Thay đổi cách nhìn về cai nghiện tự nguyện

ANTĐ - Người nghiện cũng như các bậc phụ huynh có con em sử dụng ma túy không còn coi việc cai nghiện là vấn đề nặng nề sau khi mục sở thị môi trường cai nghiện tự nguyện thân thiện và chuyên nghiệp. Ở đó, người nghiện ma túy không những được chăm sóc, đối xử như bệnh nhân, mà còn được hỗ trợ kinh phí, giáo dục tâm lý, lối sống và tư vấn việc làm.

Thay đổi cách nhìn về cai nghiện tự nguyện ảnh 1Cán bộ Trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số V Hà Nội kiểm tra sức khỏe cho người nghiện

Nhiều người tự nguyện viết đơn

Chưa bao giờ việc vận động người sử dụng ma túy tự nguyện đi cai nghiện lại diễn ra dễ dàng. Nếu người nghiện luôn tìm cách né tránh, không thừa nhận đã sử dụng ma túy, thì người thân của họ cũng không muốn tật xấu của con em bị phanh phui, chấp nhận tự cai tại nhà còn hơn đưa đến các trung tâm. Không chỉ quan niệm việc đi “cai” là khổ cực, tốn kém, nhiều người còn hoài nghi cả về kết quả của công tác cai nghiện tập trung. Tuy nhiên, suy nghĩ này đã từng bước được đẩy lùi sau khi UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án thí điểm chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ điều trị nghiện ma túy tự nguyện của Trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số V Hà Nội (Trung tâm số V). Theo đề án này, toàn bộ người nghiện có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội sẽ được Trung tâm số V tiếp nhận điều trị với thủ tục hết sức đơn giản.

Tại huyện Đan Phượng, ngay sau khi đề án được triển khai, Ban chỉ đạo phòng chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS huyện đã xây dựng kế hoạch phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là vận động người sử dụng ma túy đi cai nghiện tự nguyện. Trực tiếp Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng đã ký 1.640 thư ngỏ gửi đến tất cả những người nghiện, gia đình người nghiện và cán bộ chính quyền, đoàn thể cơ sở trên địa bàn, đồng thời cùng lực lượng công an tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của công tác cai nghiện. 

Bằng nhiều kênh vận động thuyết phục, cơ quan chức năng huyện đã giúp người nghiện cũng như gia đình của họ nắm bắt đầy đủ chủ trương, chính sách của thành phố. Chỉ riêng trong ngày 23-3, ở Đan Phượng đã có 5 thanh niên nghiện ma túy tự nguyện viết đơn xin đi cai nghiện. Giữ vai trò là cơ quan thường trực trong Ban chỉ đạo, CAH Đan Phượng vừa tổ chức hướng dẫn, hoàn tất các thủ tục, vừa đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ hơn nội dung đề án. “Ngoài đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ, cơ quan công an sẽ cử cán bộ xuống tận cơ sở hướng dẫn, giải đáp các vấn đề liên quan, đồng thời bố trí phương tiện đưa người nghiện đến trung tâm ngay sau khi tiếp nhận” - Trung tá Chu Anh Tuấn, Phó trưởng CAH Đan Phượng thông tin và cho biết, đến nay đã có thêm 8 trường hợp nghiện ma túy khác được đưa vào Trung tâm số V theo đúng nguyện vọng của gia đình và bản thân người nghiện. Bỏ qua tâm lý e ngại, giờ đây không ít người nghiện coi hình thức cai nghiện tự nguyện là lựa chọn hợp lí nhất để tìm lại chính mình.

Thay đổi cách nhìn về cai nghiện tự nguyện ảnh 2Khu vực lưu trú để người thân đến thăm học viên

Yên tâm tuyệt đối

8 năm trước, Nguyễn Văn Tuấn (ở Hạ Mỗ, Đan Phượng) bị chúng bạn rủ rê rồi “bập” vào ma túy. Từ một thanh niên to béo, theo thời gian Tuấn trở nên gầy còm, xanh xao vì lệ thuộc vào thứ bột trắng gây nghiện. Nhiều lần quyết tâm, gia đình Tuấn tìm mọi cách để cách ly nam thanh niên này với nhóm bạn hư. Thuốc cắt cơn cũng đã mua cho Tuấn uống nhưng lần kiểm tra mới đây, cơ quan y tế xác định, nam thanh niên này dương tính với cả 3 loại ma túy tổng hợp. 

Khi chưa biết về chủ trương của thành phố, bà Nguyễn Thị Phương (mẹ của Tuấn) rất băn khoăn. Muốn đưa con trai đi cai nghiện thật sớm nhưng bà lại lo sợ Tuấn sẽ không chịu nổi những áp lực, vất vả ở trung tâm. Vấn đề chi phí cũng là điều khiến bà Phương lưỡng lự khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, sau ít phút có mặt tại Trung tâm số V, người phụ nữ có con trai trót dính vào ma túy đã có suy nghĩ khác. “Môi trường ở trung tâm cai nghiện đúng là khác xa so với tưởng tượng của chúng tôi. Ở đây không chỉ sạch đẹp, kỷ luật mà còn đầy tình thương và trách nhiệm”, bà Phương tin rằng bất kỳ ai trong hoàn cảnh giống mình cũng sẽ yên tâm đưa con em đến trung tâm này cai nghiện . 

Trực tiếp đưa con trai vào trung tâm, ông Bùi Tín Hinh (ở Hạ Mỗ, Đan Phượng) hoàn toàn bất ngờ trước sự đón tiếp, chăm sóc cũng như biện pháp quản lý, giáo dục của cán bộ, nhân viên làm việc tại đây. Nét mặt ông Hinh không còn căng thẳng, lo lắng khi biết người nghiện được chăm sóc, đối xử như những bệnh nhân trong bệnh viện. “Nếu tự cai tại nhà, chúng tôi chắc chắn không đủ tiền để cháu điều trị theo phác đồ khoa học, càng không có cơ hội được chăm sóc thể chất, giáo dục tâm lý, tham gia văn nghệ - thể thao hay định hướng nghề nghiệp” - ông Hinh cho biết.

Được biết, Trung tâm số V là nơi duy nhất của Hà Nội tiếp nhận người cai nghiện tự nguyện. Theo đề án thí điểm, UBND TP hỗ trợ toàn bộ tiền ăn (20.000 đồng/người/ngày), tiền đồ dùng cá nhân, tiền thuốc cắt cơn, điều trị bệnh thông thường, kinh phí điện nước, vệ sinh, sát trùng, văn hóa, thể dục thể thao… Đại diện lãnh đạo trung tâm cho biết, để tạo thuận lợi cho người dân, Trung tâm số V đã thành lập tổ tiếp nhận làm việc 24/24 giờ đảm bảo tiếp nhận người nghiện mọi lúc, với thủ tục đơn giản nhất (bản sao CMND, hộ khẩu và đơn cai nghiện tự nguyện). Quá trình cai nghiện, học viên sẽ rèn luyện tác phong nội vụ, được giáo dục như ở nhà trường và được điều trị như trong bệnh viện. Ngoài ra, trung tâm còn bố trí khu lưu trú với 12 buồng hạnh phúc để người thân học viên thăm gặp, cung cấp một số dịch vụ giải trí, ăn uống và khu vực riêng uống methadone…