, ăn nhẹ, ăn đêm của người Hà Nội. Có lẽ, tại vị xôi nếp dẻo thơm, đỗ xanh quyện với lá khúc và miếng thịt nửa nạc nửa mỡ ngọt đậm đà, béo mà không ngấy đã khiến người ta khi đã ăn là không thể quên được món bánh dân dã này.

Bánh khúc ở Hà Nội có rất nhiều hàng, nhưng tôi chuộng nhất vẫn là hiệu bánh khúc Cô Lan Nguyễn Công Trứ. Bánh ở đây có hương vị nhang nhác giống bánh mẹ tôi vẫn làm ngày xưa. Thời của công nghệ thông tin, bánh khúc đã có hẳn trang web riêng của hiệu bánh khúc Quân giới thiệu những nét đặc trưng, cách làm, địa chỉ và cách bảo quản món bánh này.

Nhưng “cơ động” và bền bỉ nhất vẫn là những xe bánh khúc chở đi bán dạo khắp Hà Nội. Tôi thích mua của hàng rong, bởi ngoài sự tiện lợi, tôi thấy mình còn được tiếp xúc với hiện thân của hồn vía phố phường trong giây phút chầm chậm chờ đợi cô hàng khẽ khàng xúc chiếc bánh sao cho không bị vỡ nát mà lại đẹp mắt. Nhiều lần, tôi đã tưởng rằng họ chỉ là một, bởi ai cũng có cái lưng gầy gầy xương xương, cái nón lá, chiếc mủng đen đúa, xù xì nhưng ấp ủ thứ quà tinh hoa của ruộng đồng và chiếc xe đạp kót két, mòn vẹt.

Chẳng biết, cô hàng trọ ở đâu, trong căn nhà nhỏ bé, thiếu thốn tiện nghi trong thành phố đông đúc này, nhưng dưới cơn mưa dầm dề, ở mùa đông giá rét hay mùa hè nắng như đổ lửa, từ sáng tinh mơ cô đã cất tiếng rao đánh thức thành phố dậy đến khi nhiều người đã yên chân trong căn nhà ấm cúng của mình.

Có lẽ, hơn ai hết, cô hàng bánh khúc là người đi nhiều nhất và sống rất nhiều, hiểu rất nhiều về thành phố này. Nếu đặc trưng của Sài Gòn là tiếng mì gõ, tiếng rao “Quất… ơ”, thì Hà Nội trong tôi, không gì có thể thay thế được tiếng “Khúc… ơ” đầy gần gũi, thân thiết.

Bánh khúc Hà Nội, cứ bình dị như thế, lầm lụi như thế, nhưng tôi chắc, nếu một ngày không có tiếng rao này, những con ngõ nhỏ sẽ ngẩn ngơ vì thiếu vắng, bồn chồn.

Hoàng Mai